Cán bộ Mặt trận phải gương mẫu, đi đầu

Bà Phạm Thị Hồng Tứ- Trưởng Ban Công tác Mặt trận khu dân cư thôn Làng Báu, xã Minh Khương, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang là một tấm gương tiêu biểu, có nhiều đóng góp tích cực trong công tác Mặt trận và các phong trào thi đua yêu nước ở khu dân cư trong 15 năm qua.

Bà Phạm Thị Hồng Tứ.

Bà Phạm Thị Hồng Tứ.

Từ xuất phát điểm còn nhiều khó khăn, làng Báu là một thôn cách trung tâm huyện Hàm Yên 20km, có 72 hộ, 291 khẩu với 4 dân tộc cùng sinh sống (Kinh, Tày, Dao, Cao Lan), dân cư sống thưa thớt, giao thông đi lại khó khăn. Sau 6 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, diện mạo của thôn đã có nhiều đổi thay, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của bà Phạm Thị Hồng Tứ, Trưởng ban công tác Mặt trận khu dân cư.

Ngay từ khi giữ cương vị Trưởng ban Công tác Mặt trận, để làm tốt vai trò của mình trong việc tập hợp, vận động quần chúng nhân dân, bà Tứ dành nhiều thời gian đến từng hộ gia đình để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và những vấn đề phát sinh ở khu dân cư, từ đó kịp thời kiến nghị, đề xuất với Chi bộ thôn để có các giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ người dân, nhất là đối với đồng bào các dân tộc thiểu số trong thôn. Trách nhiệm, nhiệt tình, cần mẫn và gần gũi nhân dân là những nhận xét mà cán bộ xã Minh Khương cũng như người dân dành cho bà.

“Trong thôn hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số, do vậy, cái khó nhất của người làm công tác Mặt trận là vấn đề về ngôn ngữ. Do đó, tôi quyết định tự học tiếng nói và phong tục, tập quán, nết ăn, nết ở của đồng bào, vận dụng linh hoạt công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước gắn với các phong trào, các cuộc vận động do MTTQ phát động đến với người dân một cách hiệu quả nhất”- bà Tứ chia sẻ.

Trao đổi kinh nghiệm trong công tác Mặt trận, bà Tứ cho biết, để tuyên truyền, vận động nhân dân, trước hết bản thân mình phải gương mẫu, đi đầu trong các phong trào của thôn. Hành động và việc làm cụ thể của người cán bộ Mặt trận chính là hình thức tuyên truyền mang lại hiệu quả cao nhất. Vì vậy, khi bà tham gia vận động các phong trào chung của thôn đều được bà con nhiệt tình hưởng ứng, tạo được sự đoàn kết, thống nhất trong thôn.

Như việc thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, bà Tứ tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện tốt các tiêu chí NTM như tiêu chí về thu nhập, về nhà ở, về môi trường….vận động nhân dân chỉnh trang khuôn viên nhà cửa. Bà tham gia quyên góp tiền của, ngày công, vật liệu để giúp đỡ các hộ gia đình nghèo sửa chữa nhà và làm nhà ở mới; thăm hỏi ốm đau, tặng quà nhân dịp lễ, tết... Bà cũng chủ động đề xuất với Chi bộ, phối hợp với các chi hội đoàn thể trong thôn hướng dẫn về hỗ trợ vốn, giống, kỹ thuật trong nông nghiệp, để bà con áp dụng các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, phát triển chăn nuôi, trồng cây ăn quả.

Đến nay, thôn đã có 9 mô hình phát triển kinh tế, trong đó có 5 mô hình trồng cây cam, cây bưởi, 4 mô hình chăn nuôi lợn, đời sống kinh tế của đa số người dân được nâng lên rõ rệt, nhiều hộ gia đình đã từ khó khăn mà vươn lên trở thành hộ khá giả. Có thể kể đến một số mô hình kinh tế tiêu biểu như mô hình trồng cam sành đạt trên 100 triệu đồng trở lên của chị Hoàng Thị Viên, Nông Thị Ngoan, Vũ Bích Hợi. Mô hình trồng táo đại của chị Hà Thị Khoa, Trần Thị Doanh...

Mô hình trồng cam sành ở Hàm Yên, Tuyên Quang góp phần giảm nghèo bền vững.

Thực hiện tiêu chí về môi trường, 100% hộ gia đình trong thôn đều có hố rác thải sinh hoạt, xây dựng hầm bi-ô-ga đối với hộ gia đình chăn nuôi lớn; hằng tháng duy trì phát quang, quét dọn đường làng, ngõ xóm, thu gom, xử lý rác thải,…. Đặc biệt, bà vận động các hộ gia đình hiến đất làm đường giao thông nông thôn, luôn gương mẫu trong các phong trào, riêng gia đình bà Tứ đã tự nguyện hiến 200m2 đất để làm đường liên thôn giữa Minh Khương với Minh Dân.

Các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao, nâng cao đời sống tinh thần cho bà con luôn được bà Tứ thường xuyên quan tâm. Bà đã vận động, thành lập một đội văn nghệ, hằng năm tham gia các hội diễn văn nghệ quần chúng do xã, huyện tổ chức đều đạt giải cao. Các hoạt động như bóng đá, bóng chuyền hơi, cầu lông, đi bộ thể dục buổi sáng được duy trì đều đặn...Với vai trò là Trưởng ban Công tác Mặt trận kiêm Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ, bà đã vận động chị em trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình, không sinh con thứ 3. Phụ nữ mang thai và trẻ em đi tiêm phòng vắc-xin đầy đủ, theo định kỳ. Trẻ em trong độ tuổi được đến trường đầy đủ, không có tình trạng bỏ học...

Trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc (18/11) hằng năm, bà tổ chức cho các hộ dân ký cam kết thực hiện quy ước thôn, thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua và đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, tích cực tham gia xây dựng Chi bộ và các đoàn thể thôn vững mạnh…

Với những đóng góp cho sự phát triển chung của thôn Làng Báu, năm 2008, bà được UBTƯ MTTQ Việt Nam tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc”. Năm 2016, được UBTƯ Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tặng Kỷ niệm chương “Vì sự phát triển của phụ nữ Việt Nam”. Cùng với đó là bằng khen của Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tuyên Quang… Bà Phạm Thị Hồng Tứ thực sự là tấm gương tiêu biểu của người cán bộ làm công tác Mặt trận được người dân tin yêu.

Thu Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nguoi-mat-tran/can-bo-mat-tran-phai-guong-mau-di-dau-tintuc447288