Căn bệnh khiến người phụ nữ đột ngột liệt nửa người

Sau khi ngưng thuốc kháng đông để đi nhổ răng, người phụ nữ bất ngờ bị méo miệng, liệt nửa người, phải nhập viện cấp cứu.

Giáo sư Trương Quang Bình, Phó giám đốc Bệnh viện, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, cho biết đơn vị này vừa cấp cứu thành công cho bệnh nhân N.T.M. (52 tuổi, ngụ tại Long An).

Bà M. được phát hiện rung nhĩ cách đây 10 năm, phải dùng thuốc kháng đông để dự phòng đột quỵ. Cách đây một tuần, bệnh nhân ngưng thuốc kháng đông để đi nhổ răng. Buổi sáng sau khi nhổ răng, bà M. bắt đầu uống thuốc trở lại. Gần trưa, bà bất ngờ liệt nửa người trái, méo miệng, nói khó.

Tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, sau khi thăm khám, đánh giá, các bác sĩ chẩn đoán bà M. bị đột quỵ, nguyên nhân có thể là thiếu máu não liên quan rung nhĩ.

 Bệnh nhân đột quỵ may mắn được giữ được tính mạng do cấp cứu kịp thời. Ảnh: Nam Phương.

Bệnh nhân đột quỵ may mắn được giữ được tính mạng do cấp cứu kịp thời. Ảnh: Nam Phương.

Bệnh nhân nhanh chóng được chụp cắt lớp sọ não và mạch máu não. Các bác sĩ xác định động mạch não giữa bên phải của bệnh nhân bị tắc. Bệnh nhân được can thiệp nội mạch cấp cứu, lấy được cục máu đông, thông lại mạch máu.

Sau can thiệp, người bệnh hồi phục tốt, chỉ còn yếu nhẹ tay trái. Các bác sĩ đánh giá nếu không cấp cứu kịp thời, người bệnh sẽ bị nhồi máu não diện rộng, hư hại gần một nửa não bộ, có thể phù não nặng nguy hiểm tính mạng. Nếu sống sót, bệnh nhân cũng sẽ liệt nửa người và rối loạn lời nói.

Sau khi tình trạng bệnh ổn định, bà M. được chỉnh liều kháng đông cho phù hợp để tiếp tục dùng thuốc lâu dài.

Giáo sư Trương Quang Bình cho biết đột quỵ là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Đây là bệnh lý cấp tính nguy hiểm, thường xảy ra đột ngột, có tỷ lệ tử vong cao nếu không phát hiện sớm và cấp cứu kịp thời.

Tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 200.000 người bị đột quỵ, trong đó, 10-20% trường hợp tử vong và chỉ khoảng 30% người bệnh sống sót, có khả năng bình phục hoàn toàn. Rung nhĩ (tim đập loạn nhịp) là bệnh lý tim mạch có khả năng làm tăng nguy cơ đột quỵ lên gấp 5 lần. Khoảng 20% trường hợp đột quỵ do rung nhĩ gây ra. Đột quỵ do rung nhĩ thường nặng nề và tiên lượng xấu hơn đột quỵ do yếu tố khác.

Phần lớn người bệnh rung nhĩ cần dùng thuốc kháng đông để ngăn chặn việc hình thành cục máu đông trong tiều nhĩ. Do chủ quan hoặc chưa hiểu biết, không ít người bệnh rung nhĩ không tuân thủ việc sử dụng thuốc và các biện pháp dự phòng đột quỵ, khiến tính mạng gặp nguy hiểm.

Giáo sư Bình cho biết những đối tượng có sẵn bệnh lý về tim như nhồi máu cơ tim, thiếu máu cơ tim cục bộ lâu ngày, suy tim, cơ tim hoặc viêm màng ngoài tim đều có thể dẫn đến tình trạng rung nhĩ. Bên cạnh đó, các bệnh lý ngoài tim như tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và bệnh lý về tuyến giáp (đặc biệt là cường giáp) cũng là nguyên nhân gây rung nhĩ.

Ngoài ra, rung nhĩ có thể xảy ra ở những người sử dụng nhiều rượu bia, béo phì, bị nhiễm trùng nặng… Dấu hiệu thường gặp của rung nhĩ là nhịp tim không bình thường, gây hồi hộp, đánh trống ngực, đau tức ngực…, nhưng cũng có những trường hợp không biểu hiện triệu chứng.

Nguyên nhân gây đột quỵ Đột quỵ là hiện tượng lưu lượng máu thông qua động mạch đến não giảm, khiến các tế bào chết.

Bích Huệ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/can-benh-khien-nguoi-phu-nu-dot-ngot-liet-nua-nguoi-post1167911.html