Căn bệnh kinh hoàng được đặt tên theo tiếng kêu khóc người trúng độc

Toyama là một tỉnh ở miền Trung Nhật Bản, một mặt giáp biển, một mặt giáp dãy Tateyama, lại có dòng sông Jinzu chảy quanh.

Khoảng 30% đất của tỉnh là rừng tự nhiên. Môi trường nhiều cây cối bao quanh đã khiến Toyama trở thành một trong những nơi đáng sống nhất Nhật Bản. Nhưng ít người biết được rằng đây cũng chính là tỉnh từng có một quá khứ buồn, là nơi chứng kiến sự hoành hành của căn bệnh có tên “itai-itai”.

Một nạn nhân bị bệnh itai-itai.

Một nạn nhân bị bệnh itai-itai.

Căn bệnh lạ

Căn bệnh lạ nói trên xuất hiện ở khu vực hạ lưu sông Jinzu thuộc tỉnh Toyama của Nhật vào khoảng năm 1912 và được người dân địa phương gọi là “itai-itai byo” (“itai” là từ mà người Nhật nói khi miêu tả sự đau đớn còn “byo” có nghĩa là bệnh).

Tên của căn bệnh này được lấy luôn từ tiếng la hét của bệnh nhân khi bị bệnh hành hạ để cho thấy rõ mức độ đau đớn mà người bệnh phải gánh chịu. Phụ nữ là những người bị mắc bệnh nhiều nhất với những triệu chứng như đau toàn thân, đặc biệt là đau cột sống và chân. Với những trường hợp bệnh nặng, người bệnh có thể bị gãy xương khi cố tự đi lại. Một số người cũng bị ho, thiếu máu và suy thận, dẫn tới tử vong.

Năm 1912, căn bệnh lạ nói trên bắt đầu xuất hiện rải rác nên người ta không chú ý nhiều lắm. Tuy nhiên, chỉ ít lâu sau đó, số người bị bệnh tăng lên nhanh chóng. Bệnh khiến nạn nhân gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt, thường xuyên bị những cơn đau hành hạ đến mức không chịu được phải khóc thét lên.

Đến năm 1946, người ta vẫn chưa hiểu rõ nguyên nhân gây bệnh và vẫn chỉ nghĩ đó đơn giản là một căn bệnh mang tính chất khu vực hay một căn bệnh do vi khuẩn gây ra. Đặc biệt, có khoảng 200 phụ nữ sống ở khu vực lưu vực sông Jinzu vào những năm 1940 sinh con bị tàn tật, trong đó có nhiều người có nhiều con cùng bị bệnh.

Đến những năm 1940 - 1950, các nhà khoa học đã tiến hành một số xét nghiệm y khoa nhằm xác định nguyên nhân gây bệnh nhưng không ra. Ban đầu, họ cho rằng đây là bệnh do nhiễm độc chì do chì từ thượng nguồn chảy xuống gây ra. Năm 1955, cụm từ “itai-itai” bắt đầu trở nên phổ biến trong người dân Nhật Bản khi số người bị bệnh tăng cao.

Tên căn bệnh được lấy theo tiếng kêu khóc của bệnh nhân như đã nói trên. Đến năm 1956, sau những nghiên cứu ban đầu, bác sỹ Noboru Hagino cho rằng bệnh “itai-itai” thực chất là một biểu hiện của chứng giòn xương hay loãng xương do chế độ dinh dưỡng.

Dù vậy nhưng chính bác sỹ này đã nhanh chóng bác bỏ giả thuyết trên khi thực tế cho thấy bệnh bùng phát tập trung chủ yếu ở một khu vực nhỏ dọc lưu vực sông Jinzu. Sau cùng, từ việc xem xét các triệu chứng của người bệnh cũng như hoạt động khai thác mỏ ở địa phương, bác sỹ Hagino cho rằng bệnh itai-itai là một bệnh do nhiễm độc chì do các kim lại nặng như kẽm và chì có trong nước sông Jinzu gây ra.

Tội ác của những kẻ khai thác mỏ

Tại thời điểm xuất hiện các căn bệnh trên, tỉnh Toyama đã ghi nhận tình trạng ô nhiễm do việc khai thác mỏ ở mỏ Kamioka thuộc tỉnh Gifu ở đầu nguồn sông Zinzu. Theo các ghi chép, việc khai thác vàng ở mỏ này bắt đầu từ năm 710. Trong thời kỳ Chiến tranh Nga – Nhật và Thế chiến I, nhu cầu với các mặt hàng kim loại tăng cao cộng với việc các công nghệ khai thác mới được đưa từ châu Âu sang nhiều, đã làm gia tăng sản lượng khai thác ở Kamioka, bao gồm cả việc khai thác vàng, đồng, kẽm... Kamioka ở thời kỳ đó được xếp trong nhóm những mỏ khai thác lớn nhất thế giới.

Thực ra, ngay trong thời kỳ 1700 – 1850, do hoạt động khai thác mỏ ở thượng nguồn nên nguồn nước sinh hoạt và nước phục vụ nông nghiệp trên sông Jinzu cũng đã bị ô nhiễm. Tình hình trở nên tồi tệ hơn vào khoảng năm 1890. Để trấn an sự lo ngại từ người dân, năm 1893, Công ty khai thác mỏ Mitsui (công ty quản lý mỏ Kamioka) bắt đầu sử dụng một loại hóa chất để loại bỏ chì trong khói bụi do hoạt động khai thác mỏ tạo ra.

Đến năm 1911, họ lại xây dựng một nhà máy tách quặng và tăng sản lượng sản xuất, đồng thời xả các chất thải cả lỏng cả rắn trong quá trình hoạt động của nhà máy ra sông Takahara, thượng nguồn sông Jinzu. Nước xả thải do nhà máy xả ra có chứa hàm lượng lớn những kim loại nặng độc hại.

Lượng nước xả có chứa cadmium được xả thẳng xuống sông Jinzu và các nhánh của nó tỉ lệ thuận với sản lượng khai thác ở thượng nguồn, khiến nguồn nước ở đây bị ô nhiễm nặng. Trong khi đó, nguồn nước sông không chỉ được dùng để tưới cho những cánh đồng ở hai bên bờ sông mà còn được người dân dùng làm nước uống, nước sinh hoạt, giặt giũ và nhiều mục đích khác.

Càng về sau, khi tốc độ khai thác mỏ được đẩy lên cao, nguồn nước sông càng trở nên ô nhiễm. Cá ở sông bắt đầu chết nhiều còn lúa được tưới bằng nước sông cũng không lớn nổi. Cùng lúc, bệnh lạ cũng xuất hiện ở người khiến người dân vô cùng hoang mang.

Nguyên nhân ngộ độc cadmium mãn tính

Năm 1961, chính quyền Toyama đã lập một hội đồng đặc biệt để đối phó với căn bệnh lạ, bắt đầu từ việc xác định nguyên nhân gây bệnh cùng các biện pháp phòng ngừa. Năm 1963, Bộ Y tế và Phúc lợi cùng Bộ Giáo dục Nhật Bản lần lượt thành lập các nhóm nghiên cứu y khoa, đánh dấu việc chính phủ chính thức vào cuộc, điều tra xác định nguyên nhân gây bệnh.

Từ kết quả của những nghiên cứu này, tháng 5/1968, Bộ y tế và phúc lợi Nhật Bản chính thức thông báo bệnh “itai-itai” là bệnh ngộ độc cadmium mãn tính. Bệnh này khiến các chức năng của thận bị suy yếu và khiến nạn nhân dần dần bị loãng xương. Ở các nạn nhân có tuổi, mất cân bằng hormone, khi có bầu hay cho con bú xuất hiện tình trạng thiếu canxi.

Báo cáo cũng kết luận nguồn cadmium gây ngộ độc chính là do các hoạt động thương mại của công ty Kamioka và mỏ Kamioka xả nước thải xuống sông Jinzu. Theo các kết quả điều tra sau đó, các loại kim loại nặng được xả từ mỏ Kamioka vào sông Jinzu và tích tụ ở đáy sông, đặc biệt là khu vực hạ lưu sông. Cadmium trong lòng sông đã hòa vào nước sông mà người dân lấy phục vụ sinh hoạt cũng như tưới tiêu trong nông nghiệp. Cadmium ngấm vào đất tưới lúa, khiến gạo bị nhiễm độc.

Kết quả các cuộc khảo sát được thực hiện từ năm 1971 tới 1976 cho thấy, mức độ tập trung cadmium trong đất bị ô nhiễm ở dọc sông Jinzu cao nhất là 4,85ppm trong khi mức độ kim loại này ở đất an toàn chỉ là 0,34ppm. Mức độ tập trung cadmium trong gạo được trồng ở khu vực là 4,23ppm, cao hơn nhiều lần so với tiêu chuẩn an toàn.

Cadmium được hấp thụ vào cơ thể qua việc ăn gạo có chứa hàm lượng nguyên tố này cao. Các tế bào càng tiếp xúc nhiều với cadmium, cơ thể người bị nhiễm độc càng bị mất nhiều phosphate và calcium qua đường nước tiểu, dẫn tới hiện tượng loãng xương, cùng nhiều vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe khác như suy thận, thậm chí tử vong.

Cuộc chiến pháp lý kéo dài nhiều thập kỷ

Theo tờ Japan Times, tổng cộng 196 người đã được xác định là nạn nhân của bệnh“itai-itai” do tình trạng xả nước thải có chứa kim loại từ mỏ Kamioka. Ngoài tỉnh Toyama, tình trạng nhiễm độc cadmium cũng được phát hiện ở 5 tỉnh khác của Nhật Bản.

Năm 1968, 29 người bao gồm 9 nạn nhân và 20 người nhà các nạn nhân đã đệ đơn kiện đòi công ty Mitsui bồi thường. Sau cuộc chiến pháp lý kéo dài nhiều thập kỷ, mãi đến cuối năm 2013, Công ty Mitsui chính thức xin lỗi người dân vì vụ việc và đạt được thỏa thuận dàn xếp bồi thường 600 triệu yên cho các nạn nhân bị nhiễm độc cadmium từ nhiều năm trước.

Theo tờ Japan Times, tính đến năm 2013, có khoảng 500 đến 600 người được bồi thường theo thỏa thuận này. Itai-itai được xem là một trong bốn căn bệnh do ô nhiễm môi trường tồi tệ nhất từng xảy ra tại Nhật Bản.

Trước những tác động nghiêm trọng của các vụ việc này, năm 1970, giới chức Nhật Bản đã thông qua Đạo luật ngăn chặn ô nhiễm đất nông nghiệp, theo đó yêu cầu mỏ Kamioka dừng hoạt động và buộc công ty khai thác mỏ này phải tiến hành khử độc ở các vùng đất bị nhiễm cadmium.

Đến năm 2012, dự án dọn sạch các khu vực bị nhiễm cadmium ở khu vực sông Jinzu mới hoàn thành. Ngoài ra, công ty khai thác mỏ gây ô nhiễm cũng bị buộc phải bồi thường thiệt hại trong hoạt động trồng trọt cho các nông dân bị ảnh hưởng.

Hoàng Nam

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-plus/can-benh-kinh-hoang-duoc-dat-ten-theo-tieng-keu-khoc-nguoi-trung-doc-d103204.html