Cán bộ công chức gây nhũng nhiễu nhiều nhất ở lĩnh vực nào?

Ngày 9-11, tiếp tục phiên chất vấn của Quốc hội, các đại biểu đã đặt hàng loạt câu hỏi với các Bộ trưởng, trưởng ngành về vấn đề ứng xử trên không gian mạng, về chuyển đổi số; giải ngân vốn đầu tư công; cơ cấu giống cây trồng vật nuôi; chính sách đối với cán bộ dân tộc thiểu số; quy hoạch treo; cấp giấy chứng nhận cho người dân chung cư; liên thông, cắt giảm TTHC…

Trong năm 2020, ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng

Trả lời chất vấn của đại biểu Đinh Thị Kiều Trinh (Nghệ An) về quy tắc ứng xử trên không gian mạng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng, trong tuần này, Bộ sẽ đề xuất Thủ tướng Chính phủ về thẩm quyền ban hành và chắc chắn trong năm 2020, Bộ quy tắc này sẽ được ký.

Về vấn đề bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, Bộ TT&TT đã quan tâm lồng ghép trong Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng. Cụ thể, nội dung của Bộ quy tắc ứng xử đề xuất người sử dụng và nhà cung cấp dịch vụ mạng phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân, trong đó có quyền trẻ em.

Ngoài ra, Bộ TT&TT cũng đã được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì xây dựng Đề án bảo vệ, hỗ trợ trẻ em tương tác, sáng tạo và lành mạnh trên môi trường mạng giai đoạn từ năm 2020 - 2025.

Đề án đưa ra những giải pháp cơ bản để giải quyết vấn đề như là một đầu mối duy nhất trên không gian mạng để tiếp nhận các phản ánh về nội dung xâm hại trẻ, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn để phát hiện sớm và chủ động ngăn chặn ngay, gỡ bỏ các nội dung xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.

Đồng thời trang bị bộ kỹ năng số cơ bản cho trẻ, bao gồm giáo dục nhận thức về môi trường mạng, kỹ năng để trẻ em có thể tự bảo vệ mình, tự nhận diện các nguy cơ trên môi trường mạng và có hành động. Hiện nay thì đề án này đã được trình Thủ tướng Chính phủ và chắc chắn cũng sẽ được ký trong năm 2020.

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (Hà Nội) chất vấn tại nghị trường.

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (Hà Nội) chất vấn tại nghị trường.

Thủ tục hành chính quy định tại các VBQPPL đều có nguyên tắc

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng, người dân và DN được Hiến pháp trao quyền, được luật tạo điều kiện để thực hiện quyền tự do kinh doanh, nhưng nhiều thủ tục hành chính trong Thông tư của các Bộ, thậm chí trong một số Nghị định của Chính phủ vẫn đặt ra không ít rào cản khiến người dân, DN khó khăn trong thực hiện quyền của mình.

Mặc dù trong cải cách hành chính, các cơ quan đã gỡ bỏ nhiều rào cản nhưng gỡ bỏ chỗ này lại nảy sinh chỗ khác và gỡ rào cản cũ lại tự mọc ra rào cản mới. Đại biểu hỏi Bộ trưởng Lê Thành Long về trách nhiệm của Bộ Tư pháp và Bộ có giải pháp gì để khắc phục?

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nói, các thủ tục hành chính, các điều kiện kinh doanh quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật đều có nguyên tắc. Ví dụ, những lĩnh vực liên quan đến quyền và lợi ích trực tiếp của người dân, DN thì phải quy định trong luật; các điều kiện kinh doanh và các thủ tục có liên quan thì tầm văn bản quy phạm pháp luật thấp nhất là Nghị định của Chính phủ.

Quy trình để thực hiện xây dựng, trình ban hành và tổ chức thực hiện một văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có Thông tư, Nghị định, Luật đều được quy định rất chặt chẽ.

Thời gian qua, theo Bộ trưởng Lê Thành Long, chúng ta đã rất cố gắng nhưng trên thực tế vẫn xảy ra tình trạng như đại biểu phản ánh. Việc bỏ sót các điều kiện kinh doanh, đặc biệt là các thủ tục trong một số văn bản quy phạm pháp luật là một thực tế và vẫn phải tiếp tục giải quyết.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, có khá nhiều báo cáo khác nhau của Bộ Tư pháp trong đó có Báo cáo 442 rà soát các quy định của pháp luật liên quan đến các thủ tục đầu tư, kinh doanh, xây dựng… đã nêu về các vấn đề này.

Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp thì Bộ đã kiểm tra văn bản, tuy nhiên thẩm quyền được giao của Bộ Tư pháp chỉ dừng lại ở các Thông tư và các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ, ngành ban hành cũng như một số văn bản quy phạm pháp luật của địa phương.

“Khi chúng tôi phát hiện ra thì chỉ có thẩm quyền xem xét, đề xuất các cơ quan có thẩm quyền xử lý chứ Bộ Tư pháp thì không xử lý”, Bộ trưởng nói.

Về giải pháp, Bộ trưởng Lê Thành Long cho hay, tiếp tục thực hiện các giải pháp, trước hết là cơ chế tự thi hành. Các Bộ, ngành, các chủ thể xây dựng pháp luật nếu thực hiện với trình độ chuyên môn và trách nhiệm phù hợp, chúng ta sẽ hạn chế được tình trạng này.

Thứ hai, tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định về mặt nguyên tắc đã được quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Thứ ba, sự giám sát của công luận, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng cho biết, sẽ tiếp tục cố gắng hơn nữa để hạn chế tình trạng này trong thời gian tới.

Những lĩnh vực cán bộ công chức gây nhũng nhiễu

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (TP Hà Nội) đặt câu hỏi cho Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái: Cán bộ công chức gây nhũng nhiễu nhiều nhất ở lĩnh vực nào, trách nhiệm thuộc về ai, giải pháp nhằm hạn chế tình trạng này?

Trả lời đại biểu, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho rằng, trách nhiệm để xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà người dân, DN trực tiếp là người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Còn lĩnh vực nào thì trong Chỉ thị 10 của Chính phủ về tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, DN trong giải quyết công việc cũng đã nêu rất rõ lĩnh vực, nguyên nhân.

“Có thể nói, những lĩnh vực thường xuyên tiếp xúc với người dân, những lĩnh vực cán bộ, công chức thiếu rèn luyện thì dễ xảy ra tham nhũng, như khu vực dịch vụ công. Những nội dung chi tiết thì trong Chỉ thị 10, Thủ tướng nêu rất đầy đủ, nên tôi xin phép không nhắc lại”, Tổng Thanh tra Chính phủ nói.

Để giảm thiểu tình trạng này, Thanh tra Chính phủ đã đề xuất Thủ tướng ban hành Chỉ thị để chống nhũng nhiễu phiền hà cho người dân, DN trong quá trình giải quyết công việc vào tháng 4-2019.

Sau đó, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc để triển khai. Đồng thời, tham mưu Thủ tướng Chính phủ có Công điện 724 năm 2019 để tăng cường các biện pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ.

Tháng 10 vừa rồi, Thanh tra Chính phủ đã có báo cáo sơ kết 1 năm thực hiện Chỉ thị 10, trong đó có đánh giá trình trạng, giải pháp để tiếp tục thực hiện trong thời gian tới…

Theo chương trình, hôm nay (10-11), Quốc hội tiếp tục họp phiên chất vấn trong buổi sáng và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ đăng đàn, trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/can-bo-cong-chuc-gay-nhung-nhieu-nhieu-nhat-o-linh-vuc-nao-216700.html