'Cán bộ giàu có là rất tốt...'

'Cán bộ mà tư duy lạc hậu, nghèo mãi làm sao nói chuyện với dân, làm sao hô hào đổi mới, tăng trưởng kinh tế… Nên tôi nghĩ, cán bộ giàu là rất tốt, nhưng sự giàu có phải do bàn tay, khối óc mình tạo nên', ĐBQH Phạm Văn Hòa nói.

Tại buổi tọa đàm về công tác phòng, chống tham nhũng, Vụ trưởng vụ Pháp chế - Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Kim cho hay, hiện nay, số người giàu trong xã hội được chia làm nhiều đối tượng. Một là doanh nghiệp, những người làm ăn; hai là người dân nỗ lực phấn đấu. Đặc biệt, số còn lại là quan chức.

Số quan chức giàu rất nhiều và nguồn gốc giàu cũng xuất phát từ nhiều hoạt động khác nhau, có hoạt động minh bạch, nhưng cũng có nhiều quan chức “giàu nhanh không rõ lý do”. Trong khi những thông tin phản ánh không ít nhưng để chứng minh được khối tài sản này của họ lại không dễ.

Vụ trưởng vụ Pháp chế (TTCP) Nguyễn Văn Kim.

Vụ trưởng vụ Pháp chế (TTCP) Nguyễn Văn Kim.

Đặc biệt, Vụ trưởng vụ Pháp chế cũng nhấn mạnh đến tình trạng quan chức giàu “bất minh” từ việc vi phạm, lợi dụng cơ hội trong vị trí công tác của họ đem lại.

Thông tin ông Kim đưa ra đã thu hút sự quan tâm lớn của dư luận.

Nhiều ý kiến băn khoăn, liệu quan chức giàu có phải là điều bất thường? Làm sao để phân định rõ ràng việc quan chức giàu có một cách chân chính và những quan chức “làm giàu một cách bất minh”? Liên quan đến vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với ĐBQH Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

Thưa ông, xin ông cho biết quan điểm của mình trước việc hiện nay, không ít quan chức giàu lên một cách "bất minh", không rõ lý do như Vụ trưởng vụ Pháp chế (TTCP) Nguyễn Văn Kim phản ánh?

Trên thực tế hiện nay, rất nhiều người dân đặt câu hỏi vì sao nhiều quan chức, cán bộ lại giàu có đến thế? Họ làm gì, làm như thế nào để có nhiều tiền của đến như vậy? Chính sự thiếu minh bạch trong nguồn gốc khối tài sản của quan chức - đặc biệt là những tài sản kếch xù đã tạo ra bức xúc nhất định trong quần chúng nhân dân.

Người ta thường có sự liên tưởng đến việc làm bất minh khi một quan chức bỗng giàu có một cách nhanh chóng. Tệ hơn, dư luận có thể nghĩ tài sản của quan chức đó do tham ô, tham nhũng mà ra. Thực tế, nếu chỉ tính trên nguồn thu nhập là lương chân chính thì không thể giàu có bất thường như vậy. Nguồn thu nhập từ lương thường chỉ đủ sống hoặc có chăng là dư giả chút đỉnh chứ không thể xuất hiện những khối tài sản lớn như biệt thự rộng rãi, ô vườn đất thửa, xe sang...

Thiết nghĩ phải xem xét, đánh giá lại cụ thể những trường hợp của quan chức, cán bộ giàu có bất thường như thế.

Riêng với một bộ phận cán bộ công chức tham gia sản xuất kinh doanh theo quy định của pháp luật mà giàu lên thì tôi nghĩ là cũng có nhưng không nhiều.

Mỗi quan chức, cán bộ giàu có nhanh chóng, bất thường cần phải giải thích, giải trình chính đáng, thỏa đáng cho cơ quan pháp luật và người dân biết. Có minh bạch trong tài sản mới đem lại lòng tin cho nhân dân.

ĐBQH Phạm Văn Hòa.

Thực tế, việc quan chức giàu có luôn bị hoài nghi là có nhiều bất thường. Vậy theo ông, quan chức giàu có phải là xấu?

Quan chức giàu có không phải là xấu, nhưng sự giàu có đó phải là sức lao động chân chính bằng bàn tay, khối óc của bản thân. Nếu anh tích góp, tích lũy để trở nên giàu có thì việc đó hoàn toàn tốt. Chúng ta luôn ủng hộ những công chức, viên chức giàu lên theo con đường chân chính như thế. Đó là một điều rất tốt và cần phát huy.

Cán bộ mà tư duy lạc hậu, nghèo mãi làm sao nói chuyện với dân, làm sao hô hào đổi mới, tăng trưởng kinh tế, phát triển nông nghiệp, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư… Nên tôi nghĩ, cán bộ giàu là rất tốt, nhưng sự giàu có phải do bàn tay, khối óc mình tạo nên.

Tuy nhiên, thực tế có một bộ phận quan chức, cán bộ giàu có nhờ một số nguồn bất minh, bất chính, giàu không biết lý do từ đâu. Đó là vấn đề hết sức nguy hiểm, cần phải xem xét một cách khách quan, làm rõ đến cùng. Quan chức, cán bộ đó phải chứng minh được sự hình thành của khối tài sản lớn mình đang có, không thể mập mờ như hiện nay được.

Theo ông, cần có cơ chế giám sát đột phá ra sao để ngăn chặn tình trạng tham nhũng, lạm dụng chức vụ quyền hạn giúp quan chức giàu nhanh chóng?

Trước hết, cần phải xem xét những tài sản “khủng” của quan chức, cán bộ từ đầu mà có. Không thể nói "có nhiều quan chức giàu có" rồi dừng lại. Phải quyết liệt trong từng hành động, kiểm tra, xác minh, làm cho đến nơi đến chốn nguồn gốc số tài sản "khủng" đó.

Chúng ta không thể mãi theo lối mòn “đánh trống bỏ dùi”, rồi cuối cùng lại không truy xét, không thẩm tra, xác minh. Đồng thời, việc cán bộ kê khai tài sản phải được thực hiện hết sức chặt chẽ, khách quan.

Quy định về kê khai tài sản đã rất là rõ ràng, hàng năm cán bộ có chức có quyền nằm trong diện quy định đều phải kê khai tài sản tăng thêm. Nếu anh giấu, không kê khai tài sản tăng thêm và bị phát hiện là tài sản bất minh thì sẽ bị xử lý, kỷ luật nghiêm khắc.

Bên cạnh đó, cần phải xem xét cụ thể để có sự điều chỉnh cán bộ, đặc biệt là cán bộ quản lý, cán bộ công chức viên chức đang giữ vị trí quan trọng, nhạy cảm, dễ bị tha hóa quyền lực.

Chỉ có vậy mới đem lại lòng tin cho người dân trước thông tin quan chức, cán bộ giàu có.

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Lê Văn Cuông - nguyên Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Tôi cũng không bất ngờ trước thông tin của Vụ trưởng vụ Pháp chế - TTCP đưa ra tại buổi tọa đàm về công tác phòng, chống tham nhũng rằng, hiện nay số quan chức giàu có rất nhiều và nhiều trường hợp giàu một cách nhanh chóng không rõ lý do.

Theo quan điểm của tôi, quan chức, cán bộ ở nước ta có thể trở nên giàu có chỉ là số ít. Quan chức, cán bộ Nhà nước được hưởng lương, thưởng theo quy định và với nguồn thu nhập đó chỉ giúp họ có cuộc sống ổn định ở mức độ khá, chuyện trở nên giàu có là điều rất khó. Chính vì vậy, việc quan chức, cán bộ sở hữu khối tài sản “khủng” cần phải được xem xét một cách công khai minh bạch.

Đã từng có rất nhiều biện pháp để ngăn chặn những tài sản bất chính của cán bộ, quan chức như kê khai tài sản, kiểm soát thu nhập cá nhân, luân chuyển vị trí công tác… Nhưng thực tế đã chứng minh, tất cả các biện pháp đó đều chưa giải quyết được đến cùng.

Rõ ràng, lâu nay chúng ta đã buông lỏng quản lý cán bộ. Muốn kiểm soát tốt trước hết phải làm tốt công tác cán bộ. Những người có quyền lực trong tay phải có phẩm chất đạo đức tốt, sống thanh liêm... Đi cùng với đó là cơ chế quản lý quyền lực, giám sát hành vi chặt chẽ. Đó mới là gốc rễ. Sau đó, tăng cường chất lượng các biện pháp kèm theo như kê khai tài sản, kiểm soát thu nhập cá nhân… thì mới có thể giải quyết triệt để những vấn đề nhức nhối trên.

Khánh Ngân

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/quan-chuc-giau-co-phai-la-xau-a415639.html