Cán bộ gây oan sai sao không phải trực tiếp xin lỗi?

VKSND Tối cao cho rằng nhiều vụ án oan sai gây bức xúc rất lớn cho gia đình và người dân nên nếu người trực tiếp gây oan sai có mặt tại buổi xin lỗi sẽ khó đảm bảo vấn đề an ninh.

Các cơ quan, ban ngành và nhân dân địa phương tham dự buổi công khai xin lỗi đối với ông Nguyễn Thanh Chấn ngày 17/4/2015.

Các cơ quan, ban ngành và nhân dân địa phương tham dự buổi công khai xin lỗi đối với ông Nguyễn Thanh Chấn ngày 17/4/2015.

Kiến nghị buộc người gây oan, sai phải trực tiếp xin lỗi

Mới đây, đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM kiến nghị các cơ quan, đơn vị cần bắt buộc cán bộ, nhân viên gây oan sai ngoài việc chịu kỷ luật, phải trực tiếp xin lỗi, nhận lỗi với nhân dân, tránh tình trạng những buổi lễ xin lỗi chỉ là hình thức và không tạo niềm tin của nhân dân vào công lý.

Về kiến nghị trên, ông Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng Viện KSND Tối cao vừa ký văn bản gửi đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM trả lời kiến nghị của cử tri xung quanh việc tổ chức xin lỗi công khai người dân bị oan sai.

Viện KSND Tối cao dẫn Nghị định 68/2018 của Chính phủ thể hiện việc xin lỗi và cải chính công khai phải do lãnh đạo viện kiểm sát trình bày bởi việc phục hồi danh dự, nhân phẩm cho người khác là trách nhiệm công vụ, không phải quan hệ dân sự. Nghị định 68 cũng không quy định người gây oan sai khi thi hành công vụ phải bắt buộc có mặt tại buổi xin lỗi. Ngoài ra, người thi hành công vụ khi tham gia tố tụng là thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước giao nên nếu có sai, xin lỗi là trách nhiệm của Nhà nước, không phải của cá nhân.

VKS cũng xác định việc chứng minh oan sai phải mất nhiều thời gian và có thể những người trực tiếp gây oan sai đã chuyển công tác, nghỉ hưu thậm chí đã mất... và việc yêu cầu họ xin lỗi sẽ không khả quan. VKSND Tối cao khẳng định trước các buổi cải chính và xin lỗi công khai, VKS có trách nhiệm phải xây dựng kế hoạch chi tiết cho việc phục hồi danh dự, thể hiện rõ yếu tố “văn minh pháp lý” của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; không thể tổ chức sơ sài, hình thức đồng thời đảm bảo cho người được phục hồi danh dự có thể trình bày ý kiến và nguyện vọng...

“Buổi lễ luôn đảm bảo đúng, đủ thành phần tham dự, thời gian địa điểm rõ ràng, người được phục hồi danh dự có đủ thời gian trình bày ý kiến và nguyện vọng đối với Nhà nước và viện kiểm sát giải quyết bồi thường”, văn bản của VKSND Tối cao nêu rõ.

Không cần thiết và khó khả thi

Trao đổi với PV ĐS&PL về vấn đề trên, ĐBQH khóa XIII Nguyễn Bá Thuyền, nguyên Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, nguyên Viện trưởng VKSND tỉnh Lâm Đồng cho biết, theo quy định tại khoản 4 Điều 3 luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, cơ quan đại diện Nhà nước thực hiện trách nhiệm bồi thường là cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật gây ra thiệt hại. Theo quy định tại khoản 2 Điều 51 luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải thực hiện việc xin lỗi, cải chính công khai đối với một số trường hợp bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự.

“Theo quan điểm của tôi, không nhất thiết bắt buộc người trực tiếp gây ra oan sai cho người dân phải có mặt trong buổi xin lỗi, bởi khi họ tham gia quá trình tố tụng là thực hiện công vụ Nhà nước giao, đó là trách nhiệm của Nhà nước chứ không phải trách nhiệm của cá nhân. Bởi vậy khi họ làm sai thì trách nhiệm của cơ quan nhà nước phải đứng ra xin lỗi. Còn về trách nhiệm của người gây oan sai, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm người thi hành công vụ có thể bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự và bối thường”, ông Nguyễn Bá Thuyền nêu quan điểm.

Cũng theo ông Nguyễn Bá Thuyền, để xác định oan sai phải mất rất nhiều thời gian, những người trực tiếp gây oan sai có thể đã chuyển công tác khác, đã nghỉ hưu, thậm chí không còn... thì việc yêu cầu người ta đến tham gia buổi xin lỗi là không khả thi, bởi vậy không cần thiết.

Liên quan đến đề xuất trên, ông Đặng Ngọc Dinh (Giám đốc trung tâm Nghiên cứu phát triển hỗ trợ cộng đồng) cho rằng, bản chất những vụ án oan sai gây ra nhiều bức xúc trong dân chúng, nếu người tham gia tố tụng gây oan sai có mặt tại buổi xin lỗi sẽ thể hiện tinh thần cầu thị, xoa dịu nỗi khổ mà người bị oan sai phải chịu. Việc có mặt của người trực tiếp gây ra oan sai tại buổi xin lỗi thì rất tốt nhưng cũng không nên ép buộc, bởi có những người do lỗi vô ý chứ không phải cố ý.

Tuy nhiên cũng phải nói thêm rằng, có nhiều buổi xin lỗi diễn ra chóng vánh, sơ sài khiến người dân bức xúc. Dư luận cho rằng, đã xin lỗi thì phải thành tâm. Đây là một nguyên tắc ở cả đời thường lẫn trong hoạt động của cơ quan tố tụng. Việc chân thành xin lỗi còn thể hiện văn minh pháp lý trong một Nhà nước pháp quyền.
Đồng tình với quan điểm của ĐBQH khóa XIII Nguyễn Bá thuyền, ông Nguyễn Văn Tiên, nguyên Kiểm sát viên VKS Quân sự Quân khu Thủ đô khẳng định: Người thi hành công vụ khi tham gia tố tụng là thực hiện nhiệm vụ do cơ quan, Nhà nước giao phó; nếu gây oan sai thì trách nhiệm thuộc về cơ quan, Nhà nước, không phải trách nhiệm cá nhân. Do vậy, việc xin lỗi, cải chính thuộc về trách nhiệm của cơ quan gây ra oan sai, chứ không phải thuộc về trách nhiệm của cá nhân gây oan sai; điều này là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật.

Trước kiến nghị các cơ quan, đơn vị cần bắt buộc cán bộ, nhân viên gây oan sai ngoài việc chịu kỷ luật, phải trực tiếp xin lỗi, nhận lỗi với nhân dân..., theo ông Nguyễn Văn Tiên cho rằng, điều này là không phù hợp với quy định của pháp luật và khó có thể thực hiện trên thực tế. Luật quy định việc xin lỗi oan sai là các cơ quan tố tụng và người lãnh đạo các cơ quan tố tụng đó đứng ra xin lỗi, họ thay mặt Nhà nước xin lỗi người bị oan. Việc đó có ý nghĩa rằng Nhà nước làm sai thì Nhà nước phải xin lỗi và bồi thường. Bên cạnh đó, ngoài lý do không đảm bảo an toàn, an ninh trong buổi xin lỗi, xuất phát từ nhiều lý do, bức xúc của bản thân và gia đình người bị oan sai thì có thể người gây oan sai đó đang bị kỷ luật, chấp hành án do hành vi làm oan sai cho người khác, khó có thể trích xuất đến buổi xin lỗi chứ chưa nói đến việc người gây oan sai chuyển vị trí công tác, chuyển nơi ở khác hoặc đã mất...

Để hạn chế oan sai trong các vụ án, ông Tiên cho rằng cần thiết phải kiểm soát ngay từ đầu, từ khi có tin báo tố giác tội phạm, đánh giá tội phạm. Trong quá trình tố tụng, đến bất kỳ giai đoạn nào, nếu thấy có dấu hiệu nào thì cần phải dừng lại để kiểm tra, đánh giá một cách thận trọng, khách quan, công tâm; không phải cứ khởi tố một vụ án nào đó là phải làm đến cùng.

Hương Lan - Nguyễn Thúy

Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ 3 (156)

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/phap-luat/tinh-huong-phap-luat/can-bo-gay-oan-sai-sao-khong-phai-truc-tiep-xin-loi-a341211.html