Cán bộ lơ là trách nhiệm, tập huấn không chu đáo khiến thí sinh phải thi lại

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 đã xảy ra một loạt sai sót do lỗi của giám thị làm ảnh hưởng đến tâm lý thí sinh, tốn kém kinh phí, gây ảnh hưởng không tốt trong dư luận xã hội là bài học cần rút kinh nghiệm sâu sắc.

Hàng loạt thí sinh thi lại do sơ suất của cán bộ coi thi

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đã hoàn thành những bước đầu tiên, chỉ còn chờ kết quả chấm thi từ các hội đồng thi. Một điểm đáng lưu tâm là năm nay vẫn còn 18 cán bộ coi thi bị kỷ luật do chưa thực hiện đúng quy chế thi: không đảm bảo đầy đủ thời gian làm bài của thí sinh và chủ quan không kiểm tra kỹ thí sinh có được miễn thi hay không.

Theo ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng cục Quản lý chất lượng (bộ GD&ĐT), ở bài thi môn Địa lý của hội đồng thi tỉnh Điện Biên, khi phát đề ở 7 phòng thi của một điểm thi, cán bộ coi thi đã phát chậm, muộn của thí sinh 5 phút nhưng không bù giờ.

Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật, ông Hà Huy Phương - Trưởng phòng Quản lý chất lượng giáo dục (sở GD&ĐT Bắc Ninh) - cho biết: “Trong buổi thi đầu tiên, tại một phòng thi ở điểm thi trường THPT Yên Phong số 1 (TP.Bắc Ninh), cán bộ coi thi đã ký nhầm ô dành cho cán bộ chấm thi, làm ảnh hưởng đến thời gian làm bài.

Sau khi biết thông tin, lãnh đạo điểm thi báo cáo với hội đồng thi, báo cáo lên bộ GD&ĐT, rồi thông báo cho thí sinh để có thể thi lại. Tuy nhiên, trong số 24 thí sinh tại phòng thi đó, chỉ có 7 em tham gia, còn 17 thí sinh khác đề nghị giữ kết quả bài thi trước, với lý do, các em không xét tuyển đại học mà chỉ lấy kết quả để xét tốt nghiệp”.

Tại hội đồng thi tỉnh Bình Phước, hi hữu một thí sinh phải thi lại do lỗi của chính thí sinh và cán bộ coi thi. “Chuyện xảy ra tại điểm thi Phú Riềng, huyện Phú Riềng. Thí sinh này được giải học sinh giỏi cấp trường, không được miễn thi môn Địa lý nhưng khi cán bộ coi thi hỏi thì em trả lời được miễn thi. Cán bộ coi thi trong phòng thi cũng chủ quan không xem lại danh sách nên em này đã không làm bài thi môn Địa lý” - ông Lý Thanh Tâm, Giám đốc sở GD&ĐT Bình Phước thông tin.

Vì sự cố trong buổi thi chính thức, nên 123 thí sinh đã phải tham gia thi lại vào ngày 11/8.

Cán bộ coi thi thiếu trách nhiệm, tập huấn chưa kỹ càng

Trước những sự cố trên, ThS. Huỳnh Hoài An - chuyên gia giáo dục, giảng viên trường đại học Công nghệ TP.Hồ Chí Minh - phân tích: “Về nguyên tắc, tất cả cán bộ làm thi đều đã được tập huấn trước khi làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, những sự cố như vừa xảy ra trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa rồi, việc tập huấn “có đến nơi đến chốn” hay không, còn tùy thuộc năng lực tiếp thu của mỗi cán bộ, hoặc tùy thuộc vào sự nhiệt tình và kinh nghiệm của cán bộ tập huấn của mỗi đợt.

Bên cạnh đó, đối với một cán bộ coi thi, có những cá nhân đã từng đi coi thi, có kinh nghiệm rồi, nên trong đợt tập huấn này lại chủ quan, không chú tâm; hoặc có những cán bộ coi thi gặp sai sót do đi coi thi lần đầu tiên, chưa có kinh nghiệm”.

“Theo tôi, năng lực thanh tra của mỗi cán bộ trong đội ngũ thanh tra chưa đồng đều, tập huấn trong bối cảnh đặc biệt như năm nay, cũng có những sơ suất hoặc chưa thực sự sát sao”, ThS. Huỳnh Hoài An đánh giá.

Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật về sự cố trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa diễn ra, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng bộ GD&ĐT - cho hay: Có thể nói rằng, do quá trình tập huấn cho các cán bộ làm thi chưa được thực hiện chu đáo, hoặc do bản thân cán bộ coi thi chểnh mảng, không tập trung theo dõi tập huấn, mới dẫn đến vi phạm quy chế, khiến hơn một trăm thí sinh phải làm bài thi lại một số môn vào ngày hôm sau.

Trước hết, các hội đồng thi này đã phải sử dụng đến đề thi dự phòng. Nếu như không có sự cố này xảy ra, ngành giáo dục có thể sử dụng đề thi dự phòng đó cho kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2. Tuy nhiên, xảy ra sự cố, để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, một số môn thi đã phải bóc đề thi dự phòng, nên không thể sử dụng được nữa. Đến khi tổ chức kỳ thi đợt 2, chúng ta lại phải xây dựng một đề thi mới, kéo theo sự tốn kém!”.

“Đây cũng là một bài học cần rút kinh nghiệm. Đối với khâu tập huấn cán bộ làm thi, cần phải đưa ra các tình huống, dẫn giải cụ thể để không xảy ra những chuyện đáng tiếc như vậy. Đồng thời, bản thân mỗi cán bộ làm thi, đã được giao nhiệm vụ quan trọng như vậy, phải tự nêu cao trách nhiệm.

Tuy nhiên, tôi cũng được nghe phản ánh từ một số nơi, có chuyện giáo viên đi tập huấn coi thi cũng không thực sự nghiêm túc, chủ quan rằng đã nắm được hết mọi việc nên không lắng nghe một cách chu đáo. Đó là những cán bộ thiếu trách nhiệm! Xử lý kỷ luật là đúng đắn.

Từ bài học này, khâu tập huấn cần phải được tổ chức chặt chẽ và cẩn thận hơn. Nếu nhận thấy các giáo viên chưa thực sự tập trung, chú ý, thì cán bộ tập huấn phải dừng lại, chấn chỉnh ngay. Thậm chí, sau khi tập huấn xong, phải có những bài trắc nghiệm, hoặc dựng lại một số tình huống sự cố cho cán bộ làm thi thử xử lý, giải quyết.

Bản thân cán bộ làm thi, một khi nhận nhiệm vụ thì phải gắn liền với trách nhiệm, phải theo dõi, học tập một cách chu đáo, chỗ nào chưa hiểu thì phải hỏi lại để tổ chức kỳ thi không xảy ra những sự cố tương tự”, nguyên Thứ trưởng bộ GD&ĐT phân tích.

Những con số trong kỳ thi tốt nghiệp THPT

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay (đợt 1) diễn ra với khoảng 870.000 thí sinh của 62 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Thứ trưởng bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đánh giá kỳ thi đạt mục tiêu kép vừa tổ chức an toàn, gọn nhẹ, nghiêm túc, đúng quy chế vừa đảm bảo phòng dịch.

Tổng số thí sinh đăng ký dự thi là 900.079; trong đó, có 866.946 thí sinh đến làm thủ tục dự thi (đạt tỉ lệ 96,3%). Tổng số thí ính bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên không thể dự thi là 26.308 (chiếm tỉ lệ 2,92%) của các hội đồng thi.

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.nguoiduatin.vn/can-bo-lo-la-trach-nhiem-tap-huan-khong-chu-dao-khien-thi-sinh-phai-thi-lai-71568.html