Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động: Nêu cao văn hóa ứng xử

Việc thực hiện phong trào thi đua phải trở thành nhiệm vụ trọng tâm trong các phong trào thi đua trong CNVCLĐ và các cấp Công đoàn Thành phố; tổ chức thực hiện thường xuyên, liên tục; hình thức phong phú, phù hợp với thực tiễn của các địa phương, cơ quan, đơn vị.

Đây là yêu cầu của LĐLĐ Thành phố tại Kế hoạch số 50/KH-LĐLĐ vừa được triển khai về việc phát động phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thi đua thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng“ trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao, như sau.

Vòng chung khảo hội thi Nét đẹp văn hóa công sở năm 2018 do LĐLĐ Thành phố tổ chức

Vòng chung khảo hội thi Nét đẹp văn hóa công sở năm 2018 do LĐLĐ Thành phố tổ chức

LĐLĐ Thành phố nêu rõ, việc triển khai phong trào thi đua“Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thi đua thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng“ là nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội về văn hóa ứng xử; chuẩn mực trong giải quyết công việc với tổ chức và công dân, gương mẫu trong gia đình và xã hội; góp phần xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, xã hội.

Đồng thời, phong trào thi đua này được triển khai nhằm từng bước xây dựng, hình thành những chuẩn mực văn hóa nhằm điều chỉnh lời nói, thái độ, hành vi của cá nhân, tổ chức nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội, xây dựng Thành phố văn minh, hiện đại; góp phần giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của Thủ đô và đất nước, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Thông qua phong trào thi đua, kịp thời phát hiện, khen thưởng, tuyên truyền nhân rộng các điển hình tiên tiến trong CNVCLĐ Thủ đô về thực hiện văn hóa tại công sở và nơi công cộng trên địa bàn Thành phố.

Phong trào thi đua được tập trung vào hai nội dung chính mà trước hết là tập trung thực hiện văn hóa công sở trong các cơ quan, đơn vị. Theo đó, LĐLĐ Thành phố yêu cầu các cấp công đoàn triển khai thực hiện có hiệu quả nội dung phát động thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” do Thủ tướng Chính phủ phát động.

Đối với cơ quan là thi đua xây dựng môi trường làm việc dân chủ, văn hóa, thân thiện, hiện đại, cơ quan xanh, sạch, đẹp, an toàn, công sở văn minh, khoa học. Đối với cán bộ, công chức, viên chức, thi đua thực hiện tốt chuẩn mực đạo đức, lối sống, đạo đức công vụ, thực hiện tốt chuyên môn nghiệp vụ, sử dụng hiệu quả thời gian làm việc, nâng cao năng lực, đảm bảo tính chuyên nghiệp, luôn sẵn sàng, chủ động phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo kỷ luật, kỷ cương hành chính.

Cùng đó, các cấp công đoàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt đến 100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU ngày 26/4/2016 của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016 - 2020"; Quyết định số 522/QĐ-UBND ngày 25/01/2017 của UBND Thành phố, Quyết định số 1665/QĐ-UBND ngày 10/3/2017 của UBND Thành phố.

Thực hiện niêm yết công khai Quy tắc ứng xử tại cơ quan và phát tài liệu sổ tay Quy tắc ứng xử tới từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan. Công đoàn các cấp phải phối hợp với chính quyền, chuyên môn các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh cải cách hành chính, sắp xếp bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan cũng như xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện những quy định Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan; Xây dựng cơ chế động viên khen thưởng những tập thể cá nhân thực hiện tốt Quy tắc ứng xử; phê bình, lý những CBCC,VC vi phạm.

Công đoàn các cấp phối hợp với chính quyền, chuyên môn đồng cấp thường xuyên tổ chức lấy ý kiến khảo sát đánh giá sự hài lòng của tổ chức, công dân đến làm việc, giao dịch với cơ quan công sở; xây dựng tiêu chí đánh giá đánh giá, xếp loại thi đua hàng tháng, hàng năm đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan phù hợp với Quyết định số 3814-QĐ/TU ngày 16/5/2018 của Thành ủy ban hành Quy định khung tiêu chí đánh giá hàng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động trong hệ thống chính trị Thành phố.

Căn cứ vào kết quả thực hiện phong trào thi đua thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng, những quy định về Quy tắc ứng xử của tập thể, cá nhân trong cơ quan, công đoàn phối hợp với chính quyền, chuyên môn để đánh giá, chấm điểm kết quả thi đua cuối năm.

Nội dung thứ hai của phong trào thi đua tập trung vào việc thực hiện văn hóa ứng xử nơi công cộng.Theo đó, các cấp công đoàn phải tập trung tuyên truyền thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng gắn với cuộc vận động xây dựng nếp sống văn hóa công nghiệp, xây dựng, hướng dẫn các đơn vị triển khai có hiệu quả các mô hình tuyên truyền phù hợp với điều kiện thực tiễn ở địa phương, cơ quan, đơn vị.

Cùng đó, công đoàn các cấp, nhất là công đoàn cơ sở phải phát huy vai trò của mình, tổ chức vận động, đẩy mạnh thực hiện Quy tắc ứng xử trong đoàn viên và người lao động. Đặc biệt, công đoàn phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện văn hóa ứng xử nơi công cộng của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, đưa tiêu chí thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng vào đánh giá xét khen thưởng hàng tháng, quý, năm đối với đoàn viên, người lao động.

Để phong trào thi đua đạt hiệu quả, LĐLĐ Thành phố yêu cầu LĐLĐ các quận, huyện, thị xã, CĐ ngành, CĐ cấp trên cơ sở và các CĐCS trực thuộc căn cứ nhiệm vụ chính trị, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của ngành, địa phương, cơ sở và kế hoạch của LĐLĐ Thành phố, Công đoàn cấp trên cơ sở xây dựng kế hoạch báo cáo cấp ủy Đảng, phối hợp với chính quyền cùng cấp, phòng văn hóa các quận, huyện, thị xã chỉ đạo và tổ chức phát động đợt thi đua đến 100% Công đoàn cơ sở và CNVCLĐ thuộc địa phương, đơn vị quản lý.

Hàng năm, các đơn vị phải tổng kết đánh giá phong trào, khen thưởng, đề xuất LĐLĐ Thành phố khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc hưởng ứng, thực hiện phong trào.

LĐLĐ Thành phố nhấn mạnh, việc thực hiện phong trào thi đua phải trở thành nhiệm vụ trọng tâm trong các phong trào thi đua trong CNVCLĐ và các cấp Công đoàn Thành phố; tổ chức thực hiện thường xuyên, liên tục; hình thức phong phú, phù hợp với thực tiễn của các địa phương, cơ quan, đơn vị; nội dung, mục tiêu thi đua bám sát kế hoạch của LĐLĐ Thành phố, Quyết định số 522/QĐ-UBND ngày 25/01/2017 của UBND Thành phố về việc ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội và Quyết định số 1665/QĐ-UBND ngày 10/3/2017 của UBND Thành phố về việc ban hành Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đặc biệt, các hoạt động thi đua phải thiết thực, hiệu quả, chú trọng việc tuyên truyền, kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết để kịp thời động viên, khích lệ phong trào.

Phạm Diệp

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/can-bo-cong-chuc-vien-chuc-nguoi-lao-dong-neu-cao-van-hoa-ung-xu-95458.html