Cân bằng - bài toán đau đầu của Nga thời hậu Covid-19

Cục diện lưỡng cực lúc ẩn lúc hiện nay sẽ thực sự trở thành thách thức chủ yếu của chính sách ngoại giao Nga trong trung và dài hạn.

Nga cần xử lý thận trọng trước cuộc đối đầu Trung-Mỹ. (Nguồn: Getty)

Cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19 gây ra đang đẩy nhanh các xu hướng hiện tại trên thế giới. Hậu quả rõ ràng nhất là sự gia tăng cạnh tranh Trung-Mỹ và sự xuất hiện của thế giới lưỡng cực mới.

Một số nhân vật tại Moscow có thể cảm thấy nhẹ nhõm khi Mỹ hiện nay coi Trung Quốc, chứ không phải Nga, đối thủ chính. Nhưng quan điểm này có phần thiên lệch. Thái độ thù địch của giới tinh hoa chính trị Mỹ đối với Nga không mất đi và cũng không giảm bớt. Bất cứ ý tưởng nào về việc tái khởi động quan hệ đều sẽ phải chịu thất vọng khi phải đối mặt với kẻ thù chung là Covid-19.

Quản lý quan hệ bình đẳng với Trung Quốc

Khi quan hệ giữa Nga với các nước phương Tây xấu đi, quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc đã củng cố vị thế địa chính trị và địa kinh tế của Nga. Đối với Nga, Trung Quốc đã trở thành đối tác kinh tế, tài chính và công nghệ quan trọng. Tăng cường phát triển quan hệ đối tác chiến lược với Bắc Kinh chắc chắn phù hợp với lợi ích lớn nhất của Moscow.

Quan hệ Trung-Nga ban đầu được xây dựng trên nền tảng lợi ích quốc gia và bình đẳng chủ quyền của hai nước lớn. Nguyên tắc cơ bản của quan hệ song phương luôn là “không bao giờ là kẻ thù, nhưng cũng không trói buộc mãi mãi”. Sự kết hợp đáng tin cậy và linh hoạt này có lẽ sẽ được tiếp tục kéo dài trong tương lai.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng dịch Covid-19 đã thử thách quan hệ Trung-Nga. Đối với Moscow và Bắc Kinh, an ninh quốc gia là trên hết. Hai nước đều cho rằng sức khỏe của người dân bị đe dọa nên đã ngay lập tức đóng cửa biên giới mà không cần thông báo trước.

Phía Trung Quốc không hài lòng trước thái độ đối xử với du khách Trung Quốc ở Nga, còn Moscow thì phàn nàn rằng Bắc Kinh đã không chia sẻ toàn bộ thông tin về virus SAR-CoV-2 với họ.

Lãnh đạo hai nước đã cùng xóa bỏ tâm lý căng thẳng trong giai đoạn đầu thông qua điện đàm trực tiếp. Một số phương tiện truyền thông Nga đã ca ngợi nhiều biện pháp xử lý dịch Covid-19 của Trung Quốc, thậm chí liên tục phát đi những bản tin của Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) về tình hình Trung Quốc chống dịch CovidD-19.

Đáp lại, Nga đã tặng Trung Quốc thiết bị y tế chống dịch, Bắc Kinh sau đó cũng đã vận chuyển nhiều thiết bị y tế và cử nhóm chuyên gia y tế đến Nga.

Khi Mỹ bắt đầu quy kết nguyên nhân bùng phát dịch Covid-19 cho Trung Quốc và yêu cầu tiến hành điều tra quốc tế, quan chức Nga đã lập tức chỉ trích hành động chính trị hóa dịch bệnh. Trước yêu cầu bồi thường lên đến hàng nghìn tỷ USD mà các quốc gia phương Tây đưa ra, báo chí Nga đã nhận định yêu cầu này chẳng khác gì các biện pháp trừng phạt mà Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) từng áp dụng với Nga.

Theo quan sát của các nước bên ngoài, Moscow dường như phần nào tin vào phát ngôn của Bắc Kinh về khởi nguồn của dịch Covid-19.

Quan hệ đối tác chiến lược luôn đòi hỏi sự tin tưởng lẫn nhau và sự trung thành ở mức cao. Sẽ là điên rồ nếu Nga phá hoại quan hệ hữu nghị quan trọng của họ với siêu cường láng giềng.

Tuy nhiên, Moscow không nên đáp ứng mong muốn của Bắc Kinh. Khi có nghi vấn, Điện Kremlin chỉ cần xem xét cách hành xử của Trung Quốc trong cuộc đối đầu Mỹ-Nga là đủ. Bắc Kinh tham gia các biện pháp trừng phạt Moscow của Mỹ, nhưng khi phát triển quan hệ với Nga, Bắc Kinh luôn đặt quan hệ với Mỹ lên vị trí hàng đầu vì lợi ích quốc gia. Điều này không có nghĩa là chỉ trích: Người Trung Quốc hoàn toàn có quyền làm như vậy. Người Nga chỉ cần học theo là được.

Việc Trung Quốc có tiềm lực kinh tế lớn hơn Nga không có nghĩa là Nga dễ bị chi phối, ngược lại Moscow cần tỏ ra thận trọng hơn. Đối với Nga, chỉ trong tình hình không phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc thì tiếp tục hợp tác với Trung Quốc mới có ý nghĩa. Trở thành một bộ phận trong phạm vi ảnh hưởng của Trung Quốc - “hòa bình dưới sự thống trị của Trung Quốc”, là điều Nga không thể chấp nhận.

Một lĩnh vực khác mà Nga cần xử lý thận trọng là cuộc đối đầu Trung-Mỹ. Moscow và Bắc Kinh có chung quan điểm về thế giới, phản đối sự thống trị của Mỹ, phản đối Washington thúc đẩy dân chủ trên toàn thế giới và cả hai đều bị Mỹ coi là đối thủ. Tuy nhiên, liên minh quân sự Trung-Nga chỉ hợp lý trong tình huống Mỹ tấn công quân sự vào cả hai nước.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Thượng đỉnh BRICS ở Brasilia, Brazil tháng 11/2019. (Nguồn: AFP)

Về nguyên tắc, để tránh phụ thuộc quá mức vào nước khác, Nga có nguồn lực để phát triển kinh tế và công nghệ tiên triến. Nhưng điều đáng tiếc là điều kiện chính trị và kinh tế hiện nay của Nga đang tạm thời cản trở con đường đó. Trước khi Moscow có thể bắt đầu sử dụng nguồn lực của mình để tự cường về kinh tế, chính sách đối ngoại của họ có thể là nhân tố có ích.

Để tránh không rơi vào bẫy của Trung Quốc và duy trì sự cân bằng trong quan hệ với Trung Quốc và Mỹ, mặc dù vẫn có khoảng cách chênh lệch (quan hệ với Trung Quốc ngày càng gắn bó, trong khi quan hệ đối đầu với Mỹ vẫn tiếp tục), Nga cần bắt đầu phát triển quan hệ với các nền kinh tế và tài chính chủ yếu khác trên lục địa Á-Âu. Những nền kinh tế này chủ yếu bao gồm các nước thuộc EU, Ấn Độ và Nhật Bản.

Tìm kiếm điểm cân bằng trên toàn cầu

Cuộc khủng hoảng dịch Covid-19 một lần nữa tác động đến tính toán của EU đối với quyền tự chủ chiến lược. Đồng thời, dịch bệnh lần này đã tăng cường vai trò của mỗi quốc gia. Đức, quốc gia ứng phó với dịch bệnh thành công nhất, đang tăng cường địa vị của họ trong nội bộ EU cũng như toàn thế giới. Hiện tại là thời điểm để giới tinh hoa chính trị và kinh tế Đức tuyên bố triển vọng hợp tác kinh tế và điều kiện chính trị cần thiết giữa Berlin và Moscow.

Nga vẫn đang đối thoại với Pháp và điều này cần tiếp tục được tăng cường, trọng điểm là an ninh lục địa châu Âu và tình hình Trung Đông-Bắc Phi. Nga có không gian thảo luận thực chất với Italy (ví dụ như vấn đề Syria), các nước Bắc Âu (vấn đề Bắc Cực), thậm chí là Anh (về vấn đề bình thường hóa quan hệ song phương bị phá hoại nghiêm trọng) và các nước châu Âu khác, không cần lẩn tránh bất kỳ quốc gia nào.

Những cuộc tiếp xúc ngoại giao như vậy sẽ mở đường cho nhiều cuộc trao đổi ngay cả trong thời kỳ Nga phải chịu các lệnh trừng phạt. Hành động nhân đạo của Nga gần đây khi viện trợ nhiều thiết bị y tế cho Italy vẫn chưa đủ để cải thiện bầu không khí căng thẳng trong quan hệ Nga-EU. Đối với Nga, đặc biệt là trong điều kiện hiện nay, việc phá hoại nội bộ EU và Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không có nhiều ý nghĩa.

Chính sách của Nga cần tích cực, nhấn mạnh thiện chí và hợp tác với mỗi nước châu Âu.

Chính sách của Nga cần tích cực, nhấn mạnh thiện chí và hợp tác với mỗi nước châu Âu, tránh cố gắng can thiệp vào tiến trình chính trị nội bộ của quốc gia khác. Nga cần sửa đổi chính sách thông tin đối với châu Âu.

Đương nhiên, không thể gạt xung đột Donbass sang một bên cho dù tiến trình giải quyết vấn đề còn là một chặng đường dài. Thỏa thuận Minsk năm 2015 bị đình trệ. Việc ngừng bắn cần được ổn định trong thời gian dài, mối liên hệ giữa chủ nghĩa nhân đạo và kinh tế ở cả hai phía cần phải được mở rộng và phát triển.

Mục tiêu tổng thể của Nga sau khi sửa đổi chính sách đối với EU sẽ trở lại với nhận thức cơ bản rằng châu Âu là nguồn lực bên ngoài chủ yếu cho công cuộc hiện đại hóa kinh tế Nga. Đương nhiên, châu Âu không phải là nguồn lực duy nhất. Nga có thể tìm đến Nhật Bản.

Cuộc đối đầu Mỹ-Nga không ngừng leo thang dẫn đến tiến độ bình thường hóa giữa Nga và Nhật Bản, từng có thời điểm hy vọng cuối cùng thực hiện bình thường hóa - đã đình trệ. Thủ tướng Shinzo Abe là người thúc đẩy hòa dịu căng thẳng quan hệ Nhật-Nga, nhưng ông sẽ không cầm quyền vĩnh viễn. Nếu các cuộc tiếp xúc giữa ông và Tổng thống Vladimir Putin kết thúc trong thất bại thì người kế nhiệm Abe sẽ không muốn tiếp tục thử nghiệm trong thời gian dài.

Lợi ích chiến lược của Nhật Bản không phải ở việc lấy lại vùng lãnh thổ phương Bắc (Nga gọi là quần đảo Nam Kuril) vì công việc này thuần túy chỉ mang tính tượng trưng, mà là xây dựng quan hệ ổn định với Nga - một nước lớn có chính sách ngoại giao độc lập với Trung Quốc, để thiết lập quan hệ ổn định. Chủ quyền về địa chính trị cũng là lợi ích cốt lõi của Nga.

Nga luôn công khai hoài nghi khái niệm “chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” được nhận định là nhằm vào Trung Quốc. Quan điểm này nhìn chung là đúng, nhưng chỉ trong trường hợp phiên bản Mỹ. Nhật Bản và Ấn Độ đưa ra khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của mình, Moscow cần nghiên cứu căn cứ theo tình hình của mỗi nước, thay vì coi toàn bộ các chiến lược đó là sản phẩm phụ từ chiến lược của Mỹ. Nga cần tiếp xúc với Nhật Bản và Ấn Độ về phát triển an ninh, ổn định và phồn vinh khu vực biển tiếp giáp với lục địa Á-Âu.

Nga cần bổ sung yếu tố hải đảo trong tư duy đối ngoại. (Nguồn: Getty)

Trong lịch sử, tư duy địa chính trị của Nga luôn lấy lục địa là trung tâm. Cho dù là kế hoạch đại châu Âu từ Lisbon đến Vladivostok đã thất bại hay là quan hệ đối tác đại Á-Âu hiện nay đưa ra thì đều có đặc điểm của tư duy lục địa.

Nga cần phải bổ sung thêm yếu tố hải đảo: Như ý tưởng từ Murmansk (Nga) đến Mumbai (Ấn Độ), có thể kết nối 3 đại dương của bờ biển phía Bắc, phía Đông và phía Nam của lục địa Á-Âu. Còn trong hành động thực tế, ý tưởng này có thể kết hợp giữa sự tham gia của Nhật Bản và Ấn Độ thuộc khu vực Bắc Cực của Nga và tăng cường hợp tác giữa Moscow với hai nước này ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Nga và Ấn Độ luôn duy trì quan hệ hữu nghị, nhưng quan hệ giữa hai nước lâu nay đã bị đình trệ, nền tảng kinh tế của mối quan hệ này khá hạn hẹp: Chỉ có hợp tác công nghệ quân sự và hợp tác trong lĩnh vực năng lượng được triển khai gần đây.

Tiềm năng hợp tác trong hai lĩnh vực này vẫn lớn. Hợp tác nghiên cứu, sản xuất các hệ thống vũ khí hiện đại và sự tham gia từng bước của Ấn Độ vào các dự án ở Bắc Cực có thể giúp tăng cường quan hệ song phương. Hợp tác về công nghệ dường như là một lĩnh vực mới đầy hứa hẹn.

Nga-Trung-Ấn có thể trở thành nòng cốt của SCO nhằm quản lý an ninh lục địa châu Á.

Trong lĩnh vực ngoại giao, sự tương tác giữa Nga, Trung Quốc và Ấn Độ cần thông qua cơ chế hợp tác ba bên để có động lực mới. Nhóm này có thể trở thành nòng cốt của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) nhằm quản lý an ninh lục địa châu Á.

Mục tiêu chiến lược của Nga là nâng cấp quan hệ với Ấn Độ lên mức ngang bằng quan hệ với Trung Quốc. Hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược Trung-Nga, thiết lập lại quan hệ với các nước châu Âu và hợp tác chặt chẽ hơn với Nhật Bản sẽ trở thành những yếu tố mang tính cơ cấu chủ yếu trong chính sách ngoại giao của Nga, đảm bảo cho sự cân bằng địa chính trị của Nga ở lục địa Á-Âu.

***

Trong tương lai gần, vấn đề địa chính trị chủ yếu của Nga không phải là đối đầu với Mỹ, mà là duy trì sự cân bằng với đối tác Trung Quốc. Nga phải chú ý bảo vệ đầy đủ chủ quyền và độc lập của mình trước Trung Quốc, đây là nền tảng vững chắc duy nhất để xây dựng quan hệ hữu nghị và mang lại nhiều thành quả với Trung Quốc.

Điều này phụ thuộc phần lớn vào khả năng của Nga trong phát triển kinh tế và khôi phục địa vị cường quốc công nghệ. Do nguyên nhân chính trị và kinh tế, có khả năng nguồn lực trong nước của Nga sẽ không được sử dụng đầy đủ. Do đó, Nga cần xây dựng lại và tăng cường quan hệ với những nguồn lực hiện đại hóa kinh tế chủ yếu khác ở lục địa Á-Âu, đó là các nước châu Âu, Nhật Bản và Ấn Độ.

Tuy quan hệ với Mỹ có thể vẫn trong trạng thái đối kháng trong tương lai gần, nhưng thái độ và hành động của Nga phải thận trọng trước sự đối đầu Trung-Mỹ đang gia tăng. Duy trì tình trạng cân bằng phải trở thành nguyên tắc chủ yếu của chính sách đối ngoại của Nga trong những thập kỷ tới.

(theo ESSRA)

Nguyễn Hoàng

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/can-bang-bai-toan-dau-dau-cua-nga-thoi-hau-covid-19-116230.html