Cán bộ đi trước, làng nước theo sau…

Giữa lúc đại dịch bùng phát, kinh tế khó khăn, hàng trăm hộ dân ở xã Quảng Khê (huyện Đắk G'long, Đắk Nông) chủ động nộp đơn thoát nghèo. Chưa hết, nhiều người tình nguyện hiến đất làm đường, xây trường, nhà cộng đồng… Trong đó, vai trò đi đầu của cán bộ cơ sở lan tỏa tinh thần tận hiến vì cộng đồng.

Thoát nghèo để làm giàu

Trong ngôi nhà khang trang, ông Kmang (dân tộc Mạ, thôn 2, xã Quảng Khê) xởi lởi khoe với đoàn cán bộ: “Nhà tôi thoát nghèo rồi. Bốn đứa con của tôi cũng xin ra nghèo hết”. Bên chén trà nóng, ông kể, gia đình vào diện hộ nghèo từ năm 2015. Thời điểm ấy, vợ chồng ông lâm bệnh nặng, chạy chữa nhiều nơi. Kinh tế suy kiệt, gia đình được xét vào diện hộ nghèo. Nhờ bảo hiểm y tế hộ nghèo, ông đỡ tiền viện phí nên rất biết ơn. Nay bệnh tình thuyên giảm, cuộc sống cũng không túng thiếu, ông tự nguyện thoát nghèo. “Nhìn xung quanh, nhiều người còn khổ hơn tôi. Giờ tư tưởng tôi thoải mái lắm. Tôi dự tính trồng xen một số loại cây vào vườn cà phê kiếm thêm thu nhập. Mình thoát nghèo rồi phải khác, vươn lên làm giàu chứ”, ông Kmang tâm sự và cho biết sẽ không hụt hẫng khi mất đi những khoản hỗ trợ vật chất do ra khỏi hộ nghèo.

Quê ở miền sông nước nhưng phải lòng sơn nữ dân tộc Mạ, anh Trương Quốc Cường xây dựng tổ ấm tại thôn 2 (xã Quảng Khê). Đất canh tác ít, con còn nhỏ, thời gian đầu, vợ chồng anh thiếu trước, hụt sau. Năm 2015, gia đình anh được xét vào hộ nghèo. Sau nhiều năm làm thuê tích góp, năm 2017, anh Cường mạnh dạn mở quán cà phê. Năm 2018, anh xây được ngôi nhà cấp bốn trị giá 200 triệu đồng. Đây là số tiền anh dành dụm và vay vốn ưu đãi từ ngân hàng. Khi công việc kinh doanh ổn định, đủ lo cho gia đình, anh Cường bàn với vợ chủ động xin thoát nghèo. Anh Cường cho hay, rất trân trọng những chính sách hỗ trợ của Nhà nước thời gian qua. Vợ chồng anh luôn lấy đó làm động lực vươn lên làm chủ kinh tế. “Tôi không có ý định mong mình mãi nghèo để nhận hỗ trợ. Tôi biết, ra khỏi hộ nghèo sẽ mất đi nhiều nguồn hỗ trợ bằng vật chất song không hối tiếc. Nếu cứ trông chờ, tôi nghĩ mình sẽ nghèo suốt đời. Xin ra hộ nghèo là cách tôi thoát khỏi tư tưởng ỷ lại, quyết tâm phấn đấu làm giàu”, anh Cường nói.

Những cán bộ đi đầu

Đã nhiều năm qua, người dân bon (tương đương với buôn) Phi Mur vẫn dành sự nể trọng đặc biệt với ông Kriêng (dân tộc Mạ) - nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Khê, vì tiên phong hiến đất xây nhà cộng đồng. Chỉ tay về nhà cộng đồng bon Phi Mur bề thế nằm ngay cạnh đường lớn, ông Kriêng kể, năm 2006, Nhà nước cho vốn nhưng buôn không có đất để làm. Già làng phát động phong trào hiến đất. Kriêng nghĩ mình là cán bộ cần đi trước nên tình nguyện hiến gần 300m2 đất. Nhà cộng đồng buôn được xây dựng, người dân vui mừng có nơi sinh hoạt thuận tiện. Kể từ đó, Kriêng càng được dân yêu mến.

Tuổi cao, cụ Đàm Duy Quyết (thôn 11, xã Quảng Khê, huyện Đắk G’long) sẵn lòng hiến 150m2 đất làm nhà văn hóa thôn. Cụ Quyết từng làm cán bộ ở huyện vùng cao Sơn Động (Bắc Giang). Nghỉ hưu, cụ đưa gia đình vào Đắk Nông lập nghiệp. Dốc hết vốn liếng có được, ông mua 4 ha đất trồng cà phê. Kinh tế không dư giả nhưng chính quyền vận động hiến đất, ông đồng ý ngay. “Trước đây chưa có nhà văn hóa thôn, mỗi lần hội họp phải nhờ nhà dân, tôi thấy rất bất tiện. Năm 2015, Nhà nước cho vốn làm nhà văn hóa nhưng thôn không có quỹ đất. Đất của tôi ở mặt đường, gần trung tâm thôn nên cán bộ tới vận động, tôi đồng ý. Thời điểm hiến, lô đất trị giá khoảng 60 triệu đồng, nay lên gấp nhiều lần, tôi không tiếc. Tôi không đặt nặng chuyện giàu - nghèo, chỉ mong người dân trong thôn có nơi sinh hoạt thuận lợi”, ông Quyết nói.

Noi gương ông Quyết, năm 2018, anh Nguyễn Xuân Thường (trưởng thôn Đắk Lang) hiến 280 m2 đất xây Trường mẫu giáo Đắk Lang. Anh Thường cho hay, không có con theo học, nhưng thương trẻ em trong thôn phải đi trường xa. Vào mùa mưa, phụ huynh, trẻ em ngã nhào xuống đường, lấm lem bùn đất. Anh Thường về thuyết phục vợ hiến đất xây trường. Anh tâm niệm, cho đi là còn mãi. Hơn nữa, anh làm cán bộ phải đi đầu mới vận động được dân. Nhờ phần đất anh hiến, cộng với số tiền dân đóng góp và nhà hảo tâm hỗ trợ thêm kinh phí mua đất, xây được ngôi trường khang trang.

Ông Trần Ngọc Thuần, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Khê (huyện Đắk G’long) cho biết, trong năm 2020 có hơn 300 hộ dân tự nguyện thoát nghèo, trong đó, hơn 100 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo trong xã là 27,1%, đến cuối năm 2020 chỉ còn 5,8%. Để vận động người dân tự nguyện làm đơn thoát nghèo, xã Quảng Khê đưa ra chủ trương chuyển sinh hoạt xuống 12 thôn, buôn.

“Việc vận động người dân thay đổi tư duy rất quan trọng. Chúng tôi lấy những trường hợp đã thoát nghèo thành công để tuyên truyền. Xã cũng lồng ghép nhiều chương trình hỗ trợ những hộ tự nguyện thoát nghèo như: Giảm lãi suất vay, nguồn vốn vay nhiều hơn… để họ có động lực. Khi dân gặp khó khăn, cán bộ sẽ tìm cách giúp đỡ cả vật chất lẫn tinh thần. Xã Quảng Khê không chạy theo thành tích. Những hộ nào chưa đáp ứng đủ điều kiện thì không cho ra khỏi hộ nghèo. Với việc vận động dân hiến đất, chúng tôi cũng làm từ những nơi dễ trước, khó sau; lấy gương người đã hiến trước đến vận
động dân” ông Trần Ngọc Thuần

Anh Thường (áo trắng) cùng cụ Quyết bên Trường mẫu giáo Đắk Lang

Theo đó, vào các ngày cuối tuần, buổi tối, cán bộ xã (bí thư, phó bí thư, chủ tịch, các phó chủ tịch, cán bộ chủ chốt) sẽ chia thành từng tổ xuống sinh hoạt với người dân các thôn, buôn. Nhờ cách làm này, cán bộ nắm bắt được tâm tư, khó khăn của từng hộ dân và tìm cách giúp đỡ, khơi dậy ý chí tự lực. Nhờ đó, nhiều hộ dân chủ động xin thoát nghèo cũng như tự nguyện hiến đất xây dựng các công trình phúc lợi. Hơn 1 năm qua, ông Thuần không nhớ bao nhiêu lần xuống thôn, buôn sinh hoạt cùng dân. Lần ông nhớ nhất là vận động thành công người dân thôn Đắk Lang đồng ý hiến đất, góp hơn 1 tỷ đồng làm đường bê tông dài khoảng 1 cây số vào năm 2018. Ngày khởi công, người dân 2 bên đường tự động cưa nhiều loại cây có giá trị kinh tế để bàn giao mặt bằng.

Huỳnh Thủy

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/can-bo-di-truoc-lang-nuoc-theo-sau-post1314300.tpo