Cán bộ cấp cao nêu gương sẽ lan tỏa mạnh trong toàn xã hội

Mục tiêu mà Hội nghị TƯ 8 hướng tới khi bàn về trách nhiệm nêu gương của cán bộ cấp cao, là nó phải diễn ra hàng ngày, hàng giờ, gắn với công việc cụ thể của mỗi người.

H

ội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 khóa XII diễn ra tại Hà Nội từ 2-6/10/2018. Một trong những vấn đề sẽ được thảo luận và thông qua tại Hội nghị đó là Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.

Trao đổi với phóng viên VOV.VN, ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng (Ban Tổ chức Trung ương) nhấn mạnh, vấn đề nêu gương của cán bộ, đảng viên là một trong những nội dung rất quan trọng, đã được Đảng ta xác định là một trong 5 phương thức lãnh đạo của Đảng. Chính vì vậy, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn đặc biệt coi trọng việc rèn luyện, giáo dục, bồi dưỡng, nêu cao vai trò tiền phong gương mẫu của đảng viên.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn, đại ý, một tấm gương sống hơn hàng trăm bài lý luận tuyên truyền sáo rỗng. Điều đó có nghĩa khi cán bộ đảng viên đi đầu nêu gương trước sẽ tạo sức lôi cuốn mạnh mẽ đối với quần chúng. Sinh thời, Người rất chú trọng việc biểu dương tấm gương người tốt việc tốt, bởi từ đó, những việc tốt không chỉ lôi cuốn những người khác làm theo mà còn lan tỏa mạnh mẽ.

PV: Theo ông, vì sao vấn đề nêu gương của cán bộ cấp cao được đặt ra như một vấn đề cấp thiết, hiện nay?

Ông Nguyễn Đức Hà: Trong những năm gần đây, do tác động của mặt trái cơ chế thị trường, mặt trái của hội nhập quốc tế, rồi chiến lược diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch, nên vấn đề bảo vệ đường lối quan điểm của Đảng, bảo vệ Chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh được đặt ra nhằm đấu tranh với những xấu xa, tiêu cực.

Sở dĩ Đảng ta phải nhấn mạnh đến cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, nhất là cán bộ cấp cao bởi đó là những người có tầm ảnh hưởng rộng và mạnh mẽ trong đời sống xã hội. Một cán bộ bình thường là một tấm gương tốt chỉ tác động trong phạm vi hẹp; nhưng là cán bộ lãnh đạo thì phạm vi ảnh hưởng, tác động sẽ rộng, lớn hơn nhiều. Tương tự, cán bộ lãnh đạo cao cấp mà vi phạm khuyết điểm, thậm chí vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước sẽ gây ảnh hưởng mạnh mẽ trong toàn xã hội.

Chính vì vậy, ngay từ khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay, sau đó là Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Ban Bí thư khóa XI đã ban hành Quy định 101 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Gần đây, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống và những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ, Bộ Chính trị khóa XII tiếp tục ban hành Quy định số 55 về một số việc cần phải làm ngay để nêu cao vai trò làm gương ở cán bộ lãnh đạo.

Các quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư được ban hành, các cấp ủy Đảng, tổ chức Đảng, đội ngũ cán bộ đảng viên đã thể hiện trách nhiệm nêu gương của mình cũng đi vào cuộc sống. Quy định 101 của Ban Bí thư nêu rõ: Cán bộ càng cao càng phải nêu gương, ý muốn nói tất cả các cán bộ đảng viên đều phải thể hiện sự nêu gương trước quần chúng để lôi cuốn họ học tập, noi theo.

Trong bối cảnh hiện nay, vấn đề đó càng trở nên cấp thiết, khi Đảng đã nhận định “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức lối sống”. Thậm chí gần đây còn có những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ. Cho nên, vấn đề trách nhiệm nêu gương không chỉ là nhiệm vụ mà còn là trách nhiệm của cán bộ đảng viên.

PV: Việc Hội nghị Trung ương 8 khóa XII chọn vấn đề nêu gương của cán bộ, đảng viên là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng để thảo luận và thông qua có ý nghĩa như thế nào trong tình hình hiện nay?

Ông Nguyễn Đức Hà: Trong rất nhiều nội dung quan trọng mà Trung ương sẽ bàn và thảo luận để đi tới quyết định, có một Đề án về Trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên mà trước hết là các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư và Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương sẽ được trình ra Hội nghị Trung ương 8.

Tại Hội nghị lần thứ 8, Trung ương sẽ thảo luận để đưa ra một Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên nói chung, cán bộ cấp chiến lược nói riêng nhưng trong đó nhấn mạnh trước hết là các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương vì đây chính là những hạt nhân của Đảng, là đội ngũ cán bộ tinh túy và nòng cốt nhất. Một cử chỉ đẹp của các đồng chí này sẽ có tác động, lan tỏa trong toàn Đảng, toàn đất nước và ngược lại, một biểu hiện xấu cũng sẽ ảnh hưởng tới toàn xã hội, toàn đất nước.

Thực tế, Quy định 101 của Ban Bí thư và Quy định 55 của Bộ Chính trị chỉ quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên nói chung chứ không điều chỉnh được đối với các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; chỉ điều chỉnh được các đồng chí này với tư cách là một đảng viên. Do vậy, việc Ban Chấp hành Trung ương phải ban hành Quy định về nêu gương mới điều chỉnh được trách nhiệm nêu gương của các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Chấp hành Trung ương.

Về logic, rõ ràng một văn bản pháp lý mà cấp càng cao ban hành sẽ có hiệu lực mạnh hơn. Ban Bí thư thấp hơn Bộ Chính trị; Bộ Chính trị lại thấp hơn Ban Chấp hành Trung ương; Ban Chấp hành Trung ương lại thấp hơn Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc.

Nếu tới đây Trung ương có ban hành Quy định này thì cũng không thay thế Quy định 101 và Quy định 55. Hai quy định này vẫn còn nguyên giá trị và tiếp tục có hiệu lực. Quy định mới của Ban Chấp hành Trung ương muốn hướng tới đối tượng quan trọng nhất đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư và Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.

Thời gian qua chúng ta đã thấy, một bộ phận cán bộ lãnh đạo quản lý ở các cấp, trong đó có cả cán bộ cấp cao (cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng) đã vi phạm khuyết điểm, thậm chí có người vi phạm cả pháp luật của Nhà nước phải xử lý bằng pháp luật đã tác động rất mạnh đến toàn xã hội, ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của Đảng, Nhà nước.

Chính vì vậy, vừa để khắc phục những hạn chế thời gian qua đồng thời để tiếp tục nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm nêu gương các đồng chí cán bộ lãnh đạo, nhất là cán bộ cấp cao, Hội nghị Trung ương 8 phải thảo luận đề án này và Trung ương phải ban hành một quy định làm thế nào để thực hiện trách nhiệm nêu gương, góp phần nâng cao uy tín của Đảng, vai trò lãnh đạo của Đảng hiện nay.

PV: Theo ông, việc nâng tầm quy định về trách nhiệm nêu gương của Ban Bí thư (Quy định 101) lên thành quy định của Bộ Chính trị (Quy định 55) và tiếp tục tới đây có thể sẽ có Quy định của Ban Chấp hành Trung ương, nói lên điều gì?

Ông Nguyễn Đức Hà: Như trên tôi đã nói, trách nhiệm nêu gương của các cán bộ cấp cao có vai trò rất quan trọng, có tầm ảnh hưởng rộng, tác động mạnh mẽ đến xu thế phát triển của toàn Đảng, toàn dân, toàn xã hội, lôi cuốn quần chúng nhân dân làm theo. Tuy nhiên dù Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có quy định về nêu gương nhưng thực tế vừa qua cho thấy, rất nhiều cán bộ lãnh đạo quản lý chủ chốt các cấp , trong đó có cả cán bộ cấp cao vi phạm khuyết điểm, vi phạm điều lệ đảng, vi phạm pháp luật của Nhà nước phải xử lý. Điều đó cho thấy trách nhiệm nêu gương của các đồng chí lãnh đạo cấp cao chưa tốt, bên cạnh những người làm tốt, gương mẫu, đi đầu.

Chúng ta cũng thấy rằng, bên cạnh các quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, chúng ta còn có các quy định của Trung ương và cả những nội dung được quy định trong Điều lệ Đảng do Đại hội Đảng toàn quốc thông qua, nhưng trong thực tiễn, dù có nhiều cấp ủy, tổ chức Đảng triển khai thực hiện nghiêm túc, vẫn còn có một bộ phận, chỗ này, chỗ kia, cấp này, cấp kia nhận thức chưa thật đầy đủ, sâu sắc; việc lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc cũng chưa được thường xuyên; cho nên việc nêu gương chưa trở thành việc làm thường xuyên, liên tục, chưa thành nền nếp, chưa thành các công việc cụ thể hàng ngày của mỗi cán bộ đảng viên. Mà đây lại là yếu tố quan trọng nhất, nó thể hiện tính tự giác của mỗi cán bộ đảng viên. Mục tiêu mà Quy định của Ban Chấp hành Trung ương hướng tới là sự nêu gương sẽ diễn ra hàng ngày, hàng giờ, gắn với công việc cụ thể của mỗi cán bộ đảng viên, trở thành nét văn hóa trong đời sống của mỗi cán bộ đảng viên.

PV: Theo ông, khi quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ được nâng lên mức cao gần như tuyệt đối như thế (chỉ sau Nghị quyết của Đại hội Đảng) nó sẽ khiến việc thực hiện trách nhiệm nêu gương ở cán bộ lãnh đạo, đặc biệt cán bộ cấp cao đi vào nền nếp, hàng ngày?

Ông Nguyễn Đức Hà: Tôi nghĩ dứt khoát khi Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất ban hành một quy định như thế, rõ ràng tính pháp lý sẽ cao hơn, yêu cầu cao hơn, chắc chắn sẽ có hiệu quả mạnh mẽ hơn so với những quy định trước đây.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Nguồn VOV: http://vov.vn/e-magazine/emagazine-can-bo-cap-cao-neu-guong-se-lan-toa-manh-trong-toan-xa-hoi-820860.vov