Căn bệnh chỉ chiếm 2% nhưng bà bầu rất dễ tử vong

Thay vì di chuyển và làm tổ đúng chỗ tại buồng trứng, trứng được thụ tinh lại đi 'lạc', biến chứng sẽ khiến chảy máu ồ ạt trong ổ bụng, đe dọa những bà bầu.

Chị em cần cảnh giác với những cơn đau bụng

Chị em cần cảnh giác với những cơn đau bụng

Đó là trình trạng chửa ngoài tử cung, căn bệnh là nỗi lo, ám ảnh của các bà bầu nếu chẳng may mắc phải.

Bình thường trứng sau khi được thụ tinh ở 1/3 ngoài của vòi trứng sẽ di chuyển vào trong buồng tử cung và làm tổ tại đây. Vì 1 lí do nào đó mà trứng được thụ tinh không nằm trong lòng tử cung mà nằm ở những nơi khác bên ngoài tử cung, thường gặp nhất là ở vòi trứng (95-98%) hoặc ở buồng trứng, cổ tử cung và ổ bụng…gọi là chửa ngoài tử cung.

Chửa ngoài tử cung là 1 bệnh lý sản phụ khoa cấp tính, khi vỡ gây chảy máu ồ ạt trong ổ bụng, đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của người bệnh. Tỉ lệ mang thai ngoài tử cung chiếm 1-2% thai nghén. Đây là nguyên nhân tử vong cao nhất trong sản khoa trong 3 tháng đầu thai kỳ (4-10%).

Bệnh nhân Đào T H (30 tuổi, trú tại TP Hạ Long, Quảng Ninh) là ví dụ điển hình. Bà bầu này nhập bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) trong tình trạng đau bụng hạ vị dữ dội, chậm kinh 10 ngày, huyết áp tụt 90/50 mmHg, da niêm mạc nhợt nhạt. Bệnh nhân được thăm khám lâm sàng và chỉ định làm siêu âm, các xét nghiệm cận lâm sàng…

Kết quả cho thấy bệnh nhân có nhiều dịch tự do ổ bụng, Beta HCG máu 1860 mUI/ml. Các bác sĩ đã hội chẩn chuyên khoa và thống nhất chẩn đoán shock mất máu do thai ngoài tử cung vỡ.

Ngay lập tức hệ thống báo động đỏ cấp cứu nội viện được kích hoạt, bệnh nhân được chuyển thẳng phòng mổ xử trí theo tổn thương dưới sự phối hợp khẩn trương của các chuyên khoa Sản – Gây mê hồi sức – Huyết học Truyền máu.

Chạy đua cứu cho sản phụ chửa ngoài tử cung bị shock mất máu tại BV Bãi Cháy

Quá trình phẫu thuật, phẫu thuật viên chính - BS CKI. Tô Thị Kim Quy – Trưởng Khoa Sản, Bệnh viện Bãi Cháy đã tiến hành hút 1500ml dịch máu ổ bụng, kẹp cắt khối thai tại vòi tử cung cầm máu, vừa mổ vừa hồi sức tích cực. Bệnh nhân được truyền 2 đơn vị hồng cầu và 2 đơn vị huyết tương. Ca phẫu thuật thành công cứu bệnh nhân thoát shock sau gần 1 giờ cân não. Qua 5 ngày điều trị, tình trạng sức khỏe bệnh nhân phục hồi tốt và được xuất viện.

Chia sẻ về trường hợp này, bác sĩ CKI. Tô Thị Kim Quy – Trưởng Khoa Sản, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết: Thai ngoài tử cung nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: mất máu nhiều dẫn đến shock thậm chí có thể tử vong.

Do đó, thai ngoài tử cung đòi hỏi chẩn đoán chính xác, thao tác kỹ thuật xử trí nhanh chóng, cần phối hợp giữa phẫu thuật và hồi sức trong mổ. Nếu người bệnh được phát hiện và điều trị kịp thời ở cơ sở y tế có đội ngũ bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm, trang thiết bị hiện đại sẽ hạn chế rủi ro, giảm thiểu nguy cơ truyền máu.

Theo các bác sĩ sản khoa, chửa ngoài tử cung là căn bệnh cấp tính. Theo đó, nguyên nhân chửa ngoài tử cung thường là do các biến dạng ở vòi trứng do viêm vòi trứng (trong đó nạo phá thai nhiều lần, viêm nhiễm vùng chậu là nguyên nhân thường gặp nhất ); hẹp vòi trứng sau tạo hình vòi trứng hoặc thai phụ có khối u trong lòng vòi trứng hoặc ở ngoài vòi trứng đè ép làm hẹp lòng vòi trứng; do vòi trứng bị co thắt và có những nhu động bất thường.

Chửa ngoài tử cung khi chưa vỡ thường có biểu hiện chậm kinh sau đó thử nước tiểu thấy có thai. Điều này khiến nhiều người vẫn nghĩ rằng mình đang mang bầu. Ngoài ra, lúc này chị em còn có thêm biểu hiện đau bụng, đau vùng hạ vị, đau âm ỉ, có khi thành cơn; ra huyết kéo dài (thường sau chậm kinh vài ngày, huyết ra thường ít với màu đen, có khi lẫn màng).

Trong trường hợp chị em chửa ngoài tử cung bị vỡ gồm tất cả các triệu chứng của chửa ngoài tử cung chưa vỡ kèm theo đau bụng đột ngột, dữ dội, đau vã mồ hôi, xanh xao, nhợt nhạt… Các triệu chứng của chảy máu trong ổ bụng tùy theo mức độ mất máu: Da xanh, niêm mạc nhợt, chân tay lạnh, mạch nhanh, huyết áp tụt.

Đáng lưu ý, tỷ lệ chửa ngoài tử cung tăng có liên quan với các bệnh lây truyền qua đường tình dục, đặc biệt Chlamydia trachomatis, viêm nhiễm tiểu khung, tiền sử nạo phá thai, sử dụng một số biện pháp tránh thai như đặt dụng cụ tử cung hay mẹ lớn tuổi... Người có chửa ngoài tử cung vỡ một lần thì sẽ có khả năng bị chửa ngoài tử cung lại.

Vì vậy, bác sĩ Tô Thị Kim Quy khuyến cáo, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có một trong những dấu hiệu như: chậm kinh, đau bụng, ra máu âm đạo… cần đến cơ sở y tế khám ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Đặc biệt nếu có sẹo mổ cũ ở tử cung cần được thăm khám định kỳ để xác định chính xác vị trí của thai nhi nhằm loại bỏ trường hợp chửa tại vết mổ vô cùng nguy hiểm.

N. Huyền

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/khoe-dep/chua-ngoai-tu-cung-dau-bung-cham-kinh-rong-kinh-chi-em-can-nghi-den-chua-ngoai-tu-cung-268256.html