Cần bám sát nhu cầu thực tế

Thống kê mới nhất cho thấy, số lao động là người DTTS được hỗ trợ đào tạo nghề là khoảng 1,1 triệu người - chỉ bằng 14% tổng số 8 triệu người DTTS đang trong độ tuổi lao động. Trong đó, vẫn còn một số lượng không nhỏ lao động đã qua đào tạo không sống được bằng nghề.

Hơn 81% lao động DTTS làm nông nghiệp

Với mục tiêu tạo việc làm, cải thiện thu nhập cho đồng bào DTTS, từ năm 2005 trở lại đây, Chính phủ liên tục có các Quyết định ưu tiên phát triển, đào tạo nghề đối với người DTTS. Bên cạnh việc được bố trí chỗ ở, người học nghề là đồng bào DTTS còn được hỗ trợ đào tạo 3 - 4 triệu đồng/người/khóa học 3 tháng; được hỗ trợ tiền ăn với mức 30.000 đồng/người, ngày thực học và tiền đi lại (Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg); thậm chí nhiều trường nghề còn cử giáo viên đến tận các thôn, bản để dạy nghề cho bà con.

Làm sao để lao động qua đào tạo sống được bằng nghề vẫn là một thách thức lớn đối với công tác dạy nghề

Làm sao để lao động qua đào tạo sống được bằng nghề vẫn là một thách thức lớn đối với công tác dạy nghề

Chính sách là vậy nhưng thực tế, tiến sĩ Nguyễn Hải Hữu (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết: Có không ít chương trình, tiền bố trí để học nghề không tiêu hết do không kêu gọi được đồng bào đến học nghề. Đến nay, tỷ lệ lao động người DTTS đã qua đào tạo nghề có bằng cấp chứng chỉ mới là 6,2% - thấp hơn nhiều so với tỷ lệ chung của cả nước là 22,22%. Thậm chí, có 9 dân tộc không có một lao động nào qua đào tạo, có bằng cấp chứng chỉ, như: dân tộc Xờ Tiêng, Mảng, Bờ Râu, Rơ Măm, Ba Na, Phù Lá…

Thực tế cho thấy, cơ cấu lao động người DTTS đang chuyển dịch ngược. Trong khi lao động người Kinh đang hướng đến các lĩnh vực dịch vụ, kỹ thuật, công nghiệp thì có tới hơn 81% lao động người DTTS vẫn làm nông nghiệp, có dân tộc còn hơn 95%. “Đất sản xuất ngày càng thu hẹp, tình trạng thiếu đất sản xuất đang khá phổ biến ở một số địa phương. Nếu cả thôn, cả xã, cả huyện, lao động đều trông vào nông nghiệp… thì lấy đâu ra đất để sản xuất” – Tiến sĩ Nguyễn Hải Hữu nêu vấn đề.

Không có việc làm, thu nhập chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp mưa nắng thất thường, giá cả bấp bênh… chính là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến thu nhập của các hộ đồng bào DTTS đạt thấp. Tỷ lệ hộ nghèo trong vùng DTTS và miền núi theo đó giảm chậm, nhiều hộ nhanh chóng tái nghèo sau khi thoát nghèo không lâu.

Nghề không gắn với nhu cầu

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc nhiều lao động người DTTS không “mặn mà” với việc học nghề. Trong đó, có nguyên nhân do địa phương chưa chú trọng tuyên truyền, tư vấn, vận động người dân học nghề; chưa có những chương trình tìm kiếm việc làm, hướng dẫn vay vốn sau đào tạo và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm…

Tuy nhiên, lý do khiến bà con ngại đi học nghề hay học rồi lại không làm nghề chủ yếu là do nhiều nghề được đào tạo không phù hợp với nhu cầu. Thực tế, cả nhiều đời gắn bó với nông nghiệp, đa phần bà con chỉ quen trồng cấy, chăn nuôi, đan lát… nhưng để đảm bảo cơ cấu ngành nghề ở địa phương, bà con được chọn đi học các nghề phi nông nghiệp như: Xây dựng, điện dân dụng, sửa chữa xe máy… Thời gian học ngắn, nhiều lao động chỉ mới kịp làm quen với nghề nên chưa tự tin lập nghiệp bằng nghề. “Tôi có đi học sửa xe máy khóa 3 tháng, nhưng học về cũng không biết làm ở đâu vì bản có vài chục nóc nhà, sống riêng lẻ. Hỏng xe cũng không ai dắt ngược dốc lên nhà mình sửa, mà thuê cửa hàng dưới trung tâm thì tôi không dám, vì tay nghề chưa vững” – anh Vừ A Páo (huyện Mù Cang Chải, Yên Bái) chia sẻ.

Bên cạnh đó, các lớp đào tạo dành cho đồng bào chủ yếu là lớp học nghề ngắn hạn, số người đạt trình độ trung cấp, cao đẳng thấp, dẫn đến việc chuyển đổi sang các nghề công nghiệp, dịch vụ của bà con gặp không ít khó khăn. Chưa kể tới việc, số lượng doanh nghiệp hoạt động tại các địa bàn miền núi rất hạn chế, nhiều người học các nghề phi nông nghiệp xong không thể tìm được môi trường để làm việc.

Từ thực tế này, bên cạnh yêu cầu đổi mới, đa dạng hóa hình thức dạy nghề cho phù hợp với đặc thù về kinh tế - xã hội, tập quán và trình độ sản xuất của người DTTS mỗi vùng miền cụ thể; rất cần phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động để gắn kết đào tạo và sử dụng lao động. Đặc biệt, làm sao để doanh nghiệp trở thành một trong những chủ thể tham gia đào tạo nghề và giải quyết việc làm sau đào tạo cho người lao động DTTS.

Phương Tú

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/can-bam-sat-nhu-cau-thuc-te-125386.html