Cần bám sát nhu cầu xã hội

Giai đoạn 2016 - 2018, hơn 720.000 lao động là người dân tộc thiểu số (DTTS) đã được đào tạo, dạy nghề. Tuy nhiên, đại đa số đồng bào sau khi học nghề vẫn không thể chuyển sang nghề đã được đào tạo. Thực trạng này không chỉ khiến chính sách không đạt hiệu quả đặt ra mà còn gây lãng phí không nhỏ cho ngân sách Nhà nước.

Hiện nay, chính sách lớn nhất đối với công tác dạy nghề vẫn là Đề án 1956. Vậy nhưng, đối tượng của Đề án 1956 là lao động nông thôn nói chung, chứ không riêng người DTTS. Giám sát của Hội đồng dân tộc của Quốc hội cho thấy, lao động nông dân người DTTS được đào tạo chủ yếu là tập huấn, bồi dưỡng kiến thức sản xuất (dưới 3 tháng). Nội dung, chương trình đào tạo còn nặng về lý thuyết, chưa thực sự phù hợp với trình độ nhận thức của lao động. Đây là lý do khiến tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên DTTS chiếm tới 5,76% - gấp 2,5 lần so với tỷ lệ lao động thất nghiệp của cả nước.

Để đồng bào DTTS sống được bằng nghề đã học cần có cơ chế, chính sách ưu tiên cho người học nghề

Bày tỏ quan điểm trước những bất cập của công tác đào tạo nghề cho người DTTS hiện nay, ông Quàng Văn Hương – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La cho biết: Theo kết quả báo cáo của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp: Giai đoạn 2016-2018 đã đào tạo, dạy nghề cho hơn 720.000 người DTTS. Con số thống kê thì tương đối lớn, nhưng kết quả tìm hiểu thực tế ở một số địa bàn ở Sơn La lại cho thấy, có tới 72-78% người được dạy nghề không sử dụng nghề đã học; 71,6% người đã học nghề đề nghị được học nghề mới; 38% số người học nghề có nhu cầu vay vốn phát triển nghề nhưng không vay được…

Nguyên nhân dẫn đến sự thiếu hiệu quả này, theo ông Quàng Văn Hương là do kinh phí dành cho đào tạo nghề quá nhỏ, mới chỉ đáp ứng được chưa đến 30% nhu cầu. Nguồn kinh phí này lại bị phân tán qua nhiều chương trình, dự án. Cụ thể như không ít chương trình dạy nghề, kinh phí còn được lồng ghép vào chương trình xây dựng nông thôn mới nên các huyện được phân bổ rất ít.

Bên cạnh vấn đề “dạy nghề chưa theo nhu cầu của xã hội” tồn tại nhiều năm nay, hiện vẫn còn nhiều lớp dạy nghề mở không đúng thời điểm, dạy trong thời gian quá ngắn, thiếu thực hành… nên bà con rất khó để thạo nghề. Trong khi, các cơ chế, chính sách ưu tiên cho người học nghề là người DTTS lại chưa có.

Từ những hạn chế này, ông Quàng Văn Hương cho rằng: Song song với việc triển khai chính sách; các bộ, ngành liên quan cần có hướng dẫn, theo dõi số người được đào tạo nghề xem việc áp dụng nghề, cũng như hiệu quả từ nghề đã học mang lại là như thế nào, từ đó có hướng bổ sung và khắc phục. “Rõ ràng là chính sách đào tạo nghề cần phải tiếp tục được thực hiện. Tuy nhiên, phải tập trung chỉ đạo để Ban chỉ đạo dạy nghề huyện, xã vào cuộc tích cực, có như vậy, chương trình mới thật sự có hiệu quả” – ông Quàng Văn Hương nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề này, ông Giàng A Chu – Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội cho rằng: Cùng với việc đào tạo nghề đúng yêu cầu xã hội; vấn đề đầu tư vào các tiểu dự án sản xuất để phát triển sinh kế cho bà con là rất cần thiết. Sản xuất có phát triển thì bà con mới có cơ hội áp dụng nghề. Với các mô hình làm ăn hiệu quả, có triển vọng… cần tuyên truyền, đầu tư để nhân rộng. Không có nước nào trên thế giới giảm nghèo bằng cách hỗ trợ. Vì đây là cách làm rất thiếu bền vững. Bà con phải có tay nghề, có việc làm thì mới giảm được tính ỷ lại, bị động. Chính vì vậy, phải tiếp tục rà soát các chính sách dạy nghề. Chính sách nào không hiệu quả thì giảm bớt, thậm chí cắt bỏ. Chính sách nào hiệu quả, cần dành nguồn kinh phí lớn hơn để đào tạo bài bản, từ đó giúp đồng bào được học nghề sống được nhờ nghề.

Về việc bố trí tạo việc làm cho người lao động là đồng bào DTTS, ông Giàng A Chu nêu vấn đề: Hiện nay, nhiều tập đoàn, tổng công ty, công ty sản xuất lớn đã có mặt ở các tỉnh miền núi. Chính phủ cần có sự chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty, công ty liên kết phối hợp dạy nghề và tạo việc làm cho đồng bào DTTS tại địa phương… Đây cũng là cách hiệu quả để giảm lao động dời quê đi làm ăn xa, hạn chế tình trạng lao động bỏ ra nước ngoài làm việc theo con đường bất hợp pháp.

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/can-bam-sat-nhu-cau-xa-hoi-109982.html