Cân bằng bảo vệ dữ liệu người dùng và phát triển kinh tế số

Thu hút nguồn lực phát triển kinh tế số chỉ hiệu quả với một khung pháp lý về an toàn mạng phù hợp, đáp ứng được nhu cầu phát triển.

Lãnh đạo Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội (AmCham), Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tại Hội thảo: Khai phá hoàn toàn tiềm năng của nền kinh tế số tại Việt Nam, hôm 6.11, đều khẳng định: “Sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam xây dựng hệ thống pháp lý về an ninh mạng”.

Hai yêu cầu quan trọng được Chính phủ đặt ra trong xây dựng Nghị định hướng dẫn chi tiết Luật An ninh mạng năm 2018: Đảm bảo chủ quyền an ninh quốc gia và điều kiện kinh doanh thông thoáng.

Bộ Công an, thứ sáu tuần trước, đã hoàn tất dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng, đưa ra lấy ý kiến của nhân dân trong thời gian một tháng.

Dự thảo Nghị định gồm 6 chương, 30 điều, quy định những nội dung cơ bản về bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng liên quan đến an ninh quốc phòng; phòng ngừa và xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng; triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng; những quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Ngày một nhiều nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, như Qualcomm, Airbus, Sysmex, Cargrill... Ông Jake Jennings, Giám đốc điều hành AT&T, một công ty truyền thông của Mỹ, tin rằng, Việt Nam sẽ phát triển mạnh hơn nhờ kinh tế số. Dù vậy, ông Jake Jennings cũng khuyến cáo, Chính phủ Việt Nam cần quan tâm hơn đến dữ liệu của người dùng, việc thu hút nguồn lực cho phát triển kinh tế số chỉ hiệu quả khi Việt Nam có một khung khổ chính sách pháp luật về an toàn mạng phù hợp, đáp ứng được nhu cầu phát triển.

Sự phụ thuộc ngày càng tăng vào công nghệ thông tin, các hệ thống viễn thông, đã củng cố tầm quan trọng của hệ thống an ninh mạng và các cơ sở hạ tầng cơ bản. Tuy nhiên, những người sử dụng mạng vẫn muốn đảm bảo dữ liệu của mình được an toàn trong bối cảnh rủi ro về an ninh mạng, tình trạng tin giả đang tác động lên toàn cầu.

Đồng Chủ tịch Eurocham, ông Denis Brunetti, dẫn một khảo sát về người sử dụng mạng xã hội, cứ 5 người có 1 người không tin vào mạng xã hội; cứ 5 người thì có 2 người nói từng đọc tin giả trên mạng xã hội và cứ 4 người có 1 người nói rằng đã cố tình hoặc vô tình đưa tin giả mạo lên mạng xã hội.

Ông Denis Brunetti cho rằng, những thảo luận về an ninh mạng là quan trọng. “Chúng tôi sẵn sàng tham gia vào các cuộc thảo luận này, để đảm bảo rằng Việt Nam có thể có được những cân bằng cao nhất trong việc bảo vệ dữ liệu người dùng và phát triển kinh tế số”, đồng Chủ tịch Eurocham cho biết.

Theo ông Denis Brunetti, việc Chính phủ Việt Nam đưa ra các quy định chặt chẽ về an ninh mạng là chính đáng. Song, ông cũng nói: “Một sự cân bằng là cần cho Việt Nam, để không làm cản trở phát triển kinh tế số, mang lại an toàn cho người dân và đảm bảo được an ninh quốc gia”.

Việt Nam, một nền kinh tế chuyển đổi đang muốn phát triển kinh tế số. Chủ tịch Ủy ban Công nghệ thông tin của AmCham, ông Thomas Treutler, khẳng định một điểm quan trọng: “Lợi ích từ kinh tế số là có thể đạt được, nhưng nó sẽ không đủ để bù đắp hậu quả từ những vụ tấn công mạng”.

“Rủi ro về an ninh mạng có thể được loại trừ khi an ninh mạng được bảo đảm”, ông Thomas Treutler nói khi đề cập đến nhu cầu xây dựng một chiến lược an ninh mạng quốc gia của Việt Nam, qua đó thúc đẩy, bảo vệ các dữ liệu thông tin của người dùng một cách chủ động, chống lại các mối đe dọa trên diện rộng.

Chia sẻ kinh nghiệm giảm thiểu rủi ro trên mạng trong bối cảnh thế giới ngày càng được số hóa, ông Thomas Treutler tin rằng: Một đạo luật có chất lượng tốt sẽ hỗ trợ an ninh mạng cho Việt Nam, thúc đẩy hệ sinh thái an ninh mạng mạnh mẽ và phòng tránh những điều khoản có thể đem lại những trở ngại trong việc thu được những lợi ích từ nền kinh tế số.

“Chúng tôi mong sẽ được hỗ trợ của các cơ quan của Việt Nam ở khía cạnh chính sách, hướng tới thúc đẩy các mục tiêu cơ bản của đạo luật này, cùng nỗ lực giảm thiểu bất kể tác động nào có thể tác động đến doanh nghiệp”, ông Thomas Treutler nói.

AmCham, EuroCham và cộng đồng doanh nghiệp cùng đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam đã cho phép các tổ chức này thực hiện các hoạt động tham vấn cộng đồng nhằm góp phần xây dựng và hoàn thiện pháp luật về an ninh mạng của Việt Nam.

Thiếu tướng Lương Tam Quang, Người phát ngôn Bộ Công an, tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10:

- Đã có hơn 18 quốc gia trên thế giới yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài phải lưu trữ dữ liệu quan trọng ở trong phạm vị lãnh thổ nước mình, như Trung Quốc, Mỹ, Canada, Liên bang Nga, Đức...

- Liên minh Châu Âu cũng quy định: Các công ty cung cấp dịch vụ, như Facebook, Google, phải công khai với khách hàng việc dùng thông tin cá nhân, cam kết không chuyển dữ liệu cá nhân cho bên thứ 3. Nếu vi phạm, mức phạt có thể lên tới 20 triệu Euro hay 4% doanh số toàn cầu.

Hải Vân

Nguồn NCĐT: https://nhipcaudautu.vn/biz-tech/can-bang-bao-ve-du-lieu-nguoi-dung-va-phat-trien-kinh-te-so-3326741/