Căn bệnh 'quái' khiến người đàn ông cao 2m42 lấy vợ 19 năm không có con

Căn bệnh quái lạ khiến người đàn ông trở nên khổng lồ với chiều cao 2m42, dù đã kết hôn 19 năm nhưng cho đến nay vẫn chưa có con.

Bên cạnh gương mặt xinh đẹp, chiều cao cũng là một vấn đề nhiều người ao ước. Tuy nhiên, khi sở hữu chiều cao quá 'khủng" sẽ không những bất tiện mà còn gây ra nhiều rắc rối trong cuộc sống.

Đó là câu chuyện của người đàn ông có tên Trương Tuấn Tài ở Trung Quốc khi sở hữu chiều cao “ngoại cỡ” lên đến 2m42. Sinh năm 1966, ông Trương từ nhỏ vóc dáng đã vượt trội hơn các bạn cùng tuổi. Đặc biệt là khi lên 16 tuổi, chiều cao của ông đã lên gần 2 mét, ông được kết nạp vào đội bóng rổ của một trường thể thao lớn.

Nhưng mọi việc không chỉ có vậy, theo năm tháng chiều cao của ông Trương không ngừng tăng lên, năm 22 tuổi đã là 2m12. Cho đến khi 26 tuổi, ông được trao danh hiệu "Người đàn ông cao nhất châu Á" của Sách kỷ lục Thế giới Guinness ở chiều cao 2m37.

Ngược lại với chiều không ngừng tăng lên là sức khỏe ngày càng đi xuống, sau đó ít lâu, ông Trương thường xuyên bị đau đầu, cơ thể lúc nào cũng mệt mỏi. Nhận thấy cơ thể ngày càng kỳ lạ ông Trương quyết định đến gặp bác sĩ. Sau khi được kiểm tra kỹ lưỡng, các bác sĩ chẩn đoán ông có một khối u ở tuyến yên - nằm ở vỏ não.

Trương Tuấn Tài - người đàn ông có chiều cao khủng 2m42

Bác sĩ cũng cho biết, đây chính là nguyên nhân khiến ông Trương có chiều cao vượt xa người bình thường. Khối u trong tuyến yên tiết ra lượng hormone cao bất thường gây ra rất nhiều hệ lụy nghiêm trọng trong đó có một bệnh là Acromegaly - hay còn gọi là bệnh khổng lồ.

Nguyên nhân gây bệnh khổng lồ là do tuyến yên tạo ra quá nhiều hormone tăng trưởng GH - đóng một vai trò “quản lý” tăng trưởng thể chất. Nếu tuyến yên sản sinh quá nhiều GH sẽ phát sinh tình trạng phát triển bất thường của các mô mềm và xương.

Mặc dù phần lớn khối u tuyến yên là u lành tính, nhưng nếu không được chẩn đoán sớm nó có thể phát triển phì đại làm giảm thị lực và chèn ép não và tuyến yên. Ông Trương đã được chỉ định thực hiện phẫu thuật cắt bỏ khối u. Sau cuộc phẫu thuật, sức khỏe ông Trương đã dần hồi phục, chiều cao cũng không tăng thêm nữa, dừng hẳn ở 2m42.

Chiều cao khủng không giúp ông Trương thấy hạnh phúc mà mang lại vô vàn bất tiện. Ông thường xuyên là tâm điểm chú ý mỗi khi xuất hiện, khi di chuyển bằng xe ô tô hay tàu điện ngầm cũng rất vất vả. Đỉnh điểm là khi ông Trương muốn kết hôn, vợ của ông là một người phụ nữ bình thường với chiều cao 1m65, thấp hơn ông 77cm.

Khi đứng cạnh nhau, hai vợ chồng ông tạo nên sự chênh lệch chiều cao rất lớn. Nhưng bất ngờ là dù sống hạnh phúc với nhau 19 năm nhưng hai người vẫn chưa có một mụn con.

Các chuyên gia cho biết, lượng hormones gây ra hội chứng người khổng lồ được tiết ra quá nhiều có thể đã dẫn tới việc suy giảm các hormones khác như testosterone khiến tinh hoàn không phát triển. Đây chính là nguyên nhân làm ông không thể có con.

Ông Trương và vợ gặp nhau trong một chương trình truyền hình ghép đôi (đứng giữa)

Chia sẻ với báo chí, ông Trương nói rằng: “Đối với gia đình hai bên, vợ tôi đã phải chịu nhiều áp lực. Vì vậy, tôi không muốn ép bà ấy. Chỉ cần chúng tôi sống hạnh phúc bên nhau là đủ!”.

Trên thế giới cũng có rất nhiều trường hợp "người khổng lồ" được Sách Kỷ lục Guinness ghi nhận. Những tưởng rằng các nhân vật đó chỉ tồn tại ở nước ngoài nhưng ngay tại Việt Nam cũng có.

Ông Trần Thành Phố sinh năm 1947 có chiều cao lên tới hơn 2,28m, nặng 115kg

Bạn Dương Tiến Đ. có chiều cao 2m3 khi mới 21 tuổi ở Long Khánh, Đồng Nai

Nguyên nhân gây bệnh khổng lồ

Nguyên nhân chính gây ra khổng lồ là do khối u lành tính trong tuyến yên gây nên. Khối u có thể khiến lượng hormone tiết ra bị rối loạn, tăng cao hơn lượng cơ thể cần gây nên những biến đổi rõ rệt trên cơ thể. Vì vậy khi ông Trương cắt bỏ khối u tuyến yên, chiều cao của ông đã cố định ở mức 2m42 chứ không tiếp tục phát triển.

Một yếu tố gây nguy cơ khác cũng là do bố mẹ mắc bệnh về gen hoặc các bệnh khác gây ảnh hưởng đến chức năng của da, tim, não hoặc hệ hormone.

Triệu chứng của bệnh khổng lồ

Bạn có thể phát hiện bệnh khổng lồ bằng cách quan sát các dấu hiệu trong quá trình phát triển của trẻ như:

- Con bạn cao lớn hơn những đứa trẻ cùng tuổi.

- Bàn tay và bàn chân rất lớn.

- Ngón tay và ngón chân dày.

- Trán và hàm nhô ra.

- Đặc điểm gương mặt thô.

- Mũi phẳng.

- Đầu, môi, lưỡi lớn.

Trong trường hợp bệnh kéo dài, bệnh khổng lồ nếu không được điều trị sẽ có những tình trạng nghiêm trọng như tăng huyết áp, đái tháo đường và bệnh tim.

An An (Dịch theo Sina)

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/suc-khoe-24h/can-benh-nguo-khong-lo-khien-nguoi-dan-ong-cao-2m42-lay-vo-19-nam-van-khong-co-con-476826.html