Cán bộ kiểm tra Bộ Công Thương không trả lại mẫu cho doanh nghiệp

Thủ tướng yêu cầu kịp thời phát hiện và kiến nghị xử lý văn bản có quy định trái pháp luật hoặc 'cài cắm' bảo vệ lợi ích của ngành, địa phương, không vì lợi ích chung.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng

Chiều 22/3, Tổ công tác của Thủ tướng kiểm tra 12 bộ, cơ quan về việc xây dựng, trình ban hành và ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh đã có hiệu lực và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2019. Nhắc lại tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là nâng cao hơn nữa chất lượng thẩm định các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho rằng, Bộ Tư pháp cần kịp thời phát hiện và kiến nghị xử lý văn bản có quy định trái pháp luật hoặc cài cắm bảo vệ lợi ích của ngành, địa phương, không vì lợi ích chung, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với đó, từng cán bộ làm công tác thể chế phải trách nhiệm, tâm huyết, tận tâm, công tâm, khách quan; tham mưu, đề xuất phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, từ đòi hỏi của cuộc sống; phải tháo gỡ giải quyết được những khó khăn, vướng mắc về thể chế đang gặp phải, không cài cắm lợi ích công vụ, lợi ích ngành, địa phương.

“Một số văn bản được ban hành mà tính khả thi chưa cao, còn kẽ hở để một số doanh nghiệp lạm dụng vị thế thống lĩnh thị trường. Một số văn bản gây tranh cãi, thậm chí phản ứng mạnh mẽ, những nội dung nhạy cảm không đánh giá hết tác động. Thông tư 08, 09 năm 2018 về nhập khẩu phế liệu gây ách tắc, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xử lý rất nhanh, nhưng Thủ tướng phải ra văn bản yêu cầu hủy bỏ, không nên để như vậy, trách nhiệm của ngành rất lớn”, Tổ trưởng Tổ công tác nói.

Đối với việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, ông Dũng cho biết có hiện tướng cắt nhưng lại biến tướng sang tiêu chuẩn, quy chuẩn. Ông cũng dẫn chứng một phản ánh cụ thể từ phía doanh nghiệp là, khi cán bộ kiểm tra hàng hóa chuyên ngành của Bộ Công Thương tiến hành lấy mẫu sản phẩm thì sau đó lấy luôn sản phẩm này mà không mang trả lại cho doanh nghiệp.

“Thậm chí trong các lô hàng thì cán bộ kiểm tra luộn chọn mẫu sản phẩm tốt nhất, tức là đắt tiền nhất. Rồi đáng ra chỉ lấy đủ mẫu theo quy định thì cán bộ lại lấy nhiều hơn, vượt số mẫu cần thiết”, ông Dũng nói.

Văn Kiên

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/can-bo-kiem-tra-bo-cong-thuong-khong-tra-lai-mau-cho-doanh-nghiep-1392133.tpo