Cần ban hành quy định cấm vận chuyển, buôn bán các loại thuốc lá mới

'Mình coi quảng cáo các sản phẩm mới, các thứ về các loại hương vị thì mình cũng thấy tò mò, mua về dùng thử mình lại thích sau đấy mình dùng nhiều hơn'. Đó là chia sẻ của một chàng trai 22 tuổi trong khảo sát về sử dụng thuốc lá mới ở giới trẻ do HealthBridge và Hội Y tế công cộng thực hiện tháng 7-2020.

Đây là một trong những dẫn chứng về việc các hình thức quảng cáo, tiếp thị đã thu hút ngày càng nhiều người trẻ tuổi tìm đến thuốc lá thế hệ mới dẫn đến tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong lứa tuổi thanh thiếu niên tại Việt Nam có sự gia tăng nhanh. Năm 2015 chỉ có 0,2% dân số sử dụng thuốc lá điện từ thì đến năm 2019 riêng lứa tuổi 13-17 sử dụng thuốc lá điện tử đã chiếm 2,6%.

ThS Lê Thị Thu, quản lý Chương trình phòng chống tác hại thuốc lá và bệnh không lây, Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam cho biết, ngành công nghiệp thuốc lá nhắm tới giới trẻ để tạo ra một thế hệ hút thuốc lá mới thay thế 50% số người hút thuốc lá trưởng thành sẽ tử vong sớm nhằm mục tiêu duy trì việc sử dụng thuốc lá và gia tăng lợi nhuận.

Để thu hút người sử dụng, các hãng thuốc lá quảng cáo thuốc lá điện tử có tác dụng cai nghiện thuốc lá truyền thống, không gây hại; kèm theo đó là nhiều chiêu thức bán hàng trên mạng xã hội nhằm vào giới trẻ: giá rẻ, tạo xu hướng thời thượng cho sản phẩm; thiết kế sản phẩm hiện đại, bắt mắt, đa dạng kiểu dáng và kích thước; đóng gói như kẹo; nhiều hương vị... tạo ấn tượng của thanh thiếu niên về sản phẩm-động lực thúc đẩy sử dụng.

 Thuốc lá điện tử làm gia tăng các bệnh về tim mạch, hô hấp. Ảnh minh họa

Thuốc lá điện tử làm gia tăng các bệnh về tim mạch, hô hấp. Ảnh minh họa

Một nữ 21 tuổi trong khảo sát về sử dụng thuốc lá mới ở giới trẻ bày tỏ: “Em thấy thứ nhất là nó tiện hơn thuốc lá. Thứ hai là em thấy nhiều kiểu dáng, mẫu mã đẹp ý ạ. Trông nó rất ăn chơi”.

Tuy nhiên, ThS Lê Thị Thu cho biết, các nghiên cứu cho thấy hút thuốc lá mới đã làm giảm hoặc cản trở việc cai thuốc lá ở cấp độ quần thể thông qua việc sử dụng kép (xen kẽ giữa thuốc lá truyền thống và thuốc lá điện tử/thuốc lá nung nóng) hoặc cả 3 loại này. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kết luận: “Không giống như các dược phẩm chứa và không chứa nicotine đã được thử nghiệm có tác dụng giúp bỏ thuốc lá, WHO không xác nhận thuốc lá điện tử giúp hỗ trợ cai nghiện”.

Tại khảo sát của về sử dụng thuốc lá mới ở giới trẻ thực hiện tháng 7-2020, một nam, 21 tuổi cho biết: “Lúc đầu em chỉ hút thuốc lá điện tử để bỏ thuốc lá truyền thống. Nhưng mà hút một thời gian thì em cảm thấy nó nhạt đi. Nên là nhiều khi em hút 1, 2 điếu kiểu cho đỡ thèm, đỡ nhạt”.

Một trường hợp khác trong khảo sát chia sẻ: “Bạn bè em hút song song. Có rất nhiều người sử dụng thuốc lá điện tử xong họ sẽ hút kèm với thuốc lá nữa, tất nhiên là họ đã giảm hút thuốc lá rồi nhưng họ vẫn hút song song trong những lúc họ thèm, họ cảm thấy cần một cái gì đó nặng hơn thì họ sẽ hút thuốc lá”.

Về tác hại của thuốc lá điện tử đối với sức khỏe, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, GĐ BV Phổi Trung ương, Hội phổi Việt Nam cho biết: Thuốc lá điện tử tăng nguy cơ tim mạch do sử dụng thuốc lá điện tử, thông qua cơ chế làm tăng nguy cơ hình thành huyết khối và xơ vữa động mạch. Cùng đó, các chất tạo mùi trong thành phần thuốc lá điện tử làm trầm trọng thêm rối loạn chức năng tế bào nội mô làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch.

Bên cạnh đó, sử dụng thuốc lá điện tử làm thay đổi cân bằng hệ thống thần kinh tim, sang ưu thế cường giao cảm, tăng tình trạng stress oxy hóa cũng làm tăng nguy cơ tim mạch.

Thuốc lá điện tử cũng ảnh hưởng đến bệnh hô hấp. Các kim loại như nikel, chrom, cadimi, đồng và mangan được giải phóng từ thuốc lá điện tử được báo cáo có khả năng gây ra một số tác dụng bất lợi. Bao gồm khó thở, ho và thở khò khè, kích thích phế quản và phổi, mắt và đường hô hấp trên, suy giảm chức năng phổi, cũng như ung thư phổi, mũi xoang.

Khói thuốc lá điện tử sẽ kết tụ thông qua cân bằng protein và suy giảm khả năng tự hấp thu và đóng vai trò như một cơ chế gây viêm gốc oxy hóa, chết theo chương trình, lão hóa và có thể cải thiện bằng tự hấp thụ.Từ đó cho thấy, thuốc lá điện tử có khả năng gây ra bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD). Khói thuốc làm tăng nguy cơ khởi phát cơn hen, hen khó kiểm soát…

Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng hiện có xu hướng nhắm tới đối tượng là giới trẻ (đặc điểm thiết kế hấp dẫn, nồng độ nicotin cao), ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, môi trường, lối sống, hành vi của giới trẻ. Nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng tới giới trẻ là sử dụng ma túy và các chất kích khác đồng thời với thuốc lá điện tử.

Vì vậy, theo GS.TS Nguyễn Viết Nhung, cần ban hành ngay quy định cấm, vận chuyển và buôn bán các loại thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trước khi tràn lan trên thị trường. Cần có biện pháp quản lý chặt chẽ việc quảng cáo, rao bán các sản phẩm này, đặc biệt trên internet (facebook, youtube, forum…).

Đồng thời, tăng cường các biện pháp phòng chống tác hại của thuốc lá theo Luật Phòng chống tác hại thuốc lá và Công ước khung của WHO. Đặc biệt tại trường học, cơ sở y tế, nơi tập trung đông người…

Vân Hà

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/can-ban-hanh-quy-dinh-cam-van-chuyen-buon-ban-cac-loai-thuoc-la-moi-210796.html