Cán bộ giằng cháu khỏi tay bà nội giao cho mẹ

Sau ly hôn, nhiều bố mẹ đã xảy ra việc tranh chấp quyền nuôi con. Do đối tượng bàn giao là trẻ em rất dễ tổn thương nên cơ quan thi hành án cần dành nhiều thời gian vận động, thuyết phục để người phải thi hành án tự nguyện thi hành việc giao con theo bản án có hiệu lực pháp luật.

Theo thông tin từ ngành Kiểm sát, trong số vụ án ly hôn năm 2017 ở một địa phương, có hơn 40% các cặp vợ chồng ở dưới độ tuổi 30 (trong đó số các cặp vợ chồng từ 22 tuổi trở xuống chiếm khoảng 3%); khoảng 36% ở độ tuổi 30 - 40, phần lớn trong số đó (chiếm tới khoảng 90%) là có con nhỏ - đây là đối tượng dễ bị tổn thương và thiệt thòi nhất khi bố và mẹ ly hôn. Do đó, thi hành án về việc giao con theo bản án là một khâu rất phức tạp và khó khăn hiện nay.

Vợ chồng ông Công buồn bã vì vắng cháu nội

Dẫn chứng một việc cụ thể, vợ chồng anh Nguyễn Đình Tài - chị Lê Thị Kim Dung (Đô Lương, Nghệ An) có một con chung là cháu Nguyễn Đình Quân (sinh tháng 1/2015). Do cuộc sống vợ chồng mâu thuẫn nên chị Dung xin ly hôn. Anh Tài không đồng ý ly hôn nhưng qua xét xử, Tòa án cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm quyết định cho ly hôn, giao con chung cho chị Dung trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng cho đến khi con đủ tuổi trưởng thành.

Do trước khi ly hôn, ngày 21/5/2017, chị Dung đã trở về nhà mẹ đẻ nên cháu Quân vẫn sống cùng bố và ông bà nội. Sau bản án phúc thẩm ngày 19/1/2018, chị Dung vẫn sống ở nhà mẹ, nên cháu Quân vẫn sống cùng ông bà nội và bố.

Cơ quan thi hành án vận động giao cháu Quân cho mẹ cháu thì ông Nguyễn Đình Công, bố anh Tài có đơn cho rằng gia đình ông có nhà cửa đầy đủ tiện nghi, điều kiện như đã nuôi cháu suốt mấy năm qua, trong khi mẹ cháu đang ở nhờ nhà anh chị nên không đủ điều kiện nuôi con. Hơn nữa, ông Công cho rằng chị Dung bỏ con ra đi từ khi con mới hơn 2 tuổi, như vậy ít tình thương, trách nhiệm với con… Do đó, gia đình ông Công không đồng ý giao cháu Quân cho chị Dung. Đơn của ông Công có xác nhận trình bày đúng sự thật của địa phương.

Ngày 11/10/2018, cơ quan thi hành án tiến hành cưỡng chế, ông Công có mong muốn mời gia đình bên ngoại của cháu Quân đến để giao nhận cháu ba mặt một lời, nhưn yêu cầu này không được chấp nhận.

Theo đơn trình bày có của ông Công: Khi bà nội cháu đến trường mầm non đón cháu Quân thì cán bộ thi hành án và công an khống chế hai bà cháu đưa lên xe taxi chạy về trụ sở UBND xã. Cháu bé sợ hãi khóc thét lên, ôm chặt lấy cổ bà nội nhưng bị giật ra giao cho mẹ cháu đem về bên ngoại. Gia đình ông Công rất bất bình vì đã không nhận được quyết định thi hành án và cách thức thi hành án được thực hiện một cách thô bạo như vậy.

Đây chỉ là một trong rất nhiều vụ cưỡng chế thi hành việc giao con theo bản án rất phức tạp hiện nay. Để việc thi hành án dân sự về giao con theo bản án án có hiệu lực pháp luật được thuận lợi và đạt hiệu quả cao, cần có sự hợp sức và phối hợp nhịp nhàng của cả hệ thống, nhất là chính quyền địa phương với cơ quan thi hành án, từ giai đoạn thuyết phục đến khi áp dụng biện pháp cưỡng chế.

Ngay trong giai đoạn xét xử cũng cần thực hiện tốt công tác hòa giải và thuyết phục các bên đương sự tự nguyện trong việc giao nhận con để hạn chế tối đa phải tổ chức thi hành cưỡng chế việc giao con. Quan tâm bảo vệ quyền lợi của trẻ em, hạn chế tổn thương cho trẻ là yêu cầu luôn luôn phải được quán triệt.

Do đối tượng bàn giao là trẻ em, rất dễ tổn thương nên cơ quan thi hành án cần dành nhiều thời gian vận động, thuyết phục để người phải thi hành án tự nguyện thi hành việc giao con theo bản án có hiệu lực pháp luật.

Phải nhận thức rằng, thi hành án việc giao con bằng cưỡng chế là biện pháp cuối cùng và phải thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật, theo Điều 120 Luật Thi hành án dân sự năm 2014. Theo đó, chấp hành viên ra quyết định buộc giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng theo bản án, quyết định. Trước khi cưỡng chế giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng, Chấp hành viên phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương đó thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án.

Ảnh minh họa

Trường hợp người phải thi hành án hoặc người đang trông giữ người chưa thành niên không giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng thì Chấp hành viên ra quyết định phạt tiền, ấn định thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định phạt tiền để người đó giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng. Hết thời hạn đã ấn định mà người đó không thực hiện thì Chấp hành viên tiến hành cưỡng chế buộc giao người chưa thành niên hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án.

PV

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/luat-doi/can-bo-giang-chau-khoi-tay-ba-noi-giao-cho-me-post50817.html