Cảm xúc vỡ òa khi luật sư bảo vệ thành công vụ 'đương sự định nhảy lầu'

Với sự vào cuộc kịp thời của luật sư Trương Anh Tú và các đồng nghiệp, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã hủy 2 bản án sơ, phúc thẩm vụ 'đương sự định nhảy lầu'.Mong một ngày có 48 tiếng!

Ông Lê Văn Dư.

Ông Lê Văn Dư.

Vừa nghe tòa tuyên án, đương sự lao ra định nhảy lầu

Trong suốt chặng đường hơn 1 thập kỷ kể từ ngày hoạt động trong lĩnh vực pháp luật, luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch TAT Law firm tự hào chia sẻ: "Kể từ khi thành lập cho đến nay, không năm nào, không giai đoạn nào, các luật sư thuộc công ty TAT không giải quyết những vụ việc đình đám, là tâm điểm của dư luận xã hội. Có thể bản thân các vụ án có tình tiết hấp dẫn, hoặc nhờ sự tận tâm của luật sư đem lại cái kết có hậu".

Ví dụ như vụ án "vợ trộm tiền của chồng". Vụ án xét ở góc độ luật pháp thì nhỏ, nhưng xét ở góc độ đạo đức, quan hệ gia đình thì có nhiều vấn đề cần suy ngẫm và đặc biệt kết quả vụ án khiến nhiều người bất ngờ.

Năm 2017, TAT Law Firm nhận lời kêu cứu của ông Lê Văn Dư, đương sự trong vụ án "Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ" ở Gò Vấp, TP.HCM. Sau khi nghe tòa phúc thẩm tuyên án, ông Dư định nhảy lầu nhưng được nhiều người ngăn cản kịp thời.

Theo nội dung vụ án, năm 1999, ông Phan Quý mua của ông Huỳnh Hữu Lợi mảnh đất 3.500m2 là đất trồng cây hằng năm bằng giấy tay. Năm 2002, ông Quý "cắt" 500m2 trong mảnh đất trên bán cho ông Khâu Văn Sĩ bằng giấy tay.

Đến năm 2005, ông Quý được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với toàn bộ diện tích 3.500m2 . Đến tháng 4/2009, ông Quý tiếp tục bán cho ông Lê Văn Dư và Lê Sỹ Thắng mỗi người 87m2 trong cùng thửa đất trên cũng bằng giấy tay. Sau khi mua, ông Dư và ông Thắng cùng bán lại đất cho ông Sĩ (tổng cộng 674m2).

Đến năm 2015 thì ông Sĩ bán lại toàn bộ đất cho ông Dư. Ông Dư đã đưa gia đình về đây sinh sống ổn định, khai báo tạm trú, tạm vắng và được chính quyền địa phương cấp số nhà.

Bất ngờ đến tháng 6/2017, ông Quý khởi kiện các ông Dư, Thắng, Sĩ ra TAND quận Gò Vấp, yêu cầu tòa tuyên các hợp đồng chuyển nhượng đất trước đây giữa ông Quý với các ông Dư, Thắng, Sĩ vô hiệu.

Xét xử sơ thẩm, TAND quận Gò Vấp đã tuyên hủy hợp đồng chuyển nhượng đất giữa ông Quý với ông Sĩ, công nhận 2 hợp đồng chuyển nhượng đất giữa ông Quý với ông Dư, ông Thắng. Không đồng ý, các bên kháng cáo, còn Viện trưởng VKSND quận Gò Vấp kháng nghị bản án sơ thẩm.

Xử phúc thẩm, TAND TP.HCM đã tuyên không công nhận việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Quý với các ông Dư, Sĩ, Thắng; không công nhận việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Sĩ, Thắng với ông Dư. Đồng thời, không công nhận quyền sử dụng đất của ông Lê Văn Dư đối với 674m2 .

Tòa buộc các bị đơn trả 674m2 đất cho nguyên đơn và nhận lại số tiền đã trả cho nguyên đơn trước đây kèm số tiền lãi với lãi suất 9%/năm.

Không đồng tình với phán quyết của 2 cấp tòa, 1 đương sự trong vụ án đã lao ra lan can định nhảy lầu tự tử nhưng được nhiều người ngăn cản.

Với sự vào cuộc kịp thời của luật sư Trương Anh Tú và các luật sư đồng nghiệp, vụ án đã được TAND Cấp cao tại TP.HCM rút lên xem xét và ra quyết định kháng nghị theo hướng hủy bản án sơ thẩm của TAND quận Gò Vấp và bản án phúc thẩm của TAND TP.HCM để giải quyết lại, bởi các bản án này có nhiều vi phạm về tố tụng lẫn nội dung.

Chiều 24/7, Ủy ban thẩm phán TAND Cấp cao tại TP.HCM đã xét xử giám đốc thẩm, chấp nhận toàn bộ kháng nghị của Chánh án TAND Cấp cao tại TP.HCM, hủy 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm vụ "đương sự định nhảy lầu". Niềm vui như vỡ òa, không chỉ đương sự bật khóc vui sướng mà các luật sư cũng không giấu được cảm xúc hạnh phúc khi đã mang công lý về cho thân chủ của mình.

Chuyện đời chuyện nghề

Trong tiết trời thu se se lạnh, được nghe những chia sẻ hết sức bình dị, gần gũi của 1 luật sư chuyên nghiệp và cũng là nhà sáng lập – Điều hành TAT Law firm ngày càng phát triển, chúng tôi càng thêm trân quý nghề luật sư.

Để có được những thành công như ngày hôm nay, luật sư Trương Anh Tú chia sẻ cởi mở: Trải qua một chặng đường dài học vấn, sinh tử trước mỗi kỳ thi khắc nghiệt, song không phải ai cũng có thể trở thành luật sư chuyên nghiệp. Nhất là trong quá trình hành nghề, ngoài nghiên cứu pháp luật, người làm nghề cần phải hoàn thiện bản thân, hội tụ đủ các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết; nói thì như một diễn giả, viết như một nhà báo, nghiên cứu pháp luật như một luật gia. "Điều đó có quá sức đối với một con người không? Điều đó rất quá sức, nhưng chúng ta luôn phải hoàn thiện để theo được nghề", luật sư Tú nói.

Cũng theo luật sư Tú, hiện nay, thói quen sử dụng dịch vụ luật sư mới chớm nở ở giai đoạn đầu. Theo kinh nghiệm của luật sư, người miền Bắc có thói khi gặp khó khăn là nhấc máy gọi điện cho người thân và các luật sư vẫn thường hay nói đùa với nhau rằng, phải đến khi "Chuột chạy cùng sào" thì mới tìm đến luật sư. Nên những vụ việc các luật sư tiếp nhận sẽ là rất khó, đặc biệt khó.

Chính vì luôn cầu toàn trong công việc, khắt khe trong quá trình hành nghề nên có vụ án chỉ tính riêng kiến nghị luật sư gửi tới các cơ quan ban ngành đã lên tới hơn 160 kiến nghị, chưa kể hàng tá các văn bản khác. Thử tưởng tượng một vụ án kéo dài tới 2, 3 năm thì số lượng văn bản sẽ nhiều tới đâu, trí tuệ, công sức mà luật sư đổ vào một vụ án là rất lớn.

Hoạt động trải dài trên khắp cả nước, do vậy thời gian di chuyển cũng là một áp lực lớn đối với các luật sư. Chính vì đầu tư rất nhiều tâm huyết vào công việc nên đa phần các luật sư sẽ thiệt thòi trong việc chăm sóc, dạy dỗ con cái.

Chia sẻ câu chuyện giữa 3 bố con trong bữa ăn, bất ngờ cả hai cậu con trai của luật sư Tú tâm sự nói nhớ bà mà không phải là bố, mặc dù thời gian ở bên bố là rất hiếm hoi. Nếu như là người mẹ nghe được câu nói này của các con sẽ bật khóc, nhưng đối với 1 người bản lĩnh như luật sư Tú, dù có đôi chút chạnh lòng song luật sư cũng nhanh chóng tìm hiểu được lý do, có lẽ các con đã chai sạn với việc bố vắng nhà. Đây cũng chính là một sự mất mát, thiệt thòi rất lớn đối với luật sư.

Nhưng với con đường mà mình lựa chọn, sứ mệnh bảo vệ công lý đè nặng trên vai, các luật sư vẫn luôn cố gắng một cách tốt nhất để đưa mọi sự vụ về đúng quỹ đạo. Và kết quả như ý sau mỗi vụ án chính là món quà lớn nhất trong cuộc đời hành nghề của các luật sư. Đây chính là những chân giá trị mà các luật sư muốn đem đến cho cuộc đời.

Luật sư Trương Anh Tú nói: "Vì nhiều việc nên lúc nào chúng tôi cũng căng thẳng về mặt thời gian. Chúng tôi vẫn nói là thượng đế cần ưu ái, ban cho luật sư một ngày 48 tiếng, chứ nếu vẫn 24 tiếng/ngày thì không đủ thời gian giải quyết các công việc".

Tư Viễn

Bài viết đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số 164

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/phap-luat/an-ninh-hinh-su/cam-xuc-vo-oa-khi-luat-su-bao-ve-thanh-cong-vu-duong-su-dinh-nhay-lau-a342882.html