Cán bộ, dân gặp khó sau sáp nhập cấp huyện, xã ở các tỉnh vùng cao

Đề án sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, xã là chủ trương lớn, đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, ở một số tỉnh vùng cao, sau sáp nhập đang để không hàng trăm trụ sở, nơi làm việc gây lãng phí rất lớn. Ngoài ra còn rất nhiều câu chuyện phát sinh từ sự xáo trộn trên đang cần giải quyết khẩn cấp.

Một số trụ sở, phòng, ban tại huyện Thông Nông (Cao Bằng) sau khi sáp nhập giờ đang để không phơi mưa nắng. Ảnh: PV

Một số trụ sở, phòng, ban tại huyện Thông Nông (Cao Bằng) sau khi sáp nhập giờ đang để không phơi mưa nắng. Ảnh: PV

Vượt tuyến ra bệnh viện tỉnh gần hơn về huyện mới

Sau khi thực hiện Đề án sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, xã tại tỉnh Cao Bằng, nhiều trụ sở UBND, các phòng, ban và nơi làm việc của các đơn vị sự nghiệp đã bị rơi vào "quên lãng" và gây ra lãng phí đáng xót xa. Sáp nhập cũng khiến cuộc sống người dân bị đảo lộn nhiều, các lĩnh vực, y tế, giáo dục, giao thông, buôn bán… bị ảnh hưởng không nhỏ.

Một số cán bộ ở lại làm việc tại một Ban quản lý Dự án huyện Thông Nông cho biết: "Sáp nhập, các lãnh đạo chuyển sang nơi làm việc mới, giờ muốn đến gặp sếp để trao đổi công việc phải đi 58km. Đây là tuyến đường gần nhất nối trung tâm huyện Thông Nông trước sáp nhập với trung tâm huyện Hà Quảng hiện nay. Hôm nào lãnh đạo muốn trao đổi công việc sớm phải di chuyển từ tinh mơ gà gáy".

"Có những người con nhỏ, chồng là bộ đội công tác ở vùng sâu, vùng xa của huyện khác, họ phải ngủ trên khu làm việc mới cách vài chục cây số đường rừng kia, cuối tuần mới về. Đi lại vất vả tiền lương chẳng đủ mua xăng, tháng được mấy triệu, chi tiền ăn, tiền nhà trọ nữa, lấy đâu ra tiền đề phòng lúc cha mẹ, con cái ốm đau bệnh tật", chị này nói.

Bên trong một căn phòng ở trụ sở Huyện ủy Thông Nông (Cao Bằng) sau sáp nhập.

Tại huyện Trà Lĩnh (cũ), sau khi sáp nhập toàn bộ vào huyện Trùng Khánh, bi khúc sáp nhập cũng kéo dài. Một người dân bán hàng trước cổng trụ sở Huyện ủy - HĐND - UBND huyện Trà Lĩnh chia sẻ: "Giờ đơn vị hành chính chuyển đi, chúng tôi muốn làm giấy tờ gì cũng phải sang đó mới làm được. Mấy hôm trước, tôi đưa vợ đi đẻ phải vượt tuyến đưa thẳng ra Bệnh viện tỉnh cho gần hơn tuyến huyện".

Một bác tài xe ôm nhiều năm "thường trực" ở cổng UBND huyện Trà Lĩnh cũ để đưa đón khách phân tích: "Ngày xưa, họ làm việc ở đây còn có khách ra khách vào, giờ huyện chuyển đi xa lắm, sang tận huyện Trùng Khánh, đi làm thủ tục giấy tờ khó khăn vô cùng. Nếu đi đường bớt xấu thì phải qua huyện Quảng Hòa hết tầm 60km, còn đường gần hơn thì xấu lắm, cũng phải gần 40 km. Đèo dốc núi đá lởm chởm. Từ đây sang đó giờ hết 400.000 đồng tiền xe ôm".

Dạo một vòng quanh các tòa ngang, dãy dọc của UBND huyện Trà Lĩnh (cũ), trên sân nhiều vũng nước đọng sau cơn mưa trước đó, in bóng những tòa nhà từng là cơ quan đầu não của huyện. Hầu hết các phòng đều khóa cửa, một số cửa kính bị vỡ tan hoang. Bên trong các phòng là vô số bàn ghế, bóng đèn điện hỏng vứt chỏng chơ.

Trụ sở vừa xây xong đã "vườn không nhà trống"

Trụ sở Huyện ủy Kỳ Sơn (Hòa Bình) để không sau sáp nhập.

Không chỉ ở tỉnh Cao Bằng, tại huyện Kỳ Sơn (trước sáp nhập) của tỉnh Hòa Bình, có những tòa nhà mới xây xong, cán bộ chưa kịp dọn đến đã phải sáp nhập sang đơn vị mới. Thế là đành bỏ khối tài sản khổng lồ đó trong tình trạng "vườn không nhà trống".

Theo ghi nhận, trụ sở HĐND - UBND huyện Kỳ Sơn cũ là dãy nhà 3 tầng, với hàng chục phòng đang để không, phí sau khi chuyển đến trụ sở UBND TP Hòa Bình mới được xây dựng. Ngay phía bên trái cổng vào là Phòng bảo vệ, cửa được chặn bởi một chiếc bàn, nhiều giấy tờ trải khắp nền nhà, ngoài sân lá cây khô chất từng đống.

Bên ngoài dãy nhà, nhiều cây xanh trồng làm cảnh đã được đào cả gốc chuyển đi nơi khác. Còn bên trong, phòng làm việc không khóa cửa, ổ khóa hoen gỉ, bình hoa, cây cảnh bị đập vỡ vương vãi khắp nơi, cứ như vừa có một trận bão lớn mới quét qua. Nhiều mảng tường bị bong tróc, đồ dùng trong nhà vệ sinh bị hư hỏng nằm lăn lóc.

Tòa nhà ngang 3 tầng bên cạnh, các phòng gắn biển Phòng Dân tộc, Phòng Nội vụ, Phòng LĐ-TB&XH đều đóng kín cửa. Hành lang tầng 2 rác thải khắp nơi, nhiều Bằng khen, Giấy khen, thẻ nhân viên của một số cán bộ vốn làm việc ở các phòng trên để lại. Tương tự tại tầng 1, vô số hồ sơ, giấy tờ cùng hàng chục tấm Giấy khen, Bằng khen chất đống dưới nền nhà.

Những Giấy khen để thành đống dưới chân cầu thang thuộc Phòng LĐ-TB&XH huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình).

Sát vách với các phòng chức năng trên là Cục Thi hành án dân sự, Phòng Y tế huyện Kỳ Sơn, Phòng Tư pháp, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của HĐND - UBND huyện Kỳ Sơn (cũ) cũng trong tình trạng hoang tàn.

Xuôi theo Quốc lộ 6 khoảng 500m về phía trung tâm TP Hòa Bình là tòa nhà làm việc của VKSND huyện Kỳ Sơn (cũ) cửa đóng then cài. Chếch phía đối diện là trụ sở Bảo hiểm Xã hội huyện Kỳ Sơn xây dựng còn dang dở. Cả hai tòa trụ sở đều có chiều cao 3 tầng, xây dựng trên diện tích đất rộng hàng nghìn mét vuông.

Còn đối với cấp xã sau sáp nhập, không ít trụ sở UBND đã để không. Đơn cử như trụ sở xã Cao Dương, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, sau khi sáp nhập các xã Hợp Châu, Tân Thành vào xã Cao Dương, trụ sở chính đặt tại UBND xã Hợp Châu cũ. Trong khi đó, xã Hợp Châu phải tiếp tục xây dựng thêm phòng làm việc để đáp ứng việc sáp nhập.

Bà Nguyễn Thị Huệ, Phó Trưởng phòng Quản lý giá và công sản (Sở Tài chính tỉnh Hòa Bình) cho biết: "Hiện nay rất nhiều các xã để đảm bảo tiêu chí nông thôn mới, thiếu nhiều nơi làm việc nên khi sáp nhập, gần như các xã/phường tiếp tục sử dụng hoặc sẽ sử dụng. Còn riêng các trụ sở (cũ) của các cơ quan bảo hiểm xã hội, thuế, kho bạc, công an, tòa án là cơ quan Trung ương quản lý theo ngành dọc nên tỉnh không can thiệp được".

Thông tin về kết quả sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021, Bộ Nội vụ cho biết: Cả nước có 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã triển khai, trong đó đứng đầu là tỉnh Cao Bằng và Hòa Bình. Cụ thể, sau khi tiến hành sắp xếp tỉnh Cao Bằng đã giảm 3 đơn vị hành chính cấp huyện, 38 đơn vị cấp xã. Còn tỉnh Hòa Bình giảm một đơn vị hành chính cấp huyện và 59 đơn vị hành chính cấp xã.

Trước thực trạng trên, Bộ Nội vụ đề nghị các địa phương cần bố trí trung tâm hành chính cho phù hợp, bảo đảm thuận lợi cho công việc giao dịch của dân cư trên địa bàn. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin để việc giải quyết nhu cầu của người dân.

Nhóm Phóng Viên

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/can-bo-dan-gap-kho-sau-sap-nhap-cap-huyen-xa-o-cac-tinh-vung-cao-20210611140725277.htm