Cần bảo mật thông tin cho người nhiễm HIV

Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) sửa đổi, bổ sung mới đây được Quốc hội chính thức thông qua, góp phần tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động phòng chống HIV/AIDS.

Từ ngày 1/1/2019 người nhiễm HIV điều trị bằng thuốc kháng virus ARV được thanh toán bằng BHYT tuy nhiên cần bảo mật thông tin cho người nhiễm HIV

Từ ngày 1/1/2019 người nhiễm HIV điều trị bằng thuốc kháng virus ARV được thanh toán bằng BHYT tuy nhiên cần bảo mật thông tin cho người nhiễm HIV

Đồng thời, góp phần giảm số người nhiễm mới HIV xuống dưới 1.000 trường hợp, nâng cao hiệu quả, nhằm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 theo Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Theo TS. Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, việc giảm độ tuổi được quyền tự nguyện đề nghị xét nghiệm HIV của trẻ em từ đủ 16 tuổi xuống đủ 15 tuổi mà không cần sự đồng ý của cha mẹ, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật để bảo đảm phù hợp với tình trạng thực tế lây nhiễm HIV trong nhóm trẻ hiện nay cần được xét nghiệm sớm để điều trị kịp thời nếu trẻ nhiễm HIV, bảo đảm quyền được chăm sóc sức khỏe của trẻ em, khắc phục được các tồn tại trong bối cảnh hiện nay.

Thực trạng trẻ em hiện đang phát triển hơn về thể chất, tâm sinh lý, dậy thì sớm và có quan hệ tình dục sớm. Trong bối cảnh hiện nay, việc lây nhiễm HIV ngày càng trẻ hóa. Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, số trẻ em nhiễm HIV độ tuổi 15-16 được phát hiện năm 2019 tăng gần 3 lần so với năm 2011. Có tình trạng quan hệ tình dục đồng giới nam trước tuổi 20.Thêm vào đó là tình trạng ma túy len lỏi vào trường học.

Hiện nay, rất ít trường hợp cha mẹ biết con có nguy cơ lây nhiễm để đưa con đi xét nghiệm: Trẻ em thường không dám thông báo cho bố mẹ biết mình có nguy cơ lây nhiễm HIV do có quan hệ tình dục không an toàn, cơ sở y tế không xét nghiệm HIV khi không được bố mẹ trẻ đồng ý, làm giảm cơ hội trẻ được xét nghiệm, phát hiện HIV sớm.

Bên cạnh đó, việc hạ độ tuổi trẻ được xét nghiệm tự nguyện nhằm bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp thông lệ quốc tế. Trong Bộ luật Dân sự: Khoản 4 Điều 21 Bộ luật Dân sự “Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự” đối với các giao dịch cơ bản. Luật HIV/AIDS 2018 của Philippines cũng quy định “Người từ đủ 14 tuổi” được tự yêu cầu làm xét nghiệm HIV. Luật HIV/AIDS 2003 của Papua New Guinea quy định “người từ đủ 12 tuổi được tự yêu cầu làm xét nghiệm HIV”.

Ngoài ra, việc hạ độ tuổi trẻ được xét nghiệm tự nguyện cũng giúp trẻ em dễ tiếp cận dịch vụ xét nghiệm HIV hơn, được phát hiện HIV sớm, điều trị sớm bảo đảm sức khỏe của trẻ, giảm lây nhiễm HIV cho người khác trong cộng đồng. Đồng thời bảo đảm quyền của trẻ em được gia đình bảo vệ và chăm sóc sức khỏe.

Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS quy định trường hợp trẻ đủ 15 tuổi trở lên có kết quả xét nghiệm phát hiện HIV dương tính thì được thông báo đến cha mẹ hoặc người giám hộ để biết và kịp thời hỗ trợ, đưa trẻ đi điều trị.

Cần bảo mật thông tin cho người nhiễm HIV

Vấn đề tiếp cận thông tin, bảo mật thông tin cho người nhiễm HIV cũng là nội dung được sửa đổi trong bộ luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS), TS. Hoàng Đình Cảnh cho rằng, đây là nội dung rất cần thiết nhằm bảo đảm hành lang pháp lý trong cung cấp dịch vụ điều trị HIV/AIDS tại các cơ sở y tế.

Bởi quy định tại điều 30 của Luật Phòng, chống HIV/AIDS hiện tại, chỉ những nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc cho người nhiễm HIV mới được biết thông tin về người nhiễm HIV, tuy nhiên trong thực tế một bệnh nhân trong cơ sở y tế có nhiều người tham gia gián tiếp vào quá trình điều trị cho người nhiễm HIV, như các nhân viên hành chính trong tiếp nhận, thanh quyết toán viện phí, nhân viên tổng hợp hồ sơ bệnh án trong cấp phát thuốc, trưởng khoa phòng bệnh viện, bác sĩ trực…

Ngoài ra, nếu bệnh nhân được bảo hiểm y tế chi trả, thì quy trình của thanh toán bảo hiểm y tế có bước chuyển thông tin bệnh nhân lên cổng thanh toán điện tử của bảo hiểm y tế, nhân viên bảo hiểm y tế có thể giám định tính trung thực trên hồ sơ bệnh án của người bệnh được thanh toán bảo hiểm y tế.

Việc thực hiện được chăm sóc điều trị cho người nhiễm HIV theo đúng quy định tại điều 30 của Luật Phòng, chống HIV/AIDS, chỉ có cách là thiết lập 1 hệ thống riêng để điều trị HIV/AIDS, điều này trên thực tế là không khả thi, khi số người nhiễm HIV điều trị HIV/AIDS càng ngày càng nhiều (hiện 150.000 người).

Do đó, việc bổ sung một số người trong cơ sở y tế được phép biết thông tin người nhiễm HIV trong quá trình khám điều trị và thanh toán bảo hiểm y tế là cần thiết để phù hợp với thực tiễn và quy định pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh và bảo hiểm y tế.

Đối với cơ sở y tế, giúp tạo hành lang pháp lý thuận lợi trong triển khai chăm sóc điều trị cho người nhiễm HIV, giám sát và kiểm soát tình hình dịch HIV/AIDS. Đối với cộng đồng, giúp cho họ có thông tin người nhiễm HIV để xác định đối tượng, địa bàn để triển khai các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV trong cộng đồng.

B.H

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/can-bao-mat-thong-tin-cho-nguoi-nhiem-hiv-1771538.tpo