Cán bộ Đoàn tiên phong khởi nghiệp

Với quan điểm muốn thu hút thanh niên hay phát động phong trào khởi nghiệp thì trước hết mình phải là một điển hình nên nhiều cán bộ Đoàn ở Đồng bằng sông Cửu Long đã có ý thức khởi nghiệp và biết làm chủ các mô hình kinh tế gia đình hiệu quả.

Anh Khưu Tấn Bửu đang miệt mài đính gạo lên túi xách

Thu tiền tỉ từ ao cá

“Hiện nay khó nhất là tập hợp thanh niên trong việc phát động phong trào khởi nghiệp. Nhưng khi bản thân mình khởi nghiệp thì khi trao đổi hay chia sẻ, thanh niên sẽ tin tưởng hơn. Đồng thời, ai có nhu cầu muốn làm, mình dẫn đến xem trực tiếp mô hình của mình để tham quan, học hỏi chứ không phải nói suông”, anh Phan Tấn Sang (27 tuổi, Phó Bí thư Đoàn phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) nói về công tác phát động thanh niên khởi nghiệp hiện nay của mình.

Anh Sang là một trong những điển hình về khởi nghiệp với thu nhập hằng năm gần cả tỷ đồng.

Năm 2017, mỗi bè cá sát anh thu được 750 triệu, trừ chi phí còn lời 250 triệu, với 4 bè cá, anh lãi gần cả tỷ đồng. Hiện tại, anh đang nuôi 4 bè cá mới, mỗi bè 180.000 con, dự kiến khoảng 6 tháng nữa sẽ thu hoạch.

Anh Sang tốt nghiệp đại học ngành Cơ điện tử năm 2014, sau đó đi làm ở cảng Cái Cui, gần trung tâm TP Cần Thơ. Làm một thời gian, anh thấy nghề này vẫn “chưa đã” và muốn quay trở về quê nhà lập nghiệp.

Thoạt đầu, anh nuôi cá bông, tuy nhiên ở thời điểm đó nguồn thức ăn tự nhiên từ các loại cá tạp ngày càng khan hiếm, không đủ cho cá trong khi mua giá cá biển thì đắt đỏ, may mắn là hòa vốn. Trước thực tế đó, anh Sang nghĩ rằng mình cần tạo ra sự khác biệt trong việc nuôi trồng và đầu ra phải ổn định.

Sau nhiều đêm trăn trở tìm loài cá nuôi thích hợp và cuối cùng anh chọn nuôi cá sát (có ngoại hình giống cá tra nhưng nhỏ hơn, thịt thơm và béo).

Anh Sang cho biết, loài cá này sống ở nước ngọt, sinh sản tự nhiên, đến nay vẫn chưa cho sinh sản nhân tạo được nên nguồn giống trở nên ngày càng quý hiếm, ít người nuôi. Đồng thời, cù lao nằm giữa sông Hậu, khí hậu và thời tiết thuận lợi cho việc nuôi cá này. Loài cá sát dễ nuôi, ít bệnh, ăn theo nước lớn hoặc ròng chảy xiết, đặc biệt là ăn vào ban đêm.

“Cực khổ nhất là thức đêm cho ăn nhưng bù lại mình có thời gian ban ngày đi làm”, anh Sang nói. Cũng trong năm 2014, anh tham gia làm Bí thư chi đoàn khu vực, sau đó được bầu lên làm Phó bí thư Đoàn phường đến nay cũng ngót 4 năm.

Các Đoàn viên thanh niên tham gia sản xuất tranh gạo.

Sản xuất phân bón "sạch"

Ở tỉnh Đồng Tháp, anh Châu Đăng Quang, Phó Bí thư xã Đoàn An Hội Đông (huyện Lấp Vò) không chỉ là thủ lĩnh phong trào Đoàn mà còn khởi nghiệp thành công từ mô hình sản xuất phân hữu cơ vi sinh phục vụ cây trồng và rau sạch theo hướng công nghệ cao.

Anh Quang cho biết, sau hơn 1 năm nghiên cứu cho ra sản phẩm, anh còn dành thời gian khá lâu để thử nghiệm trên cây trồng, rau của các hộ dân ở địa phương và được đánh giá cao. “Sản phẩm giúp cây phát triển tốt, thân thiện môi trường. Hiện nay đang chuẩn bị sản xuất đại trà để đưa ra thị trường phục vụ người dân”.

Thành phần chủ yếu của phân hữu cơ vi sinh là phân chuồng và cơ chất lục bình tự nhiên nên sản phẩm thân thiện môi trường, không chỉ cung cấp một lượng lớn hệ vi sinh vật có lợi cho đất mà còn bổ sung thêm dinh dưỡng cho cây trồng.

“Khi sản phẩm được bón vào đất sẽ giúp đất tơi xốp, giữ ẩm cao, hạ phèn nên tạo điều kiện cho cây trồng phát triển bộ rễ. Đồng thời dễ hấp thu chất dinh dưỡng. Nhờ đó, người nông dân tiết kiệm được chi phí sản xuất, tạo ra nguồn nông sản sạch, an toàn sức khỏe cho người sử dụng”.

Nguồn nguyên liệu dồi dào tại địa phương đã giúp anh tiết kiệm chi phí vận chuyển. Đồng thời trong tỉnh Đồng Tháp chưa có tổ chức sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ nguyên liệu chính là phân chuồng mà chủ yếu là các tỉnh khác nhập vào nên giá thành cao hơn.

“Sản phẩm tận dụng tối đa chất thải của gia súc, gia cầm, các phế phụ phẩm nông nghiệp nhằm đảm bảo sản phẩm an toàn, từ đó giúp tạo ra nguồn nông sản sạch cho thị trường”, anh Quang nói.

Hiện nay với việc canh tác ba vụ trong năm và thói quen sử dụng nhiều phân, thuốc hóa học của người nông dân đã làm cho đất ngày càng bị bạc màu, nghèo chất dinh dưỡng, chai đất, dẫn đến chi phí sản xuất cao, nông sản thiếu an toàn.

Song song với hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm diễn ra mạnh mẽ thì vấn đề về xử lý chất thải lại ít được người dân quan tâm. Chính vì vậy, ứng dụng công nghệ sinh học để xử lý nguồn chất thải này thành phân hữu cơ vi sinh và phục vụ lại sản xuất nông nghiệp sẽ vừa giải quyết được vấn đề môi trường, vừa đáp ứng được xu thế thị trường nông sản hiện nay và tương lai.

Thúy An

Thúy An

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/tre/can-bo-doan-tien-phong-khoi-nghiep-3971148-b.html