Cán bộ quá tuổi vẫn lãnh đạo Tỉnh đoàn, kỹ sư tàu thủy làm trưởng ngành VH-TT-DL: 'Bài học xương máu' trong công tác cán bộ tại Hải Dương

Công tác cán bộ đặc biệt quan trọng, là then chốt của mọi then chốt, nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Tuy nhiên mới đây, tỉnh Hải Dương công bố loạt nhân sự đối với các chức danh Bí thư Thị ủy Kinh Môn và Giám đốc Sở VH-TT-DL đã khiến dư luận hoài nghi đặt câu hỏi việc luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ tại địa phương này có được tiến hành thận trọng, đảm bảo nguyên tắc, minh bạch, công tâm trong chọn lựa, giới thiệu hay không?

Tỉnh ủy Hải Dương tổ chức chức buổi lễ trao quyết định điều động, bổ nhiệm nhiều cán bộ chủ chốt mới tại một số ngành, địa phương. Ảnh: Báo Hải Dương

Tỉnh ủy Hải Dương tổ chức chức buổi lễ trao quyết định điều động, bổ nhiệm nhiều cán bộ chủ chốt mới tại một số ngành, địa phương. Ảnh: Báo Hải Dương

Theo đó, sáng 29/4, Tỉnh ủy Hải Dương đã tổ chức buổi lễ trao quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy điều động ông Nguyễn Minh Hùng, Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy, Chủ tịch HĐND Thị xã Kinh Môn đến công tác tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Sở VH-TT-DL), giao Quyền Sở VH-TT-DL từ ngày 1/5/2020.

Buổi lễ trên cũng ghi nhân việc trao quyết định điều động bà Sái Thị Yến, Tỉnh ủy viên, Bí thư Tỉnh đoàn đến công tác tại Thị ủy Kinh Môn, đồng thời chỉ định bà Sái Thị Yến tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ Thị xã, Ban Thường vụ Thị ủy và giữ chức Bí thư Thị ủy Kinh Môn khóa 24, nhiệm kỳ 2015-2020 từ ngày 1/5/2020.

Bà Sái Thị Yến có trình độ chuyên môn cử nhân Xã hội học (Phân viện Báo chí và Tuyên truyền, nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền); Thạc sĩ Quản trị kinh doanh (ĐH Kinh tế Quốc dân).

Bà Yến có 9 năm giữ các chức vụ Phó bí thư, Bí thư Tỉnh đoàn; tham gia cấp ủy tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020; đại biểu HĐND tỉnh. Năm 2018, bà Yến là Tỉnh ủy viên.

Bà Sái Thị Yến được quy hoạch chức danh Phó bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025; ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh giai đoạn 2015-2020, 2016-2021 và nhiệm kỳ 2020-2025, 2021-2026.

Còn ông Nguyễn Minh Hùng trình độ chuyên môn Kỹ sư Máy tàu thủy (Đại học Hàng hải); cử nhân Quản trị kinh doanh tổng hợp (Đại học Kinh tế quốc dân); Thạc sĩ Quản trị kinh doanh quốc tế (Đại học Quản trị Paris, Pháp).

Ông Hùng có 9 năm giữ các chức vụ: Ủy viên Ban thường vụ huyện ủy; Trưởng ban Dân vận huyện; Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy; Bí thư Huyện ủy (nay là Thị ủy Kinh Môn), trong đó có gần 5 năm là Bí thư Kinh Môn, tham gia cấp ủy tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Ông Nguyễn Minh Hùng được quy hoạch chức danh ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015-2020; 2020-2025 và quy hoạch chức danh Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026.

Tuy nhiên, theo Thông tư 09 của Bộ VH-TT-DL về quy định tiêu chuẩn chức danh giám đốc, phó giám đốc Sở, người được giới thiệu phải có 5 năm công tác trở lên trong lĩnh vực VH-TT-DL, trong đó có ít nhất 3 năm đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý về lĩnh vực chuyên môn, chuyên ngành được giao từ cấp trưởng phòng hoặc tương đương trở lên; có trình độ đại học trở lên phù hợp với lĩnh vực phụ trách.

Trả lời Báo Người Lao động, ông Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Hải Dương cho biết, ông Hùng có trình độ Kỹ sư máy tàu thủy, chưa có thời gian giữ chức vụ quản lý lĩnh vực VH-TT-DL nhưng thời gian giữ chức vụ Bí thư Huyện ủy (nay là Thị ủy Kinh Môn), ông đã lãnh đạo Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Kinh Môn phát triển toàn diện, trong đó có các thành tựu về VH-TT-DL. Do đó, ông Hùng có năng lực, có kinh nghiệm quản lý ở lĩnh vực này.

Trụ sở Thị ủy – HĐND – UBND Thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Ảnh: Báo Người Lao động.

Còn bà Sái Thị Yến giữ chức vụ Bí thư Tỉnh đoàn đã quá tuổi Đoàn; không trúng vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ở Đại hội Đảng bộ tỉnh năm 2015.

Theo tìm hiểu, năm 2016, dù không phải Tỉnh ủy viên nhưng bà Yến vẫn được bố trí làm Bí thư Tỉnh đoàn. Đặc biệt, theo độ tuổi, bà Yến sinh năm 1978, năm 2016 đã 38 tuổi, quá tuổi quy định giữ chức vụ Bí thư Tỉnh đoàn lần đầu.

Cụ thể, theo quyết định 289/2010 của Ban Chấp hành Trung ương quy định về quy chế cán bộ đoàn, tại điều 9 quy định tiêu chuẩn với Bí thư Tỉnh đoàn “giữ chức vụ lần đầu không quá 35 tuổi và giữ chức vụ không quá 40 tuổi”. Ngoài việc bà Yến giữ chức vụ năm 2016 quá 3 tuổi so với quy định, thời gian bà Yến giữ chức Bí thư tỉnh đoàn đến nay cũng quá 2 tuổi, năm nay bà Yến 42 tuổi, trong khi quy định giữ chức Bí thư Tỉnh đoàn lần đầu không quá 40 tuổi.

Về trường hợp này, theo ông Sơn, thời điểm Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 16 (năm 2015), bà Yến có tên trong danh sách của đề án nhân sự để giới thiệu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhưng thời điểm đó bà Yến mới là Phó Bí thư Tỉnh đoàn. Một cơ quan có 2 người ra ứng cử, Bí thư Tỉnh đoàn “trúng”, còn bà Yến “trượt”.

“Tại thời điểm kiện toàn Bí thư Tỉnh đoàn, có 3 Phó Bí thư (2 người sinh năm 1978, một người sinh năm 1979) đều quá tuổi. Đánh giá năng lực cán bộ và chính sách cán bộ là nữ, chúng tôi xin ý kiến Trung ương Đoàn và được chấp thuận để bà Yến giữ chức Bí thư Tỉnh đoàn” - ông Sơn giải thích.

Muốn lựa chọn được cán bộ có tâm, xứng tầm thì những người làm công tác này phải hết sức thận trọng, đảm bảo nguyên tắc, minh bạch, công tâm trong chọn lựa, giới thiệu.

Đặc biệt, trong việc chọn lựa cán bộ, dứt khoát không để lọt những người cơ hội chính trị, giỏi luồn lách nhưng non tài, kém đức như những “con lươn”, “con chạch” lọt vào quy hoạch.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị cán bộ toàn quốc diễn ra ngày 23/4, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định, phải làm tốt công tác nhân sự từ đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới làm tốt công tác nhân sự Đại hội XIII của Đảng, “dưới có vững thì trên mới bền chắc được”.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, liên quan đến sự sống còn của Đảng, sự phát triển bền vững của Đảng, của đất nước. Do đó, từng cơ quan, từng cấp, từng ngành phải làm cho tốt công tác đặc biệt quan trọng này, phải đặt lợi ích của Đảng, của đất nước, nhân dân lên trên hết, toàn tâm toàn ý lo cho công việc chung, trên dưới đồng lòng, đoàn kết nhất trí thì công việc mới trôi chảy, mới xứng tầm lãnh đạo đất nước trong bối cảnh tình hình mới.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng khẳng định, công tác nhân sự vô cùng phức tạp, nhạy cảm, vì nó liên quan đến con người, danh dự, chế độ chính sách… dễ nảy sinh vấn đề, tâm tư day dứt, vì vậy cần phải được tiến hành theo một quy trình khoa học, chặt chẽ, công tâm, khách quan.

Trong quá trình lựa chọn, phải lấy phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, tiêu chuẩn, hiệu quả, uy tín của bản thân trong công việc… làm thước đo chủ yếu; phải bố trí đúng người đúng việc, tạo ê kíp ăn ý, đoàn kết thống nhất, tạo nên sức mạnh.

Bởi vậy, cần nêu cao vai trò của tổ chức Đảng, tránh giản đơn, tùy tiện, vô nguyên tắc, không để lọt vào bộ máy những người không đáp ứng tiêu chuẩn, không đủ đức đủ tài, dẫn đến hại nước hại dân.

Trong từng khâu, từng công đoạn phải làm thật chắc chắn, khoa học, đồng bộ, tránh tối đa sai sót, làm đến đâu chắc chắn đến đó, đừng thấy đỏ tưởng chín, đừng để mã bên ngoài che đậy sơ sài bên trong…

Trong thời gian vừa qua, tình trạng bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, trong đó có cả người nhà, người thân, họ hàng xảy ra ở một số nơi, gây bức xúc dư luận xã hội... Thậm chí, tại nhiều địa phương, người đứng đầu cơ quan đảng, chính quyền trong công tác cán bộ luôn khẳng định việc việc giới thiệu, lựa chọn đối với các chức danh chủ chốt đều trải qua quy trình chặt chẽ, thế nhưng khi kiểm tra, thanh tra vẫn có sai phạm xảy ra buộc phải xử lý.

Nhiều vụ việc bổ nhiệm thần tốc cán bộ thời gian qua được dư luận phản ánh, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã vào cuộc kịp thời để xử lý, chấn chỉnh. Những tiêu cực trong công tác cán bộ có lẽ không dừng lại ở những vụ việc được báo chí và dư luận phản ánh.

Điều này, đã khiến dư luận băn khoăn về quy trình bổ nhiệm cán bộ đúng mà sao cán bộ sai? Đó là mới nói về đầu ra, còn cái cần quan tâm phải là đầu vào của quy trình cán bộ. Không thể có một đầu ra tốt khi đầu vào chỉ là nguyên liệu “ôi thiu, kém chất lượng”.

Quy trình chỉ là quy trình, vấn đề là lựa chọn người đầu vào để trải qua quy trình ấy ra sao. Nếu không lựa chọn kỹ lưỡng, quy trình lại dễ dàng được sử dụng để hợp thức hóa cho người không đảm bảo tiêu chuẩn.

Quay trở lại vấn đề luân chuyển, bổ nhiệm các chức danh chủ chốt tại Thị ủy Kinh Môn và Sở VH-TT-DL gây xôn xao dư luận trong suốt thời gian qua, vậy quá trình điều động, chỉ định cán bộ của tỉnh Hải Dương có đúng quy định? Vai trò, trách nhiệm và thẩm quyền người đứng đầu trong công tác cán bộ của tỉnh Hải Dương ở đây là gì?

Trong khi công tác cán bộ là “công việc gốc” thế nhưng tại sao khi báo chí phản ánh, người dân băn khoăn về các dấu hiệu bất thường trong công tác điều động, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ, thì tỉnh Hải Dương vẫn tiến hành công bố các quyết định về công tác cán bộ, “bỏ ngoài tai” những băn khoăn của dư luận? Có hay không việc dùng quy trình để hợp thức hóa cái sai trong vấn đề này?

Đối với những bất thường trong công tác cán bộ xảy ra tại tỉnh Hải Dương như đã nêu ở trên, đề nghị Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương cần vào cuộc, thanh tra, kiểm tra, làm rõ những biểu hiện bất thường trong việc bổ nhiệm, điều động, luân chuyển cán bộ tại Thị ủy Kinh Môn và Sở VH-TT-DL tỉnh Hải Dương. Đặc biệt, trong bối cảnh “hoàng hôn nhiệm kỳ” dường như đã thành quy luật, cứ năm cuối nhiệm kỳ, trước khi kết thúc nhiệm kỳ là lại xuất hiện các biểu hiện tiêu cực, “những chuyến tàu vét” trong công tác cán bộ.

Hai là, người dân rất trông chờ vào sự thành công của Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, đặc biệt là công tác nhân sự. Bởi lẽ công tác nhân sự có vị trí, ý nghĩa cực kỳ quan trọng, là nhân tố bảo đảm cho thành công của đại hội và triển khai thực hiện thắng lợi các nghị quyết của đại hội.

Chính vì vậy, cấp ủy các cấp phải làm tốt công tác nhân sự đại hội, lựa chọn được “những đồng chí tiêu biểu của Đảng về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực công tác; bảo đảm tiêu chuẩn chung của cán bộ”.

Do đó, cần phải kiểm soát quyền lực một cách chặt chẽ trong giai đoạn nhạy cảm cuối nhiệm kỳ. Những người có quyền thì phải kiểm soát quyền lực để không xảy ra những biểu hiện vi phạm như đã nêu trên…

Ba là, hoạt động của cán bộ, lãnh đạo ở đâu, như thế nào, nhân dân đều biết cả. Nếu ở cơ quan thì cấp dưới, những người ở cơ quan sẽ nắm được. Nếu ở địa phương thì nhân dân nơi cư trú người ta biết hết. Như vậy phải phát huy tai mắt của nhân dân, các tổ chức chính trị- xã hội tại địa phương, trong đó có vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc này.

Từ đó, cần có những cơ chế, khuyến khích để phát hiện ra những biểu hiện sai phạm kịp thời. Đồng thời phải có cơ chế để bảo vệ những người dám đấu tranh, dám nêu ra những sai trái, những hành vi vi phạm.

Phan Anh Tuấn (tổng hợp)

Nguồn tham khảo:

http://baohaiduong.vn/thoi-su/cong-bo-cac-quyet-dinh-nhan-su-135125

https://nld.com.vn/thoi-su/hai-duong-bo-nhiem-2-lanh-dao-chu-chot-sai-quy-dinh-20200429142145728.htm

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/dan-nguyen/can-bo-qua-tuoi-van-lanh-dao-tinh-doan-ky-su-tau-thuy-lam-truong-nganh-vhttdl-bai-hoc-xuong-mau-trong-cong-tac-can-bo-tai-hai-duong-34988.html