Campuchia còn làm được mắm chứa i-ốt mà Việt Nam thì chưa?

ĐBQH Dương Trung Quốc đặt câu hỏi rằng, vì sao người Campuchia biết làm mắm có chứa i-ốt nhưng doanh nghiệp Việt thì kêu khó.

Tại Hội thảo "Tăng cường thực thi Nghị định 09/2016/NĐ-CP về bổ sung vi chất vào thực phẩm" do Liên hiệp các Hội Khoa học-Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức sáng 14/12, ĐBQH Dương Trung Quốc đã nêu một vấn đề hết sức quan ngại rằng: Việt Nam đang thua kém các nước bạn như Campuchia không chỉ bởi sự vận hành giúp đỡ doanh nghiệp trong nước phát triển mà còn bởi chính quan điểm của các doanh nghiệp.

Theo đó, ông Quốc ghi nhận những thành quả nghiên cứu ở Việt Nam và trên thế giới khi cho rằng, việc bổ sung i-ốt vào thực phẩm sử dụng hàng ngày là điều hết sức quan trọng và cần thiết. Điều này đã được luật hóa thông qua Nghị định 09/2016 của Chính phủ, trong đó yêu cầu bổ sung i-ốt vào trong thực phẩm trước khi bán ra thị trường, đặc biệt mắm, muối, nước chấm, nước tương...

ĐBQH Dương Trung Quốc phát biểu tại Hội thảo.

Các doanh nghiệp thì nói rằng, nếu bổ sung thêm i-ốt sẽ mất thêm chi phí, cho i-ốt vào muối thì dễ, nhưng cho vào nước mắm thì làm mất màu, mùi vị của sản phẩm truyền thống, bị khách hàng tẩy chay, làm mất uy tín trên thị trường...

Ngoài ra, nếu bổ sung thêm i-ốt thì sẽ tốn thêm chi phí. Nếu Nhà nước hỗ trợ hoặc cấp miễn phí như trước đây thì đảm bảo kết quả sẽ không chỉ là 6%...

Song ĐBQH Dương Trung Quốc hỏi: Vì sao ở Campuchia cũng đặt ra yêu cầu 100% thực phẩm ra thị trường phải được đảm bảo có i-ốt? Và bây giờ đang làm rất tốt các mục tiêu đó. Nhưng ở Việt Nam thì sau 2 năm thực hiện Nghị định 09 vẫn chỉ nghe thấy lý do mà không có một kết quả khả quan nào?

Ông nói: "Người Việt và cả doanh nghiệp Việt có một tập tính rất xấu là nhìn nhau làm. Nghị định có rồi nhưng hàng xóm không làm, đối thủ không làm thì mình không vội đi đâu mà phải làm. Trong suốt 2 năm vừa qua, hình như không có doanh nghiệp nào động đậy".

Doanh nghiệp Campuchia nói họ được Chính phủ hỗ trợ chi phí, họ được các tổ chức khoa học trong nước và các tổ chức quốc tế hướng dẫn để làm thành công việc đưa i-ốt vào trong nước mắm mà không làm thay đổi hương vị, màu sắc nước mắm...

Vậy Việt Nam thiếu sót ở khâu nào?

"Chúng ta phải học những người bạn Campuchia. Họ cho chúng ta thấy sự khăng khít trong thực hiện và thực thi luật pháp, cũng như nỗ lực chung tay của các bộ ngành, tổ chức dân sự, giới khoa học và doanh nghiệp. Điều này chúng ta còn rất yếu" - ĐBQH Dương Trung Quốc đánh giá.

Bên cạnh đó, ông Quốc không cho rằng mục tiêu đưa i-ốt vào thực phẩm không chỉ do lỗi của doanh nghiệp mà còn ở cả các cơ quan chức năng và cấp lãnh đạo.

"Chúng ta đã từng rất thành công về đảm bảo chất lượng cuộc sống của cộng đồng bằng cách Chính phủ bao tiêu miễn phí muối chứa i-ốt. Nhưng chúng ta dừng lại vì muốn doanh nghiệp phải tự thân vận động, vì chuyển đổi mô hình bao cấp... nhưng tình hình lại đi xuống. Vì sao không làm cách cũ, kể cả khi nó tốn kém cũng là vì cải thiện sức khỏe của nhân dân?" - ông Quốc đặt vấn đề.

Ông cho rằng, dù đã không còn bao cấp nhưng Chính phủ vẫn còn trách nhiệm về việc đảm bảo cuộc sống của nhân dân và xã hội. Nhưng thực tế cho thấy, doanh nghiệp đang tự vật lộn với chi phí và nguồn cấp vi chất vào thực phẩm, công nghệ nữa. Bên cạnh đó còn đặt ra thời gian gấp rút (1 năm) khiến doanh nghiệp không kịp chuyển đổi mô hình.

Bên cạnh đó, dù Việt Nam áp đặt các tiêu chuẩn hàm lượng i-ốt đối với 100% sản phẩm thực phẩm Việt trước khi đưa ra thị trường nhưng các sản phẩm nhập khẩu vào Việt Nam lại không yêu cầu điều đó ví như nước mắm nhập khẩu Thái Lan.

Điều này là sự bất bình đẳng trên thị trường.

Phân loại muối và mắm có (cột bên trái) và không (cột bên phải) chứa i-ốt trên thị trường.

Trong khi đó, bà Karen Codling - Điều phối khu vực mạng lưới i-ốt toàn cầu cho rằng, rõ ràng trong khi xây dựng nghị định, các cơ quan Chính phủ Việt Nam chưa tính toán đến việc sản phẩm sử dụng trong nước và sản phẩm xuất khẩu.

Ông Friday Nwaigwe - Trưởng Chương trình vì sự sống còn và phát triển của trẻ em UNICEF nói rằng: "Các doanh nghiệp bao biện họ bổ sung i-ốt vào muối và bị khách hàng nước ngoài phản đối. Nhưng tôi chỉ hỏi rằng: Họ thấy vấn đề khách hàng của họ quan trọng đến mức không thể thực hiện được một yêu cầu của Chính phủ.

Vậy trẻ em Việt Nam thì sao? Con trẻ của họ sẽ ra sao nếu ăn những thực phẩm họ làm ra không đủ đảm bảo cho sức khỏe và trí óc của chúng? Họ có phải là doanh nghiệp Việt không? Rốt cuộc, ai mới là người quan trọng? "

Theo báo cáo điều tra của Bộ Y tế do ThS. Đinh Thị Thu Thủy, chuyên viên Vụ Pháp chế trình bày tại Hội thảo, có nhiều thực phẩm không đủ hàm lượng i-ốt theo quy định, thậm chí không có i-ốt vẫn ghi nhãn là muối i-ốt, bổ sung i-ốt. Điều này khiến người dân dù có thực sự quan tâm đến sức khỏe của mình cũng không biết.

TSKH Nghiêm Vũ Khải - Phó Chủ tịch VUSTA phát biểu tại Hội thảo.

Đại diện doanh nghiệp Muối Thanh Hóa đề xuất, Nhà nước cần tiếp tục bao cấp vi chất bổ sung i-ốt vào muối, nước mắm bởi chi phí của chúng không quá lớn nhưng nếu để doanh nghiệp tự làm trong tình hình quản lý chưa sát sao hiện nay sẽ chỉ tạo điều kiện cho hàng chất lượng kém, hàng giả, bao gói đóng gói giả tràn ngập trên thị trường.

Vị này cho rằng: Nhà nước có thể cho những doanh nghiệp được đánh giá tốt mới được hưởng bao cấp.

Ông cũng đề xuất bỏ hẳn kiểu "phạt cho tồn tại" hiện nay bởi làm thực phẩm cần phải có đạo đức kinh doanh, nếu cho tồn tại mà ảnh hưởng tới sức khỏe của nhân dân thì không có gì đáng giá hơn nữa.

Cúc Phương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/bao-ve-nguoi-tieu-dung/campuchia-con-lam-duoc-mam-chua-i-ot-ma-viet-nam-thi-chua-3349003/