Căn bệnh thầm lặng: Loãng xương

Loãng xương hầu như không có biểu hiện nào đặc biệt để người bệnh có thể nhận biết được. Loãng xương tiến triển âm thầm, đa số phát hiện khi gãy xương do chấn thương nhẹ (như gãy xương cổ tay khi chống tay, gãy cổ xương đùi hay gãy lún cột sống do trượt chân…), hoặc có thể phát hiện tình cờ khi chụp X - quang.

Một khảo sát năm 2000 tại Bệnh Viện Phụ sản Từ Dũ, TPHCM, khi đo mật độ xương của 1.530 phụ nữ tuổi từ 24-94 tuổi cho thấy: có tới 91,3% phụ nữ trên 55 tuổi thể tạng gầy ốm và có chiều cao lùn đi có biểu hiện của loãng xương. Tình trạng này không được phát hiện sẽ dẫn đến gãy xương, làm tăng chi phí điều trị và giảm chất lượng cuộc sống, có thể dẫn tới tàn phế. Ngay cả ở Mỹ, gần nửa số bệnh nhân gãy cổ xương đùi do loãng xương sẽ chết trong năm đầu tiên do các biến chứng nặng nề của gãy xương.

Những đối tượng dễ bị loãng xương

Loãng xương là tình trạng khối xương của cơ thể bị giảm thấp, trở nên mỏng mảnh, dễ gãy. Từ khi sinh ra đến lúc trưởng thành, khối lượng xương liên tục gia tăng, tế bào tạo xương chiếm ưu thế hơn tế bào hủy xương. Nhưng sau 25 tuổi, khối lượng xương sẽ giảm trung bình 0,5-2% mỗi năm do xương mất đi nhiều hơn tạo mới. Như vậy, loãng xương là một diễn tiến tự nhiên của tuổi già.

Những người dễ bị loãng xương, gồm: người cao tuổi và phụ nữ thường bị nhiều hơn nam giới. Đặc biệt liên quan tới thiếu hụt nội tiết tố nữ estrogen, gặp ở phụ nữ mãn kinh hoặc mãn kinh sớm (tự phát hay do cắt 2 buồng trứng). Một yếu tố khác do chủng tộc người da trắng, người phương đông; tiền căn gia đình có người bị loãng xương. Do tình trạng dinh dưỡng: thể trạng gầy ốm, BMI < 18,5 kg/m2. Ngoài ra, những thói quen ăn uống cũng làm ảnh hưởng đến khối lượng xương: Khẩu phần thiếu canxi và vitamin D; ăn nhiều muối, nhiều đạm, quá nhiều chất xơ; uống nhiều rượu, cà phê; hút thuốc lá; thói quen ít vận động, ít tập thể dục.

Bên cạnh đó, bệnh lý hay thuốc ảnh hưởng đến chuyển hóa calci và xương không dung nạp lactose. Người mắc các bệnh như: cắt dạ dày-ruột, kém hấp thu, suy thận, tiểu đường, cường giáp, cường tuyến cận giáp, viêm khớp dạng thấp, bệnh nặng phải nuôi ăn tĩnh mạch kéo dài. Dùng những thuốc như: corticosteroids, những thuốc kháng axit có phosphate, hormon giáp liều cao, heparin, dùng tetracyclin kéo dài.

Phát hiện và phòng ngừa

Các dấu hiệu sớm ban đầu có thể là đau mỏi mơ hồ ở vùng xương chịu tải (cột sống, thắt lưng, chậu hông), đau âm ỉ hoặc đau nhiều khi va chạm, đau dọc các xương dài (đặc biệt xương cẳng chân), đau mỏi cơ bắp, hay bị chuột rút các cơ, đau tăng khi đi lại, vận động, đứng ngồi lâu. Ở người cao tuổi thường kèm thấy gù lưng hay giảm chiều cao.

Hiện nay có nhiều biện pháp cận lâm sàng để giúp chẩn đoán loãng xương, đo mật độ xương qua siêu âm là biện pháp dễ làm, nhạy bén thường được sử dụng để phát hiện sớm loãng xương. Nhưng 2 biện pháp có độ chính xác cao hơn là chụp X quang Dexa ở 3 vị trí khớp háng, cột sống và cẳng tay (DXA) hay Osteogram - một phần mềm dùng hình X quang để đo độ hấp thu tia X của xương, từ đó suy ra tỷ trọng khoáng xương.

Để phòng ngừa căn bệnh phải thực hiện ngay từ khi còn trẻ để đạt được tối đa khối lượng xương, và giảm tốc độ mất xương khi về già. Về chế độ ăn uống: Duy trì cân nặng thích hợp BMI 21 kg/m2. Đảm bảo nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng cần thiết. Cung cấp đủ nhu cầu canxi theo tuổi: Trẻ 10-19 tuổi cần 1.000 mg/ngày, người lớn 20-69 tuổi cần 800-900mg/ngày, trên 70 tuổi cần 1.000 mg/ngày. Sữa và các chế phẩm từ sữa là nguồn cung cấp canxi tốt và dễ hấp thu nhất do có đường lactose và tỷ lệ canxi, phosphos hợp lý. Vì vậy nên duy trì uống 1-2 ly sữa hay yaourt hàng ngày, có thể dùng sữa không đường, sữa tách béo nếu đã có thừa cân, béo phì.

Bổ sung nguồn thực phẩm giàu canxin. Cung cấp đủ vitamin D 400 UI/ngày. Vitamin D là thành phần quan trọng nhất giúp điều hòa tương quan hợp lý giữa canxi và phosphos trong máu, giúp tăng hấp thu canxi ở ruột. Phơi nắng sáng 15-20 phút/ngày là biện pháp hữu hiệu và rẻ tiền giúp da tổng hợp vitamin D cho cơ thể.

Mỗi ngày nên ăn khoảng 300g rau và 200g trái cây, chúng cung cấp các vitamin B, C, E và các khoáng chất giúp phòng chống các bệnh tim mạch, xương khớp và ung thư. Nhưng cũng không nên ăn quá nhiều vì phần dư sẽ kết hợp với canxi tạo thành những liên kết không hòa tan và tăng thải canxi theo phân.

Ăn đủ thức ăn giàu đạm, nên cân đối giữa đạm động vật và đạm thực vật. Ở người lớn tuổi càng nên ăn tăng đạm thực vật, vì hệ tiêu hóa hoạt động kém dần. Hạn chế nêm đường và mắm muối khi nấu, không ăn nhiều thực phẩm mặn như các loại mắm, đồ muối khô, dưa cà muối, các thức ăn chế biến sẵn như mì ăn liền, giò chả, lạp xưởng, đồ hộp…

Vận động giúp tăng cường sức dẻo dai, tăng sự phối hợp giữa các cơ, tăng sự tự tin, giúp người già linh hoạt hơn và đỡ té ngã. Tạo môi trường sống an toàn, ánh sáng đủ, sàn nhà không trơn trượt, không có những vật cản trên lối đi. Di chuyển, làm việc trong tư thế đúng, tránh cúi gập quá mức. Tránh các thuốc ngủ, thuốc an thần có tác dụng kéo dài. Tránh điều trị tăng huyết áp quá mức. Sử dụng các dụng cụ nâng đỡ hông, gậy…

BS CK1 Phan Thị Hiền Thu, Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/suc-khoe/can-benh-tham-lang-loang-xuong-69011.html