Cán bộ 'ngồi nhầm chỗ'

Trong khi dư luận ít nhiều bức xúc vì những cử nhân bằng giỏi không tìm được công việc phù hợp trong cơ quan nhà nước để cống hiến, thì đâu đó lộ diện những cán bộ phát ngôn 'dậy sóng', những văn bản bổ nhiệm có vấn đề khi người được bổ nhiệm dường như không liên quan bao nhiêu đến vị trí công tác

Dư luận nghi ngờ “năng lực” PGS đề xuất “dùng lu” chống ngập

Trung tuần tháng 7, tại phiên họp HĐND TP Hồ Chí Minh có nội dung báo cáo giám sát chuyên đề về tiến độ và hiệu quả triển khai các dự án chống ngập.

Đại biểu Phan Thị Hồng Xuân cho biết: Qua kinh nghiệm các quốc gia cũng như trong khu vực, người ta sử dụng lu để chứa nước mưa với mục đích giảm ngập.

PGS. TS Phan Thị Hồng Xuân

PGS. TS Phan Thị Hồng Xuân

Do đó vị PGS.TS này kiến nghị “nên chăng chúng ta cũng suy nghĩ về biện pháp đó để chính quyền thành phố - bên cạnh các giải pháp công trình, phi công trình thì có thể ứng dụng từ văn hóa bản địa, trang bị cho mỗi nhà dân hoặc một cộng đồng những cái lu to như vậy, và mỹ thuật chút xíu để bà con phấn khởi, để có thể hứng bớt lượng mưa, điều đó góp phần giảm ngập do mưa”.

Trước đề xuất này, ngay lập tức dư luận dậy sóng. Không chỉ MXH phản đối, mà rất nhiều chuyên gia cũng đã lên tiếng cho rằng “đề xuất này phi thực tế” và “không khả thi”.

Sau đó, cư dân mạng đã “truy lùng” và tìm ra “lý lịch hồ sơ” của vị PGS.TS đề xuất dùng lu chống ngập. Theo đó, dư luận không khỏi nghi ngờ năng lực vị PGS.TS này khi bà Xuân dù là Trưởng khoa Đô thị học (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM) nhưng không hề có bằng cấp đúng chuyên ngành.

Cụ thể, bà vốn là cử nhân chuyên ngành Đông Nam Á, Ngữ văn Anh tại trường Đại học Mở TP.HCM. Sau đó, học chuyên ngành Luật hành chính tại trường Đại học Luật Hà Nội.

Bà Xuân cũng từng học thạc sỹ, chuyên ngành Dân tộc học, và tiếp tục làm tiến sĩ cũng chuyên ngành này ở trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM.

Lạ lùng hơn nữa, trước khi làm Trưởng khoa Đô thị học ở trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, bà Hồng Xuân làm Phó trưởng khoa Xã hội học – Công tác xã hội và khoa Đông Nam Á học; Phó trưởng khoa Nhân học; Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đạo đức học ở các trường ĐH khác nhau.

Vậy là chưa từng học đô thị học, cũng chẳng kinh qua ngày nào làm chuyên viên trong lĩnh vực đô thị, PGS.TS Phạm Thị Hồng Xuân nghiễm nhiên giữ chức vụ trưởng khoa Đô thị học.

Dư luận đặt ra câu hỏi: “Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM đã hết người để bổ nhiệm đúng vị trí, đúng chuyên môn? Và với một người không có chuyên môn sẽ đào tạo thế hệ cử nhân tương lai ra sao?...".

Sắp xếp công chức không đúng chuyên môn: Chuyện bất thường hay bình thường?

Mới đây nhất, Thanh tra Bộ Nội vụ đã công bố kết luận thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về tuyển dụng công chức, bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý… trong cơ quan hành chính nhà nước của UBND tỉnh Tuyên Quang giai đoạn từ đầu năm 2017 đến ngày 28/2/2019.

Theo đó, qua kiểm tra 33 hồ sơ cho thấy, các trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng công chức được UBND tỉnh thực hiện theo quy định pháp luật, nhưng đến thời điểm thanh tra có 16/33 công chức chưa có chứng chỉ quản lý nhà nước ngạch chuyên viên. Ngoài ra, UBND tỉnh Tuyên Quang và các cơ quan còn bổ nhiệm 11 công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, nhưng còn thiếu một số điều kiện, tiêu chuẩn.

Cụ thể, tại thời điểm thanh tra có 7 công chức thiếu chứng chỉ ngoại ngữ tương ứng với ngạch công chức, 2 công chức thiếu chứng chỉ quản lý nhà nước dành cho lãnh đạo sở hoặc nghiệp vụ chuyên ngành.

Đặc biệt, trong số này có 1 công chức có bằng chuyên môn không phù hợp với vị trí việc làm và 1 trường hợp chưa có quyết định tuyển dụng công chức, nhưng vẫn được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.

Trước sai phạm này, Thanh tra Bộ Nội vụ kiến nghị Chủ tịch tỉnh Tuyên Quang chỉ đạo thu hồi quyết định bổ nhiệm đối với trường hợp chưa có quyết định tuyển dụng công chức; đồng thời với trường hợp có bằng chuyên môn không phù hợp cần sắp xếp lại cho phù hợp với bằng chuyên môn.

Trước đó, vào trung tuần tháng 6/2019, Thanh tra Bộ Nội vụ đã công bố kết luận thanh tra tại Tổng cục Thuế và 17 đơn vị thuộc, trực thuộc Tổng cục về quản lý biên chế công chức, số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập cũng như việcbổ nhiệm công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý giai đoạn từ ngày 1/1/2015 đến ngày 31/8/2018 cho thấy, có 141 công chức được bổ nhiệm khi chưa đủ tiêu chuẩn. Theo đó, các cán bộ này khi bổ nhiệm đều thiếu một hoặc một số điều kiện, tiêu chuẩn.

Đặc biệt trong số đó có 4 trường hợp quá tuổi bổ nhiệm lần đầu; 8 trường hợp lãnh đạo, quản lý cấp phòng, chi cục nhưng giữ ngạch cán sự hoặc tương đương; 2 trường hợp được tiếp nhận năm 2011, 2012 chưa thực hiện đầy đủ quy trình tuyển dụng công chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức...

Tương tự, ở tỉnh Bắc Kạn, sau khi tiến hành thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý biên chế, tuyển dụng, nâng bậc lương trước thời hạn… trong cơ quan hành chính tỉnh giai đoạn từ năm 2015 đến 30/6/2017, Thanh tra Bộ Nội vụ đã phát hiện nhiều sai phạm trong việc bổ nhiệm hàng chục công chức lãnh đạo thiếu tiêu chuẩn.

Theo đó, có tới 55 công chức được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý còn thiếu một hoặc một số điều kiện, tiêu chuẩn; có 2 công chức lãnh đạo, quản lý đang giữ ngạch cán sự; một số trình tự bổ nhiệm chưa được phản ánh bằng văn bản lưu trong hồ sơ bổ nhiệm…

Câu hỏi được đặt ra, chuyện gì sẽ xảy ra nếu các cán bộ, công chức và viên chức lại tiếp tục được “xếp nhầm chỗ”?.

Bài 2: Cán bộ ngồi nhầm chỗ: Không thể "túm tóc kéo lên" để rồi "nửa đường đứt gánh"!

Huyền Anh

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/can-bo-ngoi-nham-cho-post306786.info