Căn bệnh mang tên của vị BS Nhật nguy hiểm như thế nào?

Kawasaki là bệnh lý của trẻ em được bác sĩ cùng tên người Nhật tìm ra. Kawasaki là một bệnh sốt và phát ban cấp tính, thường gặp ở trẻ lứa tuổi nhũ nhi và dưới 5 tuổi.

Căn bệnh chỉ gặp ở trẻ nhỏ

Bác sĩ người Nhật Tomisaku Kawasaki, người từng phát hiện căn bệnh lạ - hội chứng viêm hiếm gặp ở trẻ em mà sau này được đặt theo tên ông là bệnh Kawasaki, vừa qua đời ở tuổi 95 ở Tokyo.

BS Trương Hữu Khanh – trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM, cho rằng bệnh Kawasaki trước đây là bệnh hiếm nhưng hiện tại các bác sĩ Việt đã quen bệnh này. Đây là một bệnh sốt và phát ban cấp tính, thường gặp ở trẻ lứa tuổi nhũ nhi và dưới 5 tuổi. Là một hội chứng viêm lan tỏa hệ thống mạch máu vừa và nhỏ, dễ gây các tổn thương phình hoặc tắc nghẽn động mạch vành (mạch máu nuôi tim) và cũng là một trong những nguyên nhân của đột tử hoặc suy mạch vành mạn tính ở trẻ em.

BS Khanh cho biết bệnh Kawasaki có triệu chứng rất đặc trưng của nhiễm trùng và dị ứng, chủ yếu là: sốt cao liên tục trên một tuần, điều trị bằng kháng sinh không đỡ; hai mắt sưng đỏ (viêm kết mạc củng mạc); có biến đổi ở khoang miệng: môi đỏ, lưỡi đỏ, miệng bong rộp, loét.

Các biến đổi ở đầu chi như đỏ tím bàn tay, bàn chân, phù nề mu bàn tay, mu bàn chân, bong da ở đầu ngón vào tuần thứ 2, thứ 3, phát ban đỏ đa dạng toàn thân; nổi hạch ở cổ và góc hàm.

Căn bệnh mang tên của vị BS Nhật nguy hiểm như thế nào?

Căn bệnh mang tên của vị BS Nhật nguy hiểm như thế nào?

Tổn thương tim mạch (thường sau 2-3 tuần): trẻ có dấu hiệu loạn nhịp tim, viêm cơ tim có thể gây suy tim, dịch tràn màng ngoài tim, phình, giãn động mạch vành tim; ngoài ra có một số triệu chứng không điển hình khác, như: rối loạn tiêu hóa (nôn mửa, tiêu chảy…); sưng đau các khớp; viêm phế quản-phổi; giãn túi mật. Xét nghiệm thấy tốc độ máu lắng cao, bạch cầu tăng, tiểu cầu tăng…

Nếu trẻ được điều trị muộn sẽ có biến chứng nguy hiểm là tổn thương mạch vành, giãn mạch vành, tắc mạch vành làm máu đi nuôi tim không đủ, sau này sẽ gây thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim, nguy hiểm tính mạng cho trẻ. Nếu trẻ được điều trị trước 10 ngày thì có thể phòng ngừa được biến chứng này. Biến chứng này chiếm tỉ lệ khoảng 25% các trường hợp, trung bình bốn trẻ thì có một trẻ gặp biến chứng nếu không phát hiện sớm và điều trị.

BS Khanh cũng cho biết bệnh này chưa rõ nguyên nhân. Bệnh Kawasaki không dễ bị và số trẻ bệnh không nhiều như các bệnh bé thường gặp. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh này khi có cùng lúc nhiều triệu chứng như sốt cao liên tục từ 5 ngày trở lên và trẻ có biểu hiện nổi ban, lưỡi đỏ, môi đỏ, da lòng bàn tay bàn chân đỏ, nhiều khi bong da, phù, nổi hạch ở cổ.

Nếu chỉ có 1 triệu chứng trên thì không phải, chỉ sốt mà không có ban, sốt xong hết sốt ra ban thì không phải. Bệnh này lo nhất là làm bé giãn mạch vành sau này…

Kawasaki và dịch Covid-19

Thời gian qua, bệnh Kawasaki gây chú ý dư luận vì có những giả thuyết cho rằng căn bệnh này có liên quan tới virus corona chủng mới. Một số nước châu Âu và Mỹ đã ghi nhận trẻ bị Covid-19 có những biến chứng viêm tương tự bệnh Kawasaki và một số em đã tử vong.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, các y bác sỹ trên khắp thế giới được yêu cầu cảnh giác với hội chứng Kawasaki..

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) đặt tại Thụy Điển cũng từng cảnh báo, một hội chứng viêm đe dọa tới tính mạng có liên quan tới dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đã ảnh hưởng tới 230 trẻ em ở châu Âu, trong đó có hai em đã tử vong tính tới thời điểm này trong năm.

Hội chứng được biết đến với tên gọi Hội chứng viêm đa hệ ở trẻ em (PIMS) có triệu chứng giống với sốc do trúng độc và bệnh Kawasaki gồm sốt, phát ban, sưng hạch và viêm cơ tim trong một số ca nặng..

Trước đó, một bé trai 9 tuổi ở Pháp đã tử vong do hội chứng viêm hiếm gặp giống với bệnh viêm máu cấp tính Kawasaki được cho là có liên quan đến virus gây bệnh Covid-19. Đây là ca tử vong đầu tiên tại Pháp có nguyên nhân tương tự một số ca tử vong tại Mỹ, Anh.

Khánh Chi

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/khoe-dep/can-benh-mang-ten-cua-vi-bs-nhat-nguy-hiem-nhu-the-nao-254947.html