Cần bảo đảm an toàn giao thông cho người dân xã Nam Hồng

Sáng 8-11, hàng chục người dân thôn Đoài, xã Nam Hồng, huyện Đông Anh đã tụ tập, ngăn chặn dòng phương tiện trên đường Võ Văn Kiệt, gây ách tắc hàng giờ. Nguyên nhân vụ việc do người dân bức xúc trước công tác tổ chức giao thông tại khu vực này chưa hợp lý, việc đi lại khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.

Vào khoảng 8 giờ sáng 8-11, trên tuyến đường cao tốc Bắc Thăng Long - Nội Bài, ở đoạn qua xã Nam Hồng, huyện Đông Anh, rất nhiều người dân địa phương đặt gạch đá, lốp xe, xe đạp, xe máy giữa làn đường từ Hà Nội lên sân bay Nội Bài, gây ùn tắc giao thông kéo dài trên tuyến. Chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng rất khó khăn mới thuyết phục được người dân giải tán khỏi khu vực và về nhà văn hóa thôn để đối thoại, làm rõ nguyên nhân.

Phó Chủ tịch UBND xã Nam Hồng Phạm Tiến Hoàng cho biết: Những người tụ tập gây cản trở giao thông nói trên là người dân thôn Đoài, xã Nam Hồng. Hành động của họ nhằm gây áp lực để các cấp chính quyền quan tâm, bố trí lối đi bộ cho người dân qua đường cao tốc này. Theo quan điểm của lãnh đạo địa phương, đây là nguyện vọng chính đáng của người dân địa phương, cần được thành phố xem xét giải quyết. Xã Nam Hồng có đường cao tốc Bắc Thăng Long - Nội Bài (đường Võ Văn Kiệt) chạy qua chia đôi địa bàn xã. Xã có bốn thôn, thì ba thôn nằm phía đông đường cao tốc, còn thôn Đoài nằm phía tây đường cao tốc. Hơn 80 ha đất nông nghiệp của xã cũng nằm bên khu vực thôn Đoài. Như vậy, thôn Đoài (803 hộ dân với 3.450 nhân khẩu) bị cách biệt với trung tâm hành chính xã bởi tuyến đường cao tốc. Ngược lại, những người dân của các thôn khác muốn ra đồng để sản xuất, phải đi qua đường cao tốc này.

Trước năm 2010, người dân vẫn đi lại qua tuyến cao tốc bằng lối mở dải phân cách ở khu vực trước cổng Công ty cổ phần Nam Hồng. Đây cũng chính là ngã tư giao cắt giữa đường liên thôn của xã với đường cao tốc. Tuy nhiên, do nhu cầu, mật độ đi lại của người dân qua tuyến đường này ngày càng lớn (phục vụ việc đi học, sản xuất, giao thương, làm các thủ tục hành chính…) cho nên tại vị trí giao cắt này đã xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng và thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm. Mặt khác, đây là tuyến đường cửa ngõ quan trọng, nối trung tâm thành phố với sân bay quốc tế Nội Bài, hằng ngày đưa đón nhiều đoàn khách quốc tế và trong nước. Vì vậy, để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, giảm ùn tắc giao thông, tháng 3-2010, cơ quan chức năng đã đóng lối đi này bằng dải phân cách cứng và yêu cầu người dân sang đường bằng cầu vượt Nam Hồng.

Kể từ đó, người dân đi lại vô cùng khó khăn. Bởi người dân muốn sang bên kia đường phải đi vòng vèo theo đường dẫn với quãng đường khá xa, rất không thuận tiện, nhất là đối với người đi bộ, phương tiện thô sơ, gia súc… Vì vậy, người dân đã nhiều lần gửi kiến nghị các cấp có thẩm quyền nghiên cứu, xây dựng cầu đường bộ qua đường cao tốc để được đi lại thuận tiện và an toàn. Cho đến nay, kiến nghị của người dân vẫn chưa được giải đáp rõ ràng. Người dân thì vẫn đi bộ băng qua đường, trèo qua dải phân cách cứng và tai nạn tiếp tục xảy ra.

Chị Nguyễn Thị Hồng, sống ở thôn Đoài cho biết: Chúng tôi vô cùng mong muốn có cầu vượt qua đường cao tốc ở vị trí đường chính từ thôn Đoài vào trung tâm hành chính xã (vị trí lối mở dải phân cách trước đây). Trước hết để con em chúng tôi có thể đi học an toàn. Hiện nay, nhà nào cũng phải lo đưa đón con đến trường, mặc dù quãng đường đến trường rất gần. Rất nhiều công việc của người dân cần phải đi qua lại tuyến đường hằng ngày, mà phải vòng vèo mấy cây số để sang đường rất không thuận tiện. Chưa kể, bến xe buýt nằm bên kia đường là phương tiện mà người dân thôn Đoài hay sử dụng để đi vào trung tâm thành phố. Chẳng mấy ai chịu đi bộ gần ba km để đến nhà chờ xe buýt, hầu như mọi người đều chạy băng qua đường… Chúng tôi rất bức xúc bởi nguyện vọng của mình nhiều năm nay không được đáp ứng.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh, huyện đã nhiều lần tiếp nhận kiến nghị của người dân. Từ năm 2011, đơn vị chức năng của huyện đã phối hợp UBND xã Nam Hồng kiểm tra xác minh hiện trường, xem xét nguyện vọng của người dân. Sau đó huyện đã nhiều lần có báo cáo gửi UBND thành phố Hà Nội, Sở Giao thông vận tải về sự cần thiết đầu tư xây dựng cầu vượt cho người đi bộ trên tuyến cao tốc Võ Văn Kiệt, đoạn qua địa phận xã Nam Hồng (cách vị trí cầu vượt Nam Hồng một km). Gần đây nhất, ngày 18-5-2016, huyện tiếp tục có Văn bản số 425/UBND-QLĐT gửi UBND thành phố, các sở, ngành liên quan đề nghị quan tâm, xem xét, sớm đầu tư dự án cầu vượt cho người đi bộ tại vị trí này. Tuy nhiên, chính quyền địa phương vẫn chưa nhận được trả lời.

Theo quan sát của phóng viên tại khu vực, không chỉ tất cả những người đi bộ đều trèo qua dải phân cách cứng để sang đường mà còn có rất nhiều phương tiện đi ngược chiều, không chịu đi theo đường dẫn để lên cầu vượt theo đúng quy định, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn rất cao. Đề nghị cơ quan chức năng phối hợp với chính quyền địa phương, xem xét giải đáp kiến nghị của người dân và tổ chức lực lượng kiểm soát chặt chẽ tình hình giao thông ở khu vực này.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/hanoi/item/31233102-can-bao-dam-an-toan-giao-thong-cho-nguoi-dan-xa-nam-hong.html