Cán bộ không đến tòa xử vụ sửa điểm: Phải giải trình

Người vắng mặt tại phiên tòa xét xử hành vi sửa điểm thi ở Sơn La phải giải trình nguyên nhân, nếu thấy có vi phạm sẽ tiến hành kỷ luật.

Ngày 17/9, trước thông tin hàng chục cán bộ không đến tham dự phiên tòa xét xử hành vi sửa điểm thi trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 diễn ra tại Sơn La mà không rõ lý do, ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương bày tỏ, cần phải buộc các cán bộ này làm giải trình để làm rõ lý do vắng mặt của từng người.

Theo ông Hùng, dù là cán bộ công chức nhà nước hay người dân bình thường thì cũng đều phải sống và làm việc theo các quy định của pháp luật.

Khi có giấy triệu tập của tòa án, điều đó chứng tỏ người được triệu tập có liên quan đến vụ việc, sự có mặt của người bị triệu tập ở tòa sẽ giúp cho việc xét xử diễn ra công bằng, đúng người, đúng tội.

Đặc biệt với người bị triệu tập là đảng viên, cán bộ làm trong bộ máy chính quyền Nhà nước thì phải nêu gương, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật.

Với vụ việc sửa điểm thi gây chấn động cả nước trong một thời gian dài thì sự có mặt của những cá nhân bị triệu tập còn giúp cho cơ quan tố tụng làm sáng tỏ vấn đề trong thời gian nhanh nhất, lấy lại niềm tin của người dân.

TAND tỉnh Sơn La đã hoãn phiên xét xử vụ án gian lận điểm thi THPT quốc gia 2018.

TAND tỉnh Sơn La đã hoãn phiên xét xử vụ án gian lận điểm thi THPT quốc gia 2018.

"Trong số hàng chục cán bộ được triệu tập, cũng có thể có người không đến được vì ốm đau, bệnh tật nhưng anh phải có đơn gửi tòa án trước phiên xét xử. Nếu được HĐXX chấp thuận thì sẽ không phải đến.

Còn nếu HĐXX không chấp thuận thì có thể căn cứ vào đơn xin của cán bộ đó mà tạm hoãn phiên xét xử chứ không phải đến lúc nhiều người có mặt tại tòa rồi bỗng dưng anh không đến, cũng không có lý do nào cả" - ông Hùng nói.

Theo nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương, mặc dù nhiều cán bộ không đến phiên tòa xét xử vụ việc sửa điểm thi tại Sơn La vào ngày 16/9 nhưng cũng chưa thể vội kết luận cá nhân cán bộ đó có vi phạm hay không.

Điều đầu tiên là Sơn La cần yêu cầu các cá nhân được triệu tập trong phiên tòa hôm đó phải làm bản giải trình, trình bay lý do vì sao vắng mặt không lý do. Đồng thời, có thể đề nghị lãnh đơn vị nơi cán bộ đó công tác phối hợp, làm rõ nguyên nhân tại sao cán bộ này lại không đến tham dự phiên tòa.

Từ đó mới có cơ sở để kết luận người bị triệu tập không đến tòa có vi phạm hay không, mức độ vi phạm như thế nào mới có thể đưa ra mức kỷ luật đích đáng.

"Trong bộ máy chính quyền của chúng ta có sự liên kết chặt chẽ với nhau. Vì thế, để làm rõ nguyên nhân cán bộ bị triệu tập đến phiên tòa nhưng không đến mà không có lý do là điều không khó.

Trước đó, phiên xét xử sơ thẩm vụ án gian lận điểm thi diễn ra tại TAND tỉnh Sơn La và ngày 16/9 đã phải hoãn lại vì vắng 75/91 nhân chứng và người có liên quan.

Trong số 75 người vắng mặt, có 44 người người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, 31 người làm chứng. Chỉ có 22 người có đơn xin xét xử vắng mặt, những người còn lại vắng mặt không lý do.

Ông Hoàng Tiến Đức - nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La cũng được triệu tập đến tòa với tư cách người làm chứng cũng không đến tham dự phiên tòa.

Ông Nguyễn Duy Hoàng, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La được triệu tập đến tòa với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan cũng không tới tham dự.

Phần đa những người bị triệu tập là phụ huynh có thí sinh được sửa điểm thi. Những người này hầu hết đều đã và đang công tác tại các cơ quan Nhà nước tại tỉnh Sơn La.

Dự kiến phiên tòa sẽ được mở lại vào ngày 15/10/2019.

Ngọc Thanh

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/can-bo-khong-den-toa-xu-vu-sua-diem-phai-giai-trinh-3387787/