Cán bộ là gốc của mọi công việc

Ngày 2-1-2020, Bộ Chính trị ban hành Quy định 214-QĐ/TW về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Nội dung tiêu chuẩn chức danh trong Quy định 214-QĐ/TW về cơ bản kế thừa Quy định số 90-QĐ/TW, đồng thời có một số điểm mới, nhất là quy định về năng lực và uy tín: 'Có thành tích nổi trội, có 'sản phẩm' cụ thể, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị'.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường trao quyết định điều động cán bộ. Ảnh: Công Nghĩa

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường trao quyết định điều động cán bộ. Ảnh: Công Nghĩa

Đây vừa là việc cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng về công tác cán bộ, vừa là nội dung kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ.

1 Hồ Chí Minh không chỉ là nhà tư tưởng mà còn là mẫu mực về sử dụng con người. Có lẽ vì vậy mà đã có rất nhiều trí thức, quan lại nổi tiếng đã từ bỏ cuộc sống giàu sang để đến với cách mạng, với nhân dân. Sau Cách mạng tháng Tám, Người đã mời cựu hoàng Bảo Đại làm cố vấn tối cao của chính phủ, mời cụ Huỳnh Thúc Kháng làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ…

Trong đánh giá, sử dụng cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng rất công bằng, nhân văn và độ lượng. Người tin yêu những người thực sự “dĩ công vi thượng”. Người nghiêm khắc với những sai lầm của cán bộ, đảng viên. Người độ lượng với những người không may vướng phải sai lầm, khuyết điểm. Có lẽ vì tư tưởng đặc biệt này mà khi lên đường sang thăm nước Pháp năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao quyền Chủ tịch nước lại cho cụ Huỳnh Thúc Kháng với lời dặn “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Sau này, tiễn tướng Võ Nguyên Giáp ra Điện Biên Phủ, Người dặn ông “Tướng quân tại ngoại”. Đó chính là Hồ Chí Minh, là tư duy, là tư tưởng nhất quán của Hồ Chí Minh: Đã tin mới dùng, đã dùng thì phải tin.

Sinh thời, Người thường căn dặn: các cấp ủy Đảng, các cơ quan phụ trách, sử dụng cán bộ phải tạo ra môi trường “khiến cho cán bộ cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến”, “có gan phụ trách, có gan làm việc”; “Khi đã trao cho họ phải hoàn toàn tin họ. Không nên sớm ra lệnh này, trưa đổi lệnh khác”. Ðảng phải thương yêu cán bộ nhưng thương yêu không phải là vỗ về, nuông chiều, phó mặc, mà “thương yêu là giúp họ học tập thêm, tiến bộ thêm”, là “hễ thấy khuyết điểm là giúp họ sửa chữa ngay để vun trồng cái thói có gan phụ trách, cả gan làm việc của họ”. Người thường căn dặn, đã làm con người, phàm ai cũng có sai lầm, khuyết điểm và “Người ở đời, ai cũng có chỗ tốt và chỗ xấu”. Người cũng chỉ rõ, chúng ta không sợ sai lầm, bởi “có làm việc thì có sai lầm” nhưng cái sợ nhất là sợ những người “không chịu sửa chữa sai lầm và khuyết điểm” và sợ những người lãnh đạo không biết tìm cách đúng để giúp cán bộ sửa chữa sai lầm và khuyết điểm.

2 Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, nhưng người lãnh đạo chủ chốt các cấp cũng có vị trí vai trò quyết định đến sự tồn vong của Đảng và của chế độ. Từ nay đến Đại hội lần thứ XIII của Đảng, chắc chắn Trung ương sẽ có các hội nghị để bàn chuyên về vấn đề con người, nhất là lựa chọn đội ngũ cán bộ chiến lược, các nhà lãnh đạo của quốc gia.

Thực tế đã chứng minh rất nhiều bài học của việc lựa chọn cán bộ cấp chiến lược sai lầm dẫn tới những hệ quả vô cùng tai hại. Tác hại của việc lựa chọn, bố trí sai người không những làm hỏng ngay chính con người ấy, làm liên lụy đến gia đình, người thân của họ mà còn để lại tác hại khôn lường đối với xã hội mà phải mất rất nhiều thời gian mới có thể khắc phục. Thế nhưng, tác hại lớn nhất của việc bố trí, sử dụng sai cán bộ cấp chiến lược chính là làm xói mòn niềm tin của nhân dân vào Đảng, vào chế độ, vào bộ máy công quyền. Đó là mất mát lớn nhất khó có gì bù đắp.

Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng: Tô Hiến Thành là Phụ chính đại thần của nhà Lý. Khi ông lâm trọng bệnh, trong triều có quan Gián nghị đại phu Trần Trung Tá là người đức độ, tài năng, vì mải lo việc công nên không mấy khi thăm hỏi Tô Hiến Thành. Một vị quan khác là Tham tri chính sự Vũ Tán Đường thì ngày đêm hầu hạ bên cạnh, phụng dưỡng cơm nước thuốc thang. Khi Thái hậu hỏi nếu ông có mệnh hệ gì thì ai là người thay thế ông, ai cũng cho rằng ông sẽ chọn Vũ Tán Đường, nhưng ông đã đề cử Trần Trung Tá vì ông ta là người có đủ đức, tài, một lòng lo nghĩ cho xã tắc, đủ sức gánh vác trọng trách mà ông để lại. Thái hậu hỏi ông, khi ông bị bệnh Vũ Tán Đường ngày đêm hầu hạ sao ông lại không đề cử ông ấy. Tô Hiến Thành đã trả lời, nếu thái hậu hỏi thần đề cử người phục dịch thần sẽ đề cử Vũ Tán Đường, nhưng thái hậu hỏi thần về người trị nước thì thần đề cử Trần Trung Tá.

Năm 1947, trong khi cuộc kháng chiến của dân tộc đang ở vào giai đoạn gay go quyết liệt, giữa núi rừng Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm nổi tiếng Sửa đổi lối làm việc trong đó có những lời chỉ dẫn đặc biệt sâu sắc: “Cán bộ là gốc của mọi công việc”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định khi đã có đường lối cách mạng đúng đắn thì công tác cán bộ là khâu quyết định “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Vì vậy, công tác cán bộ có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tham mưu, đề xuất với các tổ chức Đảng việc tuyển chọn, bố trí, sử dụng, thực hiện các chế độ, chính sách đối với cán bộ nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ thật sự vì nước vì dân. Quy định về cơ bản đã đầy đủ, vấn đề là thực hiện và thực hiện như thế nào.

Nghị quyết Trung ương 8 khóa XII đã đề ra một trong những nhiệm vụ và giải pháp rất quan trọng là: “Kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng, những người chạy chức, chạy quyền vào đội ngũ cán bộ cấp chiến lược”. Kết quả thực thi nhiệm vụ chính là thước đo đầu tiên và quan trọng nhất để đánh giá về cán bộ. Một nhà lãnh đạo tận tâm, thật sự vì dân vì nước là người luôn thao thức, đau đáu với vận mệnh của đất nước và số phận của dân tộc mình.

Vũ Trung Kiên

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/chinhtri/202002/can-bo-la-goc-cua-moi-cong-viec-2990219/