Căn bệnh ca sĩ Tuấn Hưng mắc nguy hiểm như thế nào?

Có người cho rằng vảy nến là 'nỗi khốn khổ của con người' vì khiến bệnh nhân luôn trong tâm trạng xấu hổ và ngượng ngùng. Bản thân người bệnh cảm thấy sợ chính họ.

Mới đây, ca sĩ Tuấn Hưng chia sẻ trên mạng xã hội thông tin bản thân được chẩn đoán mắc bệnh vảy nến khiến người hâm mộ lo lắng. Căn bệnh khiến nam ca sĩ luôn cảm thấy phát điên với những biểu hiện nổi vảy nến khắp người, đầy trên đầu, mặt và tay chân... Hiện tại, nam ca sĩ điều trị theo phác đồ của bác sĩ và khỏi đến 70%.

Chia sẻ về căn bệnh ca sĩ Tuấn Hưng đang điều trị, PGS.TS Nguyễn Duy Hưng, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho hay vảy nến là bệnh da mạn tính.

“Có người cho rằng đó là một trong các “nỗi khốn khổ của con người” làm cho người bệnh trong tâm trạng xấu hổ và ngượng ngùng. Bản thân người bệnh cảm thấy sợ chính họ. Bệnh vảy nến không gây chết người nhưng ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý và chất lượng cuộc sống của người bệnh”, PGS Hưng cho hay.

Theo chia sẻ trên facebook cá nhân, nam ca sĩ Tuấn Hưng mắc bệnh vảy nến đã gần 1 tháng nay. Ảnh: Facebook ca sĩ Tuấn Hưng.

Theo chia sẻ trên facebook cá nhân, nam ca sĩ Tuấn Hưng mắc bệnh vảy nến đã gần 1 tháng nay. Ảnh: Facebook ca sĩ Tuấn Hưng.

Nguyên nhân gây ra bệnh vảy nến

PGS Hưng cho biết bệnh vảy nến có tỷ lệ 2-3% (nghiên cứu ở nhiều nước cho thấy dao động từ 1-8%) dân số. Biểu hiện thường gặp nhất là vảy nến thể thông thường (Psoriasis vulgaris) là bệnh mạn tính, tái phát, có mảng và sẩn màu đỏ có vảy trắng bạc.

Các thương tổn da có thể rải rác vài tổn thương cho đến lan tỏa toàn thân. Bệnh thường xuất hiện ở tuổi ngoài 20, có thể gặp ở người lớn tuổi ngoài 50, đôi khi ở trẻ nhỏ dưới 10 tuổi và nếu ở tuổi này thì thường có yếu tố gia đình với biểu hiện bệnh nặng hơn, kéo dài hơn. Tỷ lệ bệnh ở nam và nữ như nhau.

Theo PGS Hưng, cơ chế sinh bệnh vảy nến bao gồm yếu tố gen di truyền, rối loạn yếu tố miễn dịch, và các yếu tố từ môi trường như như nhiễm khuẩn, chấn thương, thuốc, thức ăn. Với yếu tố di truyền, nếu bố hoặc mẹ bị bệnh thì có khoảng 8% con bị bệnh, nếu cả bố và mẹ bị bệnh thì tới 41% con mắc bệnh.

“Các yếu tố có thể làm bệnh nặng hơn là các sang chấn như gãi, chà sát mạnh. Nhiễm trùng - thường là nhiễm liên cầu. Các stress tâm lý , sử dụng thuốc corticosteroid, lithium, các thuốc chống sốt rét, interferon... có thể làm nặng bệnh. Rượu cũng là tác nhân làm cho bệnh nặng lên”, PGS Hưng cảnh báo.

Ca sĩ Tuấn Hưng khẳng định căn bệnh khiến anh cảm thấy phát điên. Ảnh: Facebook ca sĩ Tuấn Hưng.

Căn bệnh khiến người bệnh khốn khổ như thế nào?

Vẫn theo PGS Hưng, vảy nến thể thông thường, gồm vảy nến thể giọt, thể đồng tiền, thể mảng. Vảy nến thể đặc biệt: thể đảo ngược, thể ở lòng bàn chân-bàn tay, thể đỏ da toàn thân vảy nến, thể mủ, vảy nến móng-khớp, viêm đầu chi liên tục, vảy nến niêm mạc.

Vảy nến thể thông thường có biểu hiện đặc biệt và thường dễ chẩn đoán. Biểu hiện là các sẩn hoặc mảng sẩn màu đỏ tươi hoặc đậm, ranh giới rõ, trên có vảy da màu trắng bạc. Các vảy này bong ra dễ dàng thành từng lá vảy da màu trắng bạc. Khi cạo nhẹ vảy bong ra để lại ở dưới những đốm máu nhỏ.

Các sẩn hoặc đám thương tổn nhỏ tụ lại thành mảng lớn. Các thương tổn có thể có ở toàn thân nhưng có một số vị trí rất hay gặp là đầu, ngón tay, bàn tay- bàn chân, đầu gối, khuỷu tay, ụ ngồi, mông và cẳng chân. Một đặc điểm quan trọng của bệnh là thường đối xứng hai bên cơ thể, mặt ít khi bị tổn thương.

Một số người bệnh chỉ bị tổn thương ở đầu hoặc bàn tay-bàn chân. Bệnh ở da đầu có đặc điểm là nhiều vảy da bong, không gây rụng tóc nhưng hay ngứa và gây phiền phức cho người bệnh vì vảy da bong liên tục.

Trái lại, các thương tổn vảy nến ở kẽ mông, sinh dục lại có ít vảy da do vùng da đó ẩm ướt. Móng tay, móng chân bị tổn thương với biểu hiện móng bị tách, móng sùi dễ gãy, có các vết rỗ trên móng.

Tổn thương móng trong vảy nến dễ bị chẩn đoán nhầm là nấm móng. Thương tổn móng có thể cùng với thương tổn khớp do vảy nến và cũng là biểu hiện làm cho người bệnh rất ngại ngùng khi giao tiếp. Hơn nữa, nhiều trường hợp gây biến dạng móng và khớp để lại di chứng trầm trọng cho người bệnh.

Bệnh có chữa được không?

Theo PGS Hưng, điều trị bệnh cần phải cân nhắc về tuổi, thể bệnh, vị trí thương tổn, diện tích da bị bệnh, các phương pháp và các thuốc đã sử dụng. Người bệnh cần đến bác sĩ chuyên khoa da liễu để chẩn đoán xác định bệnh, cho chỉ định điều trị ban đầu.

Trường hợp thương tổn da chỉ chiếm <5% diện tích da cơ thể thì người bệnh có thể điều trị tại y tế cơ sở theo chỉ định ban đầu của bác sĩ chuyên khoa (diện tích da ở người trưởng thành khoảng 1,5-2 m2). Các trường hợp khác cần được các bác sĩ chuyên khoa điều trị và theo dõi lâu dài.

“Vảy nến là một bệnh mạn tính, diễn biến bệnh lâu dài, có thể khỏi một thời gian dài nhưng cũng có nhiều trường hợp tái phát liên tục. Việc điều trị cần phải có sự phối hợp rất chặt chẽ giữa thầy thuốc và người bệnh để có thể tìm ra phương pháp điều trị tối ưu nhất, hiệu quả, ít tác dụng phụ và phù hợp với hoàn cảnh người bệnh về kinh tế, công việc và gia đình, xã hội”, PGS Hưng cho hay.

Hà Quyên

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/can-benh-ca-si-tuan-hung-mac-nguy-hiem-nhu-the-nao-post854175.html