Cán bộ như Vua!

Lãnh đạo cấp tỉnh và cấp quận - huyện nên 'vi hành' thật sự để thực chứng tình trạng người dân kêu ca về thái độ quan liêu, hách dịch của cán bộ cơ sở.

Văn phòng Ðăng ký quyền sử dụng đất quận 6, TP HCM tiếp nhận hồ sơ làm thủ tục sang tên bán căn nhà trên đường Hậu Giang của bà Nguyễn Thị Thu (ngụ phường 12, quận 6).

Đây là căn nhà do ba mẹ để lại cho bà Thu và các anh chị em. Các thành viên đồng thừa kế ủy quyền cho bà Thu đứng tên bán nhà. Khi đã có người mua, đặt cọc và làm thủ tục sang tên tại Văn phòng Ðăng ký quyền sử dụng đất quận 6, đùng một cái mọi thứ tạm ngưng vì Văn phòng này nhận được đơn đề nghị ngăn chặn giao dịch.

Bà Thu đích thân đi tìm hiểu và được biết người gửi đơn là cháu ngoại nuôi của cha mẹ bà Thu qua đường bưu điện. Người này tất nhiên không thuộc hàng thừa kế giống như các anh chị em bà Thu nhưng cán bộ thụ lý vụ việc ngâm giấm, không thông báo. Kết cục là vì chậm, phía bà Thu bị bên mua đất trừ tiền 45 triệu đồng.

Chưa hết, bị trừ oan tiền, bà Thu đã gửi đơn lên Phòng Tài nguyên và Môi trường quận 6 và Văn phòng Ðăng ký quyền sử dụng đất quận 6 đề nghị 2 đơn vị này xác nhận thời điểm có đơn ngăn chặn và quy trình xử lý để bà làm cơ sở thương lượng số tiền bị bên mua trừ nhưng cà 2 nơi đều "ầu ơ ví dầu". Bên này đẩy bên kia, Văn phòng Ðăng ký quyền sử dụng đất quận 6 hứa phản hồi, kể cả cho báo chí quan tâm vụ việc, mà tới nay vụ việc vẫn như đá ném ao bèo.

Chủ tịch UBND quận 6 hay bất cứ ông/bà chủ tịch UBND quận, huyện nào thử nhập vai thường dân, cải trang cho khéo để cấp dưới đừng nhận ra mình, rồi đi làm thủ tục nhà đất hay xây dựng, sẽ biết trần ai đến mức nào. Bị cán bộ hành, là người dân mà đã thấy anh ách; nếu làm lãnh đạo cải trang người dân, sẽ tức hận đến mức nào. Đừng ngồi phòng lạnh nghe báo cáo, đừng hô hào cải cách hành chính suông, đừng "tin anh em" nữa, nếu thật sự muốn đổi mới, thật sự vì dân thì hãy "vi hành" đúng nghĩa, để thấy chuyện dân phàn nàn về cán bộ là phải. Và phải mạnh tay đuổi cổ những công chức mọt nước sâu dân. Cán bộ ăn lương dân mà xem mình như ông vua, muốn làm gì thì làm. Dạng đó nhiều lắm.

Trường hợp ở Văn phòng Ðăng ký quyền sử dụng đất quận 6 là một trong vô vàn ca tắc trách mà nếu không có sự giám sát của báo chí hay tác động từ cấp cao hơn thì người dân thấp cổ bé họng sẽ mãi làm phận tôi đòi.

Người dân ở xã An Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình dắt trâu bò ra đồng gặm cỏ phải đóng phí thường niên, từ 50.000 - 100.000 đồng. Lệ này do một hợp tác xã đặt ra, tất nhiên được chính quyền bật đèn xanh. Dân không đóng tiền thì nhốt trâu bò ở nhà hoặc đi kiếm ăn nơi khác.

Tượng tự, trước Quảng Bình, ở xã Thiệu Dương, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa cũng có tình trạng nông dân phải đóng phí cho hợp tác xã khi dắt trâu bò ra đồng ăn cỏ.

Đừng nói khoản tiền phải đóng nhỏ hơn lớn, cái đáng nói hơn là tư duy bóc lột, ép dân nghèo của quan chức địa phương. Thời này đâu phải phong kiến, cũng đâu phải những tháng ngày tranh tối tranh sáng như trong "Cái đêm hôm ấy đêm gì" mà Phùng Gia Lộc đã tả vào những năm giữa 1980. Thời của nhà nước pháp quyền mà cán bộ tùy tiện hết sức.

Dưới tùy tiện, trên quan liêu. Bằng chứng là ông chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh nói sẽ cho người kiểm tra và nếu thu sai sẽ bắt hoàn tiền cho dân. Chuyện sờ sờ ở xã, quan huyện làm gì 24 giờ mỗi ngày 7 ngày 1 tuần mà không biết chuyện cơ sở?

Những câu chuyện kể trên là số ít ược nghe, được thấy nhờ tai mắt quần chúng. Soi ở đâu cũng thấy cán bộ hư, cán bộ hỏng và phải xử lý thì nói thật nếu mạnh tay một thời gian thì sẽ thiếu hụt cán bộ trầm trọng!

Huỳnh Lê

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/noi-thang/noi-thang-can-bo-ma-nhu-vua-20180813104500522.htm