Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh): Nỗ lực khôi phục sản xuất thủy sản sau sự cố môi trường

Sau sự cố môi trường biển, bà con ngư dân huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đã mạnh dạn đóng nhiều con tàu mới để đánh bắt mang lại hiệu quả cao, phát triển nhiều mô hình kinh tế... Quyết tâm vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền của tổ quốc.

Nhiều con tàu được ngư dân Cẩm Xuyên đóng mới để vươn khơi, bám biển.

Nhiều con tàu được ngư dân Cẩm Xuyên đóng mới để vươn khơi, bám biển.

Nỗ lực khắc phục sự cố môi trường biển

Với đặc thù là huyện có chiều dài bờ biển 18 km. Toàn huyện Cẩm Xuyên có 9 xã, thị trấn vùng ven biển, cửa sông, gồm 82 thôn với gần 5,1 vạn dân sinh sống và bị ảnh hưởng trực tiếp bởi sự cố môi trường biển.

Sự cố môi trường biển xảy ra đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động khai thác biển và nuôi trồng thủy sản ven biển, làm giảm mạnh giá trị sản xuất lĩnh vực thủy sản; ảnh hưởng nặng nề đến các hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh doanh du lịch biển và tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự trên địa bàn huyện.

Sự cố đã làm tổng sản lượng khai thác thủy sản cả năm năm 2016 chỉ đạt 5.010 tấn bằng 41% kế hoạch (KH) và bằng 44% so với năm 2015; Diện tích nuôi tôm đạt 182,2 ha, bằng 50,3% KH, sản lượng nuôi trồng cả năm đạt 3.694 tấn, bằng 62% so với năm 2015.

Sản lượng và giá trị các loại thủy sản giảm mạnh từ 12.453 nghìn tấn vào năm 2015 xuống còn 8.703,6 nghìn tấn năm 2016 (trong đó: sản lượng khai thác giảm từ 8.050 nghìn tấn xuống còn 5.010 nghìn tấn, sản lượng nuôi trồng giảm từ 4.403 nghìn tấn xuống còn 3.694 nghìn tấn); cả năm 2016 tổng giá trị sản xuất ngành thủy sản chỉ đạt 198 tỷ đồng, chiếm 9,2% tổng giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, bằng 72,4% so với cùng kỳ 2015.

Tuy nhiên, sau những nỗ lực để bồi thường thiệt hại, khắc phục sự cố môi trường biển và khôi phục phát triển sản xuất, 11 tháng đầu năm 2017 các xã vùng ven biển và cửa sông đã có bước khôi phục sản xuất dành được những kết quả hết sức quan trọng: Tổng sản lượng khai thác đạt 8.500 tấn tăng 35% so với cùng kỳ năm 2016; diện tích nuôi trồng được khôi phục, đạt 100% KH; sản phẩm thủy sản đảm bảo an toàn, giá tiêu thụ đã tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2016 đã góp phần mang lại thu nhập và tạo niềm tin cho bà con ngư dân tiếp tục bám biển, bám các cơ sở để sản xuất.

Các mô hình nuôi trồng thủy sản ven biển mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ngư dân mạnh dạn đóng tàu mới để vươn khơi

Để đạt được kết quả nêu trên ngoài sự nỗ lực thực hiện công tác bồi thường, triển khai kịp thời các cơ chế chính sách, tổ chức hướng dẫn bà con nhân dân khôi phục phát triển sản xuất của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở phải kể đến tính cần cù chịu khó, không ngại gian khổ, đồng sức đồng lòng, khát vọng vươn xa bám biển của ngư dân các xã, thị trấn ven biển.

Điển hình như các chủ tàu ở Cẩm Nhượng, Cẩm Lĩnh, Cẩm Lộc và Thị trấn Thiên Cầm đã mạnh dạn đầu tư đóng mới 13 tàu công suất lớn từ 90 CV đến trên 800 CV (trong đó có 01 tàu đóng mới NĐ 67 và 01 tàu 700 CV), nâng tổng số tàu có công suất trên 90 CV toàn huyện đến nay 94 chiếc, đạt 21.096 CV, chiếm 9% tổng tàu cá các loại để ra khơi đánh bắt xa bờ, tiêu biểu như hộ ông Tôn Đức Vinh xã Cẩm Nhượng đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67, sau 8 tháng ra khơi đã cho thu nhập 80 triệu đồng/tháng sau khi trừ các chi phí sản xuất, tạo việc làm cho 8 lao động; ông Trần Trung Hiến xã Cẩm Lĩnh cho thu nhập 50 triệu đồng/tháng sau khi trừ chi phí, tạo việc làm cho 7 lao động; ông Nguyễn Huy Hoàng xã Cẩm Nhượng cho thu nhập 60 triệu đồng/tháng sau khi trừ chi phí, tạo việc làm cho 6 lao động v.v.

Ngoài việc nâng cấp công suất của các tàu thuyền ra khơi, bà con ngư dân đã liên kết thành lập các tổ đội tham gia đánh bắt trên biển, điển hình như Tổ đánh bắt xa bờ tại Cẩm Nhượng; công tác bảo vệ môi trường biển, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khai thác theo hướng bền vững được bà con quan tâm và tâm và phối hợp cấp ủy chính quyền địa phương để triển khai thực hiện, đặc biệt là hạn chế tối đa việc thực hiện đánh bắt bằng các nghề hủy diệt như te, dã cào, mìn, kíp nổ...

Bên cạnh các hoạt động khai thác hải sản thì hoạt động nuôi trồng thủy sản cũng đã có những chuyển biến hết sức tích cực. Các chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản đã mạnh dạn đầu tư khôi phục sản xuất thâm canh, áp dụng công nghệ cao để nuôi tăng vụ như: Hợp NTTS Cẩm Dương; các hộ Trần Thị Lợi, Phạm Viết Châu xã Cẩm Hòa; các hộ Lê Xuân Sinh, Lê Xuân Khậng, Lê Văn Hiến, Lê Quốc Lự xã Cẩm Lộc v.v.

Một số địa phương đã mạnh dạn chuyển đổi đối tượng nuôi, du nhập giống mới vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế như: nuôi ốc hương tại xã Cẩm Lĩnh thu nhập 700 triệu đồng/ha sau khi trừ chi phí; nuôi cá rô phi tại Cẩm Hưng thu nhập 110 triệu đồng/ha sau khi trừ chi phí. Công tác quan trắc môi trường, kiểm soát dịch bệnh được thực hiện nghiêm ngặt, trong sản xuất đã có sự liên kết thành lập các tổ cộng đồng nuôi trồng.

Đồng hành với bà con ngư dân, hiện tại tỉnh và huyện đang tích cực hoàn thiện các thủ tục để triển khai dự án xây dựng cầu cảng, cụm công nghiệp làng nghề tại xã Cẩm Nhượng nhằm phục vụ tốt nhất về dịch vụ hậu cần nghề cá trong tương lai gần cho các xã, thị trấn ven biển.

Đây sẽ là cơ sở và niềm tin để nghề khai thác, chế biến hải sản phát triển nhằm tạo việc làm tăng thu nhập cho bà con ngư dân gắn với xây dựng nông thôn mới và bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.

Đặng Sơn - Việt Hòa

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/cam-xuyen-ha-tinh-no-luc-khoi-phuc-san-xuat-thuy-san-sau-su-co-moi-truong-post246546.info