Cần biết về phụ cấp thâm niên trong lương hưu cho nhà giáo

TP HCM dự kiến có trên 1.000 hồ sơ được hưởng trợ cấp thâm niên nhà giáo theo Nghị định 14/2020/NĐ-CP

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 14/2020/NĐ-CP (có hiệu lực thi hành từ ngày 15-3-2020) quy định chế độ trợ cấp đối với nhà giáo đã nghỉ hưu chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu. Để bạn đọc hiểu rõ hơn về chính sách này, phóng viên Báo Người Lao Động đã trao đổi với ông Phan Văn Mến, Giám đốc BHXH TP HCM.

Đối tượng được hưởng trợ cấp theo Nghị định 14/2020/NĐ-CP là ai, thưa ông?

Ông Phan Văn Mến, Giám đốc BHXH TP HCM

Ông Phan Văn Mến, Giám đốc BHXH TP HCM

- Ông PHAN VĂN MẾN: Các đối tượng được hưởng trợ cấp theo Nghị định 14/2020/NĐ-CP bao gồm: Nhà giáo là giáo viên, giảng viên, cô nuôi dạy trẻ, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, chủ nhiệm nhà trẻ, phó chủ nhiệm nhà trẻ, giám đốc, phó giám đốc, trưởng khoa, phó trưởng khoa, chủ nhiệm khoa, phó chủ nhiệm khoa, trưởng ban, phó trưởng ban, trưởng phòng, phó trưởng phòng, nghỉ hưu khi đang trực tiếp giảng dạy, giáo dục, hướng dẫn thực hành hoặc nghỉ chờ đủ tuổi để hưởng lương hưu và bảo lưu thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu trong khoảng thời gian từ 1-1-1994 đến 31-5-2011 tại các cơ sở giáo dục công lập; nhà giáo nghỉ hưu khi đang trực tiếp giảng dạy, giáo dục hoặc nghỉ chờ đủ tuổi để hưởng lương hưu và được bảo lưu thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu trong khoảng thời gian từ 1-1-1994 đến 31-5-2011 tại cơ sở giáo dục bán công nhưng trước đó được điều động từ các cơ sở giáo dục công lập hoặc tại cơ sở giáo dục bán công do cấp có thẩm quyền chuyển đổi từ cơ sở giáo dục công lập và được xếp lương theo bảng lương của ngạch viên chức ngành giáo dục; nhà giáo làm công tác giảng dạy, giáo dục tại các cơ sở giáo dục công lập được cấp có thẩm quyền cử làm chuyên gia giáo dục ở ngoài nước, khi hết thời gian làm chuyên gia về nước thì nghỉ hưu ngay; nhà giáo nghỉ hưu có thời gian tham gia giảng dạy ở các lớp học được tổ chức tại các đơn vị thanh niên xung phong mà chưa hưởng các chế độ, chính sách của nhà nước dành cho thanh niên xung phong; nhà giáo là quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu sau đó chuyển ngành về công tác giảng dạy, giáo dục tại các cơ sở giáo dục công lập khi nghỉ hưu là giáo viên, giảng viên trong lương hưu có phụ cấp thâm niên lực lượng vũ trang nhưng không có phụ cấp thâm niên nhà giáo.

Thầy Lê Văn Sán, giáo viên Trường Bán công Phan Sào Nam (quận 3, TP HCM), đã nghỉ hưu là đối tượng đủ điều kiện hưởng trợ cấp theo Nghị định 14/2020/NĐ-CP Ảnh: HOÀNG NGUYÊN

Riêng đối với những nhà giáo đã được giải quyết trợ cấp thâm niên nhà giáo theo Quyết định số 52/2013/QĐ-TTg ngày 30-8-2013 của Thủ tướng Chính phủ thì không thuộc đối tượng được giải quyết theo nghị định này.

Điều kiện hưởng và mức hưởng ra sao?

- Nhà giáo được hưởng chế độ trợ cấp khi có đủ các điều kiện sau: Trực tiếp giảng dạy, giáo dục, hướng dẫn thực hành và tham gia đóng BHXH từ 5 năm trở lên; nghỉ hưu trong khoảng thời gian từ 1-1-1994 đến 31-5-2011; đang hưởng lương hưu tại thời điểm ngày 1-1-2012. Trường hợp bị tạm dừng hưởng lương hưu theo quy định của Luật BHXH thì được hưởng trợ cấp sau khi được hưởng lại lương hưu. Mức trợ cấp một lần bằng tiền, được tính theo công thức: Số tiền trợ cấp bằng lương hưu tháng nhân 10% nhân với số năm được tính trợ cấp. Trong đó: Lương hưu tháng là mức lương hưu của tháng tại thời điểm nghị định này có hiệu lực thi hành; số năm được tính trợ cấp là tổng thời gian trực tiếp giảng dạy, giáo dục, hướng dẫn thực hành trong các cơ sở giáo dục, thời gian tham gia giảng dạy ở các lớp học được tổ chức tại các đơn vị thanh niên xung phong, nếu không liên tục thì được cộng dồn, không gồm thời gian đã hưởng phụ cấp thâm niên của lực lượng vũ trang và phụ cấp thâm niên của các ngành khác (nếu có) trong lương hưu.

Trường hợp nhà giáo đủ điều kiện hưởng nhưng đã mất sau ngày 1-1-2012 thì có được giải quyết chế độ không?

- Trường hợp nhà giáo đủ điều kiện hưởng trợ cấp theo quy định tại nghị định này, chưa được giải quyết chế độ mà từ trần từ ngày 1-1-2012 trở về sau thì đại diện theo ủy quyền của thân nhân người từ trần (bao gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, con đẻ, con nuôi của người từ trần) làm hồ sơ và nhận chế độ trợ cấp theo quy định. Người đại diện theo ủy quyền của thân nhân nhà giáo đã từ trần chịu trách nhiệm trước pháp luật về hồ sơ và khoản tiền trợ cấp nhận được.

Thủ tục hưởng gồm những gì? Thời gian giải quyết là bao lâu?

- Đối với nhà giáo đang hưởng lương hưu thì thủ tục bao gồm tờ khai đề nghị hưởng trợ cấp ban hành kèm theo Nghị định này (Mẫu số 01). Đối với nhà giáo đủ điều kiện hưởng trợ cấp, chưa được giải quyết chế độ mà từ trần từ ngày 1-1-2012 trở về sau thì cần có tờ khai đề nghị hưởng trợ cấp của thân nhân, ban hành kèm theo Nghị định này (Mẫu số 02), Bản chụp giấy chứng tử hoặc giấy báo tử hoặc quyết định của tòa án tuyên bố là đã chết (mang theo bản chính để đối chiếu), văn bản ủy quyền theo quy định tại nghị định này (Mẫu số 03). Trường hợp chỉ có một thân nhân thì không cần văn bản ủy quyền.

Thời hạn giải quyết chế độ là 12 ngày làm việc, kể từ ngày cơ quan BHXH huyện, thị xã, TP trực thuộc tỉnh nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị của người đủ điều kiện hưởng trợ cấp theo quy định.

TP HCM dự kiến có bao nhiêu trường hợp được hưởng chính sách này và BHXH TP đã triển khai việc chi trả chế độ như thế nào?

- Thực hiện Công văn số 778/BHXH-CSXH ngày 11-3-2020 của BHXH Việt Nam, từ ngày 15-3-2020, BHXH TP đã tổ chức triển khai hướng dẫn tiếp nhận hồ sơ nhà giáo theo Nghị định 14/2020/NĐ-CP tại BHXH các quận, huyện. Các đối tượng đủ điều kiện hưởng có thể liên hệ BHXH quận, huyện nơi sinh sống để được hướng dẫn các thủ tục cần thiết. Dự kiến, TP HCM có trên 1.000 hồ sơ được hưởng trợ cấp thâm niên nhà giáo theo nghị định này.

MAI CHI thực hiện

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/can-biet-ve-phu-cap-tham-nien-trong-luong-huu-cho-nha-giao-20200402213329489.htm