Cán bộ bổ nhiệm 15 ngày bị khởi tố, cần xem lại công tác cán bộ

Việc một cán bộ tại TP HCM bị khởi tố sau khi bổ nhiệm ngót nửa tháng cho thấy có liên quan đến sự bất cập trong công tác quy hoạch cán bộ, kể cả khâu quản lý và đánh giá cán bộ.

Ông Trần Trọng Tuấn (bên phải) nhận quyết định bổ nhiệm làm Phó Chánh Văn phòng Thành ủy TP HCM vào ngày 26/6 vừa qua. (Ảnh: Trang tin điện tử Đảng bộ TP HCM).

Ông Trần Trọng Tuấn (bên phải) nhận quyết định bổ nhiệm làm Phó Chánh Văn phòng Thành ủy TP HCM vào ngày 26/6 vừa qua. (Ảnh: Trang tin điện tử Đảng bộ TP HCM).

Trong số các bị can bị khởi tố cùng với ông Trần Vĩnh Tuyến (Phó Chủ tịch UBND TP HCM, đang bị tạm đình chỉ chức vụ) do liên quan vi phạm trong chuyển nhượng dự án tại Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH-MTV (Sagri), có ông Trần Trọng Tuấn (51 tuổi, quê quán Bình Định) chỉ vừa được bổ nhiệm làm Phó Chánh Văn phòng Thành ủy TP HCM trong 15 ngày.

Như đã thông tin, ông Trần Trọng Tuấn, Bí thư Quận ủy quận 3, TP HCM được điều động, bổ nhiệm giữ chức Phó chánh Văn phòng Thành ủy TP HCM vào ngày 26/6. Thời gian giữ chức vụ là 5 năm.

Trước đó, ông Tuấn từng trải qua các chức vụ, như Phó Chủ tịch UBND quận 4; Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh và Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM. Ông Tuấn cũng chỉ mới giữ chức Bí thư Quận ủy quận 3 từ tháng 4/2019 trước khi được bổ nhiệm vào vị trí Phó Chánh Văn phòng Thành ủy TP HCM.

Như vậy, tính đến ngày 11/7 khi cơ quan tiến hành tố tụng ra quyết định khởi tố do các vi phạm liên quan đến chuyển nhượng dự án tại Sagri thì ông Tuấn mới đảm trách công tác Phó Chánh Văn phòng Thành ủy TP HCM được 15 ngày.

Cũng như ông Trần Vĩnh Tuyến, Thường trực HĐND TP HCM đã quyết định tạm đình chỉ nhiệm vụ đại biểu đối với ông Trần Trọng Tuấn.

Quyết định này căn cứ theo Khoản 2 điều 101 của luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, trong đó quy định trường hợp đại biểu HĐND bị khởi tố bị can thì Thường trực HĐND có quyền tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu đó (bằng quyết định - PV).

Ông Tuấn bị đình chỉ tư cách đại biểu HĐND để phục vụ quá trình điều tra về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí, quy định điều 219 BLHS năm 2015.

Phó Chánh Văn phòng Thành ủy TP HCM bị khởi tố do những hành vi xảy ra trong giai đoạn còn giữ chức vụ Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM. Lúc đó, ông Tuấn đã ký tờ trình tham mưu gửi UBND TP HCM đề nghị cho phép chuyển nhượng dự án phát triển khu nhà ở tại phường Phước Long B, quận 9, TP HCM (gọi tắt là dự án nhà ở Phước Long B, lúc đầu do Sagri làm chủ đầu tư).

Dù dự án có nhiều sai phạm, không đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định nhưng Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM vẫn kiến nghị UBND TP HCM chấp thuận cho Sagri chuyển nhượng dự án này. Cũng từ tờ trình của Sở Xây dựng TP, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP HCM đã ký quyết định chấp thuận cho Sagri chuyển nhượng dự án nêu trên cho Tổng Công ty CP Phong Phú.

Do sai phạm của các ông Trần Vĩnh Tuyến và Trần Trọng Tuấn, đến tháng 7/2019, UBND TP HCM đã có quyết định thu hồi và hủy bỏ quyết định trước đây chấp thuận cho chuyển nhượng dự án phát triển khu nhà ở Phước Long B, trong đó yêu cầu Sagri và Tổng công ty CP Phong Phú phải trả, chuyển giao những gì đã nhận của nhau.

Trước đó, hợp đồng hợp tác đầu tư xây dựng và kinh doanh dự án Phước Long B của hai đơn vị này thống nhất tỷ lệ vốn góp và lợi nhuận được chia theo tỷ lệ SAGRI 28% và Phong Phú là 72%.

Quá trình thanh kiểm tra, Thanh tra TP HCM và Kiểm toán Nhà nước từng xác định việc Sagri chuyển nhượng dự án cho Tổng Công ty Phong Phú với giá khoảng 168,2 tỷ đồng, tương đương khoảng 10,5 triệu đồng/m2 là quá thấp và thấp hơn cả giá chuyển nhượng dự án liền kề tại thời điểm chuyển nhượng dự án (khoảng hơn 29 triệu đồng/m2), gây thiệt hại hàng tỷ đồng cho nhà nước.

Sau đó, Thanh tra TP HCM đã phải kiến nghị UBND TP HCM yêu cầu hủy hợp đồng chuyển nhượng dự án sai phạm tiền tỷ này.

Trước việc ông Trần Trọng Tuấn vừa được bổ nhiệm làm Phó Chánh Văn phòng Thành ủy TP HCM nhậm chức trong 15 ngày đã bị khởi tố, một Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM cho rằng, thực tế này cho thấy có liên quan đến sự bất cập trong công tác quy hoạch cán bộ, kể cả khâu quản lý và đánh giá cán bộ.

Theo vị Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM, trường hợp cán bộ được đào tạo bài bản và bổ nhiệm nhưng lại phát hiện sai phạm ngay sau đó thì rất hiếm gặp trong mấy nhiệm kỳ qua, cả ở cấp Trung ương, lẫn địa phương.

Do đó, bài học kinh nghiệm trước thềm Đại hội XI Đảng bộ TP HCM là lãnh đạo thành phố cần phải xem xét lại công tác quy hoạch cán bộ cho nhiệm kỳ mới của cấp ủy, chính quyền các cấp.

Đồng thời, Thành ủy TP HCM cần phải xem lại cả quy trình, quy định về công tác này của thành phố đã đảm bảo vận dụng đúng quy định của trung ương chưa, tránh “bỏ lọt” cán bộ không đủ đức, đủ tài.

Cũng liên quan đến cán bộ đang đương chức bị khởi tố vào ngày 11/7, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân nêu quan điểm: “Mỗi một kỷ luật của Đảng về cán bộ đều rất đau xót. Tôi đã nói nhiều lần rồi”.

Tuy nhiên, người đứng đầu Đảng bộ TP HCM khẳng định việc một số cán bộ bị bắt không ảnh hưởng tới công tác Đại hội Đảng bộ TP HCM sắp tới. Thời gian qua, quá trình chuẩn bị cho Đại hội Đảng TP HCM đã được tổ chức bài bản, và chuẩn bị cho một quá trình lâu dài và việc một số cán bộ bị khởi tố sẽ không ảnh hưởng đến công tác này.

Lê Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/can-bo-bo-nhiem-15-ngay-bi-bat-can-xem-lai-cong-tac-can-bo-491075.html