Cán bộ, công chức nào phải kê khai thu nhập hàng năm?

Những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý từ Phó trưởng phòng trở lên công tác trong một số lĩnh vực như: Tổ chức tuyển dụng, thi nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức; Quản lý các đối tượng nộp thuế; Thanh toán bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; Quản lý thị trường…phải có nghĩa vụ kê khai thu nhập, tài sản hàng năm.

Tại khoản 3, Điều 36 Luật Phòng, chống tham nhũng, kê khai hằng năm được thực hiện trong trường hợp: Người giữ chức vụ từ Giám đốc sở trở lên (hoàn thành trước ngày 31/12); Những người không thuộc trường hợp trên thì phải làm công tác tổ chức cán bộ, quản lý tài chính công, tài sản công, đầu tư công hoặc trực tiếp tiếp xúc, giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác (hoàn thành trước 31/12).

Ngoài ra, tại Điều 10 Nghị định 130/2020/NĐ-CP quy định, người có nghĩa vụ kê khai thu nhập, tài sản hàng năm gồm:

- Các ngạch công chức và chức danh: Chấp hành viên, điều tra viên, kế toán viên, kiểm lâm viên, kiểm soát viên ngân hàng, kiểm soát viên thị trường, kiểm toán viên, kiểm tra viên của Đảng, kiểm tra viên hải quan, kiểm tra viên thuế, thanh tra viên và thẩm phán.

- Người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

- Những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý từ Phó trưởng phòng trở lên công tác trong 105 lĩnh vực nêu tại phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 130/2020/NĐ-CP. Có thể kể đến:

Quản lý các đối tượng nộp thuế; Thu thuế, kiểm soát thuế, hoàn thuế, quyết toán thuế, quản lý và cấp phát ấn chỉ; Xử lý công nợ, các khoản nợ xấu; hoạt động mua và bán nợ; thẩm định, định giá trong đấu giá; Cấp giấy chứng nhận nhập khẩu mỹ phẩm; Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; Giao hạn mức đất; mức bồi thường, hỗ trợ trong giải phóng mặt bằng…

Cũng tại Điều 20 của Nghị định 130/2020/NĐ-CP, người có nghĩa vụ kê khai mà tẩu tán, che dấu tài sản, thu nhập, cản trở hoạt động kiểm soát tài sản, thu nhập, không nộp bản kê khai sau 2 lần được đôn đốc bằng văn bản thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý bằng một trong các hình thức cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, bãi nhiệm, buộc thôi việc, giáng cấp bậc quân hàm, giáng cấp bậc hàm.

Hoàng Yên (T/h)

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/phap-luat/an-ninh-hinh-su/can-bo-cong-chuc-nao-phai-ke-khai-thu-nhap-hang-nam-a352843.html