Căn bệnh khiến trẻ mắc tử vong trong 24 giờ

Viêm não Nhật Bản và viêm màng não do não mô cầu là bệnh nhiễm trùng nguy hiểm lưu hành tại Việt Nam, tỷ lệ tử vong cao và để lại di chứng nặng nề.

Một buổi chiều 10/4, ở hành lan khu nhà E, khoa Nội (Truyền nhiễm), Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội), nhiều người thấy một phụ nữ rũ rượi, toan nhảy lầu tự tử.

Người phụ nữ này là mẹ của 5 đứa trẻ. Bên trong phòng bệnh, con trai duy nhất của chị mới 9 tháng tuổi, đang thoi thóp do mắc viêm não Nhật Bản.

Sự sống của đứa trẻ chưa thể tiên lượng được, song điều chắc chắn là bé trai sẽ chịu di chứng nặng nề, dai dẳng. Chính bản thân người mẹ, cả đời cũng khó vượt qua được ám ảnh này.

Câu chuyện được tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Thiện Hải, Trưởng khoa Nội (Truyền nhiễm), Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội), chia sẻ trong buổi tọa đàm liên quan căn bệnh viêm não Nhật Bản và viêm màng não do não mô cầu, ngày 15/4.

Khoảng 40% người lành mang trùng não mô cầu

“Viêm não Nhật Bản và viêm màng não do não mô cầu thực sự ám ảnh đến đáng sợ. Một đứa trẻ có thể tử vong trong vòng 24 giờ mắc bệnh”, bác sĩ Đỗ Thiện Hải cho biết.

Viêm màng não do não mô cầu là tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng của màng não, màng bao bọc não và tủy sống. Bệnh do vi khuẩn não mô cầu gây ra, chủ yếu lây qua đường hô hấp, do người lành tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết mũi, hầu họng bắn ra từ người mang vi khuẩn và người lành mang trùng.

 PGS Cao Hữu Nghĩa (trái) và TS Đỗ Thiện Hải (phải) trong buổi tọa đàm liên quan căn bệnh viêm não Nhật Bản và viêm màng não do não mô cầu. Ảnh: Kiều Yến.

PGS Cao Hữu Nghĩa (trái) và TS Đỗ Thiện Hải (phải) trong buổi tọa đàm liên quan căn bệnh viêm não Nhật Bản và viêm màng não do não mô cầu. Ảnh: Kiều Yến.

Viêm màng não do não mô cầu có diễn tiến nhanh, gây tử vong trong vòng 24 giờ. Triệu chứng ban đầu của bệnh thường đột ngột, dễ nhầm lẫn với bệnh cúm và nhiễm siêu vi thông thường.

Trong vòng 8 giờ mắc bệnh, trẻ có dấu hiệu sốt, cáu gắt, buồn nôn hoặc nôn, đau họng, sổ mũi, đau nhức. Từ 9-15 giờ tiếp theo, trên da xuất hiện ban do xuất huyết, cứng cổ, sợ ánh sáng. Từ sau 16 giờ, người bệnh hôn mê hoặc mê sống, co giật, mất ý thức và có thể tử vong.

“Có những trường hợp nhập viện lúc 5h, đến 9h thì phát ban xuất huyết, chiều thì phát ban hoại tử khắp toàn thân sau đó rơi vào bệnh cảnh rất nặng, diễn biến nhanh đến mức không cho chúng ta thời gian hội chẩn hay xin ý kiến của các chuyên gia”, tiến sĩ Hải cho biết.

Chuyên gia cho biết hiện kỹ thuật điều trị bệnh này tại Việt Nam tốt không thua kém Đông Nam Á. Tuy nhiên, dù tập tập trung tất cả nguồn lực điều trị, nhưng tỷ lệ tử vong vẫn khoảng 5% và có đến 27-40% người bệnh chịu di chứng, kéo dài đến tận 5-10 năm sau.

Tại Việt Nam, khoảng 5-20% dân số là người lành mang trùng não mô cầu. Do đó, người lành có thể bị lây nhiễm đột ngột, bất ngờ nếu tiếp xúc dịch tiết của người bệnh, khi hàng rào bảo vệ của đường hô hấp suy yếu, hệ miễn dịch kém. Tiến sĩ Hải cho biết theo một số báo cáo tại TP.HCM, có đến 40% người lành mang vi khuẩn.

Theo báo cáo của Hội Y học dự phòng, tại Việt Nam, thỉnh thoảng vẫn có các vụ dịch lẻ tẻ ở các địa phương, riêng năm 1977, vụ dịch ở TP.HCM có 1.015 ca mắc do não mô cầu nhóm C gây ra.

Gánh nặng viêm não Nhật Bản

Phó giáo sư Cao Hữu Nghĩa, Giảng viên Trung tâm đào tạo, Viện Pasteur TP.HCM, cho biết khác với con đường lây nhiễm của viêm màng não do não mô cầu, viêm não Nhật Bản là bệnh nhiễm trùng cấp tính do virus gây ra. Bệnh lây nhiễm thông qua trung gian là muỗi đốt các loài gia súc, gia cầm.

Viêm não Nhật Bản được phát hiện năm 1871. Qua sàng lọc, các nhà khoa học xác định virus viêm não Nhật Bản tập trung nhiều ở 24 quốc gia châu Á, xung quanh khu vực biển Đông.

Bệnh nhi viêm não Nhật Bản nặng, phải thở máy đang nằm điều trị tại khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: BVCC.

Có đến 20-30% bệnh nhân mắc viêm não Nhật Bản tử vong. Tuy nhiên, những người giữ được mạng sống cũng chịu di chứng nặng nề, trong đó, 50% chịu tàn tật nghiêm trọng, nửa còn lại chịu di chứng nhẹ như khó khăn trong học tập, ứng xử, thần kinh.

“Trái tim thầy thuốc không cho phép chúng tôi không chữa bệnh. Nhưng khi chữa rồi, chứng kiến bệnh nhân gặp di chứng thì bản thân thầy thuốc còn đau lòng, dày vò hơn. Ác nghiệt nhất là di chứng không xảy ra trong và sau điều trị, mãi đến 5-10 năm sau, trẻ chậm nói, không đọc được, khuyết tật chi”, PGS Nghĩa chia sẻ.

Chuyên gia này cho biết viêm não Nhật Bản không có thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó, người dân chỉ có thể kiểm soát nguồn lây bệnh, vaccine là biện pháp dự phòng tốt nhất. Bộ Y tế đã đưa vaccine viêm não Nhật Bản vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia. Các ca viêm não Nhật Bản hiện tại chủ yếu do không tiêm chủng hoặc không tiêm liều nhắc lại.

“Viêm não Nhật Bản và viêm màng não do não mô cầu đều thật sự khủng khiếp, ghê sợ. Tôi bị ám ảnh bởi hình ảnh người mẹ bế con nhỏ mắc viêm não Nhật Bản, cố chạy đến cảnh cửa phòng cấp cứu, nhưng thời gian không cho phép, đứa trẻ tử vong trên tay mẹ. Mặc dù số ca mắc giảm so với giai đoạn trước, điều chúng ta mong ước là không còn thêm ca nào nữa”, PGS Nghĩa chia sẻ.

Bích Huệ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/can-benh-khien-tre-mac-tu-vong-trong-24-gio-post1204753.html