Cán bộ lãnh đạo 'thi hay tuyển?'

Việc thi tuyển để chọn ra những cán bộ lãnh đạo là chuyện không hề mới, nhưng để tuyển được đúng người có tâm, có tài là câu chuyện rất được xã hội quan tâm...

Việc Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk ban hành Kế hoạch thí điểm tuyển chọn Bí thư Huyện ủy 2 huyện Lắk và Buôn Đôn, cùng 3 vị trí Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Sở Công Thương và Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã mở ra một bước đột phá trong lựa chọn cán bộ lãnh đạo. Ban thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk đã chốt danh sách 9 ứng viên tham gia thí điểm tuyển chọn Bí thư Huyện ủy, dự kiến tổ chức vào tháng 3/2020.

Việc thi tuyển để chọn ra những cán bộ lãnh đạo là chuyện không hề mới, nhưng để tuyển được đúng người có tâm, có tài là câu chuyện rất được xã hội quan tâm. Thu hút, tuyển dụng nhân tài cho khu vực công, nhất là đối với những người ở vị trí lãnh đạo luôn là vấn đề được quan tâm hàng đầu trong công tác cán bộ ở các cơ quan, đơn vị, địa phương, góp phần thúc đẩy nhanh sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính quyền vững mạnh của đơn vị, địa phương đó.

Đây là giải pháp hữu hiệu để chống chạy chức, chạy quyền, tình trạng bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, trong đó có cả người nhà, người thân xảy ra ở một số nơi, gây bức xúc trong dư luận xã hội và tạo cơ hội cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, khách quan để chọn những cán bộ có phẩm chất, năng lực, trình độ phục vụ sự nghiệp phát triển của tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường phát biểu trong một cuộc họp về việc đổi mới công tác cán bộ. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường phát biểu trong một cuộc họp về việc đổi mới công tác cán bộ. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Tuy nhiên, dư luận cho rằng hiện việc thi tuyển vào các vị trí lãnh đạo còn thiếu công khai, minh bạch, vẫn là “bình mới, rượu cũ”; thi tuyển dù mới, nhưng cũng chỉ để nhằm hợp lý hóa quy trình bổ nhiệm nhân sự đã dự kiến nào đó.

Bên cạnh đó là hàng loạt rào cản đòi hỏi về tiêu chuẩn như: Phải có thời gian làm công tác quản lý trong lĩnh vực chuyên môn, chuyên ngành, lĩnh vực tối thiểu 3 đến 5 năm; có thời gian đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo tối thiểu từ 5 năm trở lên… Đồng thời, tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo cấp Vụ, Cục, Giám đốc sở, Bí thư, Chủ tịch cấp huyện và tương đương phải đáp ứng điều kiện, tiêu chí: Phải là đảng viên; đã được bổ nhiệm ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương trở lên hoặc các chức danh nghề nghiệp tương đương trở lên; có bằng tốt nghiệp Cao cấp lý luận chính trị hoặc tương đương; có chứng chỉ Quản lý nhà nước ngạch chuyên viên cao cấp; có chứng chỉ Bồi dưỡng lãnh đạo, Quản lý cấp Vụ và tương đương…vv…

Chúng ta hẳn còn nhớ việc Bộ Tư pháp thí điểm thi tuyển vị trí Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội năm 2015. Trong đợt thi này có 4 ứng viên đủ điều kiện đăng ký dự thi, gồm: Trưởng phòng Hành chính Tổng hợp Trường Đại học Luật Hà Nội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, Phó trưởng Phòng Hành chính tổng hợp Trường Đại học Luật Hà Nội và ông Lê Đình Vinh, Giám đốc Công ty Luật Vietthink.

Ông Lê Đình Vinh là người trúng tuyển chức danh Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội, nhưng không được bổ nhiệm. Sau 3 năm lình xình, đến tháng 7/2018, Bộ Tư pháp đã có văn bản xin lỗi ông Vinh vì lý do: “Vị trí công tác ông Vinh đã dự thi phải là công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức… Ông không thuộc đối tượng tham gia dự tuyển lãnh đạo, quản lý cấp Vụ, cấp Sở, cấp Phòng nói chung và chức danh Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội nói riêng…”.

Chúng ta cũng hẳn chưa quên, sau hơn hai tháng tuyên bố độc lập, ngày 14/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi “kiến thiết cần có nhân tài” và ban hành Thông lệnh Tìm người tài đức “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời và trọng dụng trí thức ở nước ngoài về phục vụ đất nước, đã thu hút và trọng dụng nhân tài, bổ nhiệm cả người ngoài Đảng giữ chức vụ quan trọng trong bộ máy nhà nước, như các ông Trần Đại Nghĩa, Tôn Thất Tùng và đặc biệt là Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên là người giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Giáo dục trong thời gian dài nhất với 28 năm 350 ngày… Đồng thời, quy tụ các trí thức, kể cả của chế độ cũ phục vụ công cuộc kháng chiến, kiến quốc, điển hình các ông Huỳnh Thúc Kháng, Bùi Bằng Đoàn, Nguyễn Văn Tố, Phan Kế Toại…

Nhờ vậy, những trí thức tiêu biểu của đất nước lúc bấy giờ dù ở trong nước hay ở nước ngoài đều một lòng đóng góp hết sức mình vào công cuộc giải phóng và kiến thiết nước nhà.

Đã tới lúc phải dỡ bỏ các rào cản để người tài có thể tham gia giữ những chức vụ quan trọng ở các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp nhà nước... Bài học trọng dụng nhân tài ngày ấy cho đến nay vẫn còn có ý nghĩa thời sự, nhất là sắp tới đây, từ Trung ương, tới địa phương sẽ tiến hành đại hội đảng các cấp để chọn ra những người đủ tài đức phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc trong giai đoạn mới đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Cù Tất Dũng

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/can-bo-lanh-dao-thi-hay-tuyen-584322/