Thỏa thuận hậu Brexit: Khó nhưng không phải bất khả thi

Nếu Anh và Liên minh châu Âu không đạt được thỏa thuận, Anh sẽ buộc có mối quan hệ với EU - đối tác thương mại lớn nhất của nước này, theo các điều khoản của WTO.

Đồng bảng Anh đã giảm xuống mức thấp nhất trong 3 tháng với lo ngại viễn cảnh các cuộc đối thoại giữa Anh và Liên minh châu Âu về một thỏa thuận thương mại hậu Brexit sụp đổ. Các giải pháp để tránh tình trạng hỗn loạn khi hai bên không đạt được thỏa thuận đang được lên kế hoạch, nhưng vẫn có những ý kiến lạc quan về khả năng đạt được giải pháp vào phút chót, giống như tiến trình Brexit trắc trở nhiều năm qua.

Nếu không đạt được thỏa thuận, Anh sẽ buộc có mối quan hệ với EU - đối tác thương mại lớn nhất của nước này, theo các điều khoản của WTO.Ảnh: KT

Nếu không đạt được thỏa thuận, Anh sẽ buộc có mối quan hệ với EU - đối tác thương mại lớn nhất của nước này, theo các điều khoản của WTO.Ảnh: KT

Chỉ còn chưa đầy 3 tuần Anh nữa, giai đoạn chuyển giao Brexit sẽ kết thúc. Nếu Anh và Liên minh châu Âu không đạt được thỏa thuận, Anh sẽ buộc có mối quan hệ với EU - đối tác thương mại lớn nhất của nước này, theo các điều khoản của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Điều đó có nghĩa là thuế sẽ được áp đặt lên hàng hóa và sẽ ít có cơ hội hợp tác trong tương lai hơn giữa các ngành công nghiệp dịch vụ. Anh và EU trước đó xác định hạn chót ngày 13/12 để đưa ra quyết định về số phận của thỏa thuận tương lai.

Sau các cuộc đàm phán, hai bên vẫn thừa nhận còn khoảng cách lớn và các điều kiện chưa hội đủ về 3 nội dung cốt lõi là quyền đánh bắt cá, sân chơi bình đẳng và giải quyết tranh chấp.

Thủ tướng Anh Boris Johnson đề cập khả năng cao nước Anh ra khỏi EU không thỏa thuận nhưng cho rằng đây cũng sẽ là cơ hội đối với nước Anh: “Bắt đầu từ ngày 1/1/2021, hãy chắc chắn rằng tất cả các doanh nghiệp, đặc biệt là công ty xuất khẩu sẽ phải thực hiện các thay đổi. Có thách thức nhưng cũng có cơ hội cho các doanh nghiệp Anh , giúp họ có tầm nhìn toàn cầu hơn. Hiện các công ty này thường chỉ có giới hạn ý tưởng trong khuôn khổ thị trường châu Âu và giờ đây phải toàn cầu hóa. Tôi nghĩ có cơ hội lớn cho nước Anh”.

Để chuẩn bị cho khả năng nước Anh chính thức dứt áo ra khỏi Liên minh châu Âu không có thỏa thuận, Thủ tướng Anh hôm qua chủ trì một cuộc họp với Nội các. Báo chí Anh cũng cho biết, các tàu hải quân Hoàng Gia đã sẵn sàng được triển khai từ ngày mùng 1 tháng 1 tới để giúp Anh bảo vệ khu vực đánh bắt cá của mình trong trường hợp hai bên không đạt được thỏa thuận. Na Uy hôm qua cũng cảnh báo sẽ đóng cửa vùng biển đối với tàu cá của EU và Anh nếu một thỏa thuận giữa 3 bên không được ký kết trước ngày 1/1/2021.

Bất chấp cảnh báo nhưng vẫn có nhiều ý kiến lạc quan khi cho rằng, giống như tiến trình Brexit trắc trở nhiều năm qua, hai bên vẫn luôn đạt được thỏa thuận vào phút chót.

Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas cho rằng Thỏa thuận thương mại hậu Brexit là rất khó khăn nhưng không phải không thể: “Chúng tôi tin rằng tìm ra một giải pháp cho các cuộc đối thoại là khó khăn nhưng không phải là bất khả thi. Đó là lý do EU tiếp tục các cuộc đàm phán, miễn là cánh cửa vẫn để mở, dù chỉ là khe cửa hẹp. Tôi cũng xin nhấn mạnh, nếu đàm phán thất bại, Anh và Liên minh châu Âu vẫn là những đối tác và những người bạn”.

Thủ tướng Ireland Micheal Martin cũng bày tỏ hi vọng hai bên sẽ đạt được thỏa thuận vào phút chót. Theo giới chuyên gia kinh tế, việc chính thức dứt áo ra khỏi Liên minh châu Âu không thỏa thuận có thể khiến Vương quốc Anh mất 2% GDP vào năm 2021. Số tiền này có thể lên tới gần 45 tỉ bảng Anh./.

Phạm Hà/VOV1 Tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/thoa-thuan-hau-brexit-kho-nhung-khong-phai-bat-kha-thi-823681.vov