Căn bệnh rất hay gặp ở trẻ nhỏ 3 tháng sau sinh, cha mẹ cần cảnh giác

Chàm da hay còn gọi là viêm da cơ địa, là một trong vấn đề về da thường gặp ở trẻ em với những triệu chứng điển hình như các thương tổn da khô đi kèm với ngứa, hay gặp nhất là trong giai đoạn 3 tháng sau sinh và kéo dài tới khi trẻ được 5 tuổi.

Tuy nhiên có những trường hợp bệnh tái đi tái lại nhiều lần cho đến khi trưởng thành, gây nhiều bất tiện và ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe và tâm lý.

BSCKII. Nguyễn Thị Thanh Thùy - Trưởng Khoa Điều trị bệnh da phụ nữ và trẻ em, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, làn da có vai trò rất quan trọng đối với cơ thể. Da có nhiều chức năng khác nhau như bảo vệ cơ thể chống lại tác nhân xâm nhập từ bên ngoài, chức năng bài tiết nhiệt, hấp thụ chuyển hóa, tác dụng miễn dịch, trong đó điều hòa nhiệt là một vai trò rất quan trọng.

Khi cơ thể gặp thời tiết nóng hoặc có yếu tố viêm thì da bốc hơi nước và giãn mạch. Việc này giúp da được tỏa nhiệt bằng tăng tiết mồ hôi để thoát nhiệt… Nhờ cơ chế như vậy cơ thể có nhiệt độ bình thường.

Cũng theo BS. Thùy, làn da ở trẻ nhỏ rất nhạy cảm. Da em bé khác người lớn vì mỏng manh dễ bị tổn thương. Sự bài tiết mồ hôi hô hấp qua da ở trẻ nhiều hơn so với người lớn.

Đặc biệt trẻ sơ sinh tuyến mồ hôi chưa phát triển nhiều nên da thay đổi theo nhiệt độ dễ bị nóng quá hoặc lạnh quá, việc chăm sóc da trẻ nhỏ là rất quan trọng, đặc biệt là trong thời tiết nắng nóng, oi bức.

Tình trạng trẻ bị viêm da cơ địa nặng nề hơn sau khi cha mẹ tự cho con tắm các loại lá theo dân gian.

Tình trạng trẻ bị viêm da cơ địa nặng nề hơn sau khi cha mẹ tự cho con tắm các loại lá theo dân gian.

Triệu chứng điển hình của viêm da cơ địa

Chuyên gia da liễu Nguyễn Thị Thanh Thùy cũng cho rằng, chàm da hay còn gọi là viêm da cơ địa, là một trong vấn đề về da thường gặp ở trẻ em. Đây là bệnh da mãn tính, hay tái phát, có tính chất môi trường, gia đình, biểu hiện ở nhiều giai đoạn:

- Giai đoạn cấp tính: Da trẻ xuất hiện mụn nước, sau giai đoạn này tổn thương tiết dịch hoặc bội nhiễm. Những tổn thương nông thì thường không để lại sẹo tổn còn với tổn thương sâu sẽ khó chăm sóc và phục hồi lâu. Vị trí hay gặp ở má, cằm, chán và có thể lan ra khắp cơ thể.

- Giải đoạn bán cấp: Vấn có mụn nước nhưng phù nề thì đỡ hơn

- Giai đoạn mãn tính: Làn da da dày lên, làm tổn thương dầy và ngứa, hay gặp ở khoeo, khỉu, cẳng tay, cẳng chân.

Ngoài ra triệu chứng điển hình của bệnh là da khô, rất ngứa, có thể kèm bệnh lý khác như dày sừng nang lông, vảy cá.

"Làn da của trẻ mỏng manh và có độ đàn hồi kém nên mùa hay gặp nhất của bệnh là mùa thu đông hoặc những khoảng thời gian giao mùa bởi da của trẻ chưa thích ứng được với sự thay đổi của thời tiết"- BS. Thùy thông tin.

Lưu ý yếu tố môi trường và gia đình

Hiện nay, nguyên nhân gây bệnh chàm da ở trẻ chưa được chứng minh rõ ràng nhưng các chuyên gia cho rằng bệnh này có yếu tố môi trường và gia đình.

- Gia đình: Cơ địa gia đình có tiền sử dị ứng, viêm mũi dị ứng, hoặc bệnh viêm da cơ địa ở người lớn. Nếu trong một gia đình bố mẹ có tiền sử bệnh thì khả năng di truyền cho con 60%, còn cả bố mẹ bị thì 80%.

- Môi trường: Thời tiết ảnh hưởng nhiều đến bệnh viêm da cơ địa, bệnh hay gặp ở mùa thu đông, ngoài ra yếu tố môi trường khác như do các loại côn trùng, bọ, bụi nhà, hoặc dị ứng thức ăn.

Viêm da cơ địa vùng chân ở trẻ lớn.

Chăm sóc trẻ viêm da cơ địa thế nào?

BSCKII. Nguyễn Thị Thanh Thùy cho hay, việc điều trị cho trẻ mắc viêm da cơ địa cần sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và bác sĩ vì mỗi giai đoạn khác nhau có cách chăm sóc khác nhau, có thể là điều trị tại chỗ hoặc có lúc điều trị toàn thân.

Nguyên tắc điều trị là duy trì độ ẩm cho da, bất kể mọi lúc. Ngoài ra tránh mặc quần áo có chất liệu len, da vì khi tiếp xúc trực tiếp với da sẽ gây kích thích, nên mặc đồ cốt tông, sử dụng các loại sữa tắm có độ PH phù hợp với da.

Bên cạnh đó, tùy từng giai đoạn bệnh mà có cách điều trị khác nhau,: làm dịu tổn thương da bằng cách sử dụng kem dưỡng ẩm vừa tăng độ ẩm cho da và giúp cho da đỡ ngứa, có thể dùng thuốc bôi có chứa corticoid và kháng sinh hoặc kháng histamin tùy theo mức độ của bệnh và điều quan trọng là cần có chỉ định của bác sĩ để sử dụng thuốc đúng cách.

Không tự ý sử dụng thuốc chứa corticoid

Nhiều cha mẹ thấy con khi gặp vấn đề về da thì ra hiệu thuốc và tự ý mua thuốc về bôi, khi bôi những loại thuốc có chứa thành phần Corticoid cảm thấy rất nhanh khỏi và lần sau lại bôi như thế.

Về vấn đề này, bác sĩ đặc biệt lưu ý, corticoid là nhóm thuốc được chỉ định trong nhiều bệnh lý khác nhau do có tác dụng chống viêm, chống dị ứng, ức chế miễn dịch.

Để sử dụng thuốc có corticoid cần có sự chỉ định và theo dõi từ bác sĩ, nếu không có thể gặp các tác dụng phụ rất nguy hiểm như: bệnh nhân biểu hiện mặt to, chán ăn, gầy sút. Nếu dùng nhiều thì ức chế tuyến thượng thận hoặc suy tuyến thượng thận. Khi sử dụng liều cao thì suy gây ra tình trạng bụng to, mạch máu rõ, tay chân teo nhỏ, mệt mỏi gầy sút, huyết áp hạ, làm giữ nước và muối gây ra tình trạng bệnh lý khác như đái tháo đường, loãng xương, đục thủy tinh thể, gây hoại tử vô khuẩn ở chỏm xương, em bé gái kinh nguyệt sớm…

Đó là hậu quả do Corticoid để lại, do đó tuyệt đối không nên lạm dụng. Tốt nhất là cần có sự tham khảo ý kiến của bác sĩ.

Dương Hải

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cham-da-tre-nho-cach-cham-soc-dieu-tri-phong-ngua-n188409.html