Cán bộ 'biết sợ' sẽ có lương cao

Rất có thể việc thi đua ở các cơ quan công quyền, cơ quan hành chính sự nghiệp sẽ qua một trang mới: Không khen thưởng suông bằng tờ giấy khen in sẵn có khung nhựa, mi ca điền tên cán bộ vào và có thể kèm một số tiền tượng trưng.

Sẽ bình bầu và khen thưởng thi đua bằng cách đánh giá mới, đó là quyết định tăng chức, tăng lương, tăng thu nhập. TP. HCM vừa phát đi thông tin sẽ “chấm điểm” công tác của cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) bằng việc đánh giá và phân loại để chi trả thêm thu nhập. TP. HCM được Trung ương cho phép chi trả tiền lương cho CBCCVC cao hơn khoảng 1,8 lần bình quân cả nước do năng suất lao động cao. Thế nhưng không thể tăng lương cả làng, không căn cứ kết quả công việc, ai làm tốt được chi lương cao hơn người làm kém.

Hiện nay, năng suất lao động của TP. HCM cao gấp 2,7 lần cả nước, năng suất lao động của cán bộ công chức cao gấp 1,5 lần cả nước. Tuy nhiên, có một nghịch lý là dù đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của thành phố đang phải làm việc với cường độ, áp lực cao gấp hai lần mức trung bình cả nước, song chế độ đãi ngộ lại chưa tương xứng, từ đó dẫn đến thực trạng thành phố chưa thật sự thu hút được nhiều nhân tài, không ít cán bộ công chức xin nghỉ việc vì thu nhập (lương) không đủ sống…

Một cuộc khảo sát “mi ni” ở TP. HCM của một tờ báo cho thấy, đa phần cán bộ, công chức được hỏi cho rằng, nếu không thay đổi chính sách lương, người giỏi, người làm được việc sẽ ra đi.

Được biết, theo đề nghị của Thành ủy và HĐND TP, UBND TP. HCM có kế hoạch chi trả thu nhập tăng thêm cho CBCCVC từ quý III/2019 theo khung đánh giá mới.

Giới chức thành phố cho biết, cách đánh giá mới chặt chẽ và xác thực hơn về hiệu quả công việc của CBCCVC. Chỉ số đánh giá mới gắn với chỉ số hài lòng của người dân và gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị được chi trả thu nhập tăng thêm. Việc thành phố sửa đổi, bổ sung quy định về đánh giá, phân loại cán bộ nhằm tạo sự thống nhất, công bằng trong đánh giá, phân loại theo hiệu quả công việc.

Thông điệp “cán bộ phải biết sợ, biết lo khi người dân không hài lòng” mà Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Thiện Nhân vừa nêu ra trong một hội nghị gần đây cho thấy việc gắn trách nhiệm với thu nhập của CBCCVC là cần thiết.

Vấn nạn tham nhũng, tiêu cực, nhũng nhiễu người dân của một số cán bộ, đảng viên luôn là chủ đề nóng trong rất nhiều cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau mỗi kỳ họp Quốc hội. Vấn nạn này tuy chưa được đẩy lùi song phải thừa nhận, chưa bao giờ cuộc đấu tranh phòng chống tiêu cực, tham nhũng lại được Đảng, Nhà nước thực hiện quyết liệt như hiện nay. Đã có không ít cán bộ, đảng viên suy thoái, biến chất, kể cả những người từng giữ chức vụ rất cao bị xử lý kỷ luật, thậm chí nhận án tù.

Sử dụng công nghệ hạn chế tối đa sự tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ và người dân, ngăn chặn tình trạng “qua sông, lụy đò”, góp phần ngăn chặn tiêu cực. Và, quyền lực của người dân cũng được thực thi một cách triệt để bằng việc “chấm điểm cán bộ” chỉ bằng một cú nhấp chuột.

Một khi cán bộ biết lo, biết sợ nếu người dân không hài lòng, sẽ biết chuyên tâm làm việc và sẽ có lương cao và góp phần xây dựng một nền hành chính công ngày càng tiên tiến, hiện đại, một đội ngũ công chức ngày càng trong sạch, tận tâm phục vụ nhân dân.

Bảo Dân

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/tam-diem-du-luan/can-bo-biet-so-se-co-luong-cao-305876.html