Campuchia hồi sinh và nghĩa tình Quốc tế cao cả của Việt Nam còn sáng mãi...!

Sinh thời cứ vào ngày 07/01 hàng năm, Nhà báo Đỗ Phượng, Nguyên Tổng giám đốc TTXVN, Nguyên Trưởng đoàn chuyên gia TTXVN tại Campuchia (01/1979 - 06/1981) nhớ lại những năm tháng không thể nào quên tại Campuchia.

Nhà báo Đỗ Phượng (1930 - 2017)

Phnom Penh, Campuchia thực sự được cả nhân loại biết tới là địa ngục trần gian dưới thời Pol Pot! Kỷ niệm 40 năm ngày chiến thắng nạn Diệt chủng ở Campuchia năm nay (07/01/2019), Nhà báo Đỗ Phượng đã đi xa về cõi vĩnh hằng bên Bác Hồ và những người đồng chí của mình nhưng tâm tư về Nghĩa tình Quốc tế cao cả của Việt Nam với Campuchia vẫn còn vang vọng mãi mãi...

Đúng vào ngày này 40 năm trước (07/1/1979), Phnom Penh hoàn toàn giải phóng. Ngay tối hôm ấy, theo sự phân công của cấp trên, Nhà báo Đỗ Phượng vào Thành phố Hồ Chí Minh để ngày hôm sau sang Phnom Penh nhận nhiệm vụ Trưởng đoàn chuyên gia Thông tấn xã Việt Nam giúp Campuchia xây dựng hãng thông tấn Saporamean Kampuchea (SPK).

Nhà báo Đỗ Phượng kể, hôm đó ông rời Thành phố Hồ Chí Minh với vài bộ đồ dã chiến còn lại từ thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, nhà báo Đỗ Phượng sang Phnom Penh bằng máy bay trực thăng quân sự. Đặt chân xuống phi trường, ông không thể tin vào những gì đang diễn ra trước mắt mình. Một thành phố ‘chết’ đúng theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Một Thủ đô không có bóng người, sự hoang lạnh đến bàng hoàng không thể tin nổi.

Đến mãi tận sau này, ông vẫn ám ảnh khi nghĩ lại cảnh dọc hai bên đường, cỏ dại mọc um tùm, những ngôi nhà tan hoang, đồ đạc ngổn ngang, vỡ nát. Nhiều cuốn lịch bị cháy xém ở góc hoặc thủng lỗ chỗ trên mặt giấy, nằm nghiêng ngả trên những bức tường hoen ố màu thời gian. Dẫu vậy, người ta vẫn nhận rõ những con chữ, số trên đó, những tờ lịch dừng lại ở ngày 17/4/1975 - ngày chế độ diệt chủng Khmer Đỏ buộc người dân phải rời khỏi thành phố.

Nhà báo Vũ Xuân Bân, những năm tháng không thể nào quên ở Campuchia

Khi đó, thông tin tư liệu Thông tấn được coi là nguồn thông tin chiến lược nên Việt Nam đã cử khoảng 100 cán bộ, phóng viên, biên tập viên và kỹ thuật viên của TTXVN sang giúp nước bạn xây dựng hãng thông tấn SPK.

Nhớ lại thời kỳ gian khó này, nhà báo Đỗ Phượng kể, suốt nhiều tháng kể từ tháng 1/1979, bữa ăn của đoàn chuyên gia Thông tấn xã Việt Nam và những người bạn SPK chỉ có cơm và cá khô.Thậm chí, gạo và những nhu yếu phẩm cần thiết đều phải chuyển từ Việt Nam sang. Giờ đây, giữa thành phố từng có những nhà tù được coi là địa ngục trần gian, những hố chôn tập thể ấy, rau xanh trở thành một thứ xa xỉ.

Mặc dù, khó khăn chồng chất nhưng những chuyên gia, nhà báo, phóng viên, biên tập viên của TTXVN rất tích cực, nhiệt tình giúp đỡ các đồng nghiệp nước bạn và những người bạn Campuchia cũng rất chủ động học tập, tiếp thu kiến thức, kinh nghiệm rất nhanh nhạy trong quá trình xây dựng hãng thông tấn SPK, đặc biệt là phụ nữ Campuchia có rất nhiều tiến bộ.

Nguyên Tổng giám đốc TTXVN nhấn mạnh: "Cùng với sự giúp đỡ trên các mặt trận, các lĩnh vực khác, TTXVN đã giúp nước bạn toàn bộ, toàn diện, ngay từ đầu với tinh thần Quốc tế cao cả trong sáng. Campuchia từng bước hồi sinh. Lịch sử nhân loại sẽ minh xét cho tinh thần Cộng sản trong sáng đó của Việt Nam. Một thực tế không thể phủ nhận được rằng, Dân tộc Việt Nam, Nhân dân Việt Nam và Quân tình nguyện Việt Nam đã đổ máu, nước mắt của mình để xả thân cứu bạn khỏi nạn diệt chủng tàn bạo không thể nào quên trong lịch sử nhân loại..."

Nhà báo Vũ Xuân Bân và Nhà báo Đỗ Phượng trong một lần ôn lại những kỷ niệm không thể nào quên ở "Thành phố Chết" và "Địa ngục trần gian" trong những năm tháng giúp nước bạn Campuchia

Trong những lần kể về chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, Nhà báo Đỗ Phượng cũng không quên nhắc đến việc phóng viên của TTXVN là những người đầu tiên phát hiện ra những hành động gây hấn của kẻ thù. Một trong những phóng viên được ông nhắc tới là nhà báo Vũ Xuân Bân, nguyên đặc phái viên TTXVN tại biên giới Tây Nam từ tháng 9 năm 1977, chuyên gia TTXVN giúp Thông tấn xã SPK (nay là AKP) trong các năm (1978-1979).

Nghĩ về những năm tháng không thể nào quên cùng Nhà báo Đỗ Phượng và các chuyên gia của TTXVN giúp bạn xây dựng nguồn tin chiến lược từ đổ nát, Nhà báo Vũ Xuân Bân chia sẻ: "Sau 40 năm gắn bó trọn đời với TTXVN, tôi đã nghỉ hưu đầu năm 2011, vẫn vấn vương một trong những kỷ niệm sâu sắc nhất trong đời làm phóng viên, sau chiến thắng vang dội 30/4/1975, lại cùng đồng đội tiếp tục đưa tin về "những mùa hoa đỏ" của đất nước trong những ngày sôi động, quyết liệt, một lần nữa hành quân ra trận bảo vệ biên giới Tây Nam và làm chuyên gia giúp nước bạn Campuchia. Một Campuchia với sự giúp đỡ chí tình của Việt Nam đứng lên từ đống hoang tàn thì hoàn toàn có thể tỏa sáng cùng bè bạn năm Châu, xứng danh với truyền thống vẻ vang của đất nước Chùa Tháp với sự quyến rũ của Angkor Thom, Angkor Wat..."

Lịch sử nhân loại và nhân dân tiến bộ yêu chuộng hòa bình trên toàn Thế giới mãi mãi ghi nhớ những hành động quốc tế cộng sản trong sáng của Cu Ba với Việt Nam và của Việt Nam với Campuchia. Sự thực, Việt Nam và Campuchia đã hồi sinh và nghĩa tình Quốc tế cao cả của Cu Ba và Việt Nam còn sáng mãi trong lịch sử nhân loại!

Vương Xuân Nguyên

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.net.vn/campuchia-hoi-sinh-va-nghia-tinh-quoc-te-cao-ca-cua-viet-nam-con-sang-mai-56609.htm