Cảm xúc tháng 6 - Vài lời sẻ chia!

Lịch sử khéo xếp đặt những ký ức đẹp của làng báo Việt, đó là những sự kiện nối tiếpgối đầu liền trong tháng 4, 5, 6 'Tây' hàng năm từ những năm tháng đáng nhớ.

Các đại biểu tham gia lễ khánh thành Bia Di tích Lịch sử Quốc gia - Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, ngày 4/4/2019. Ảnh: PH

Các đại biểu tham gia lễ khánh thành Bia Di tích Lịch sử Quốc gia - Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, ngày 4/4/2019. Ảnh: PH

Tháng 5 - ngày 19 năm 1890 (thế kỷ XIX) là ngày sinh của Bác Hồ - Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa của thế giới. Năm 2019 chạm 129 năm ngày sinh của Người, cũng là năm thứ 4 giới báo chí cùng cả nước thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 về đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Tháng 6 - ngày 21 năm 1925 (thế kỷ XX) Bác Hồ sáng lập tờ báo cách mạng đầu tiên của nước ta - Báo Thanh Niên. Với sự kiện lịch sử này, Bác kính yêu của chúng ta trở thành Người thầy số 1, vị Tổng Biên tập đầu tiên của Báo chí cách mạng Việt Nam.

Tháng 2/1985, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Bí thư Trung ương Ðảng ra Quyết định số 52, ngày 5/2/1985 lấy ngày ra số đầu tiên của Báo Thanh Niên làm Ngày Báo chí Việt Nam (21/6/1925), nhằm nâng cao vai trò và trách nhiệm xã hội của báo chí, thắt chặt mối quan hệ giữa báo chí với công chúng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí.

Ngày 21/6/1985, lần đầu tiên giới báo chí cả nước tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Báo chí Việt Nam và kỷ niệm 60 năm Báo Thanh Niên xuất bản số đầu tiên. Ðây là ngày lễ không chỉ của riêng giới báo chí mà là ngày lễ của nhân dân cả nước, vì báo chí là sự nghiệp của toàn dân. Ngày 21/6/2000, nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Báo chí Việt Nam, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Chính trị BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đồng ý gọi Ngày Báo chí Việt Nam là Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.

Lùi lại, tháng 4 - ngày 21 năm 1950, trong những năm kháng chiến trường kỳ gian khổ, nếm mật nằm gai tại chiến khu Việt Bắc theo chỉ thị của Bác Hồ và Tổng bộ Việt Minh, Hội những người viết báo Việt Nam (nay là Hội Nhà báo Việt Nam) được thành lập. Ngày đó cả nước mới có 300 hội viên. Năm 2019 con số hơn 24.000 hội viên và gần 20.000 nhà báo. Vậy là dư vị ngọt ngào của ba tháng 4, 5, 6 dương lịch hàng năm tạc vào lịch sử báo chí vô vàn sự kiện không thể nào quên, gắn chặt quá trình phấn đấu, rèn giũa không mệt mỏi, đồng hành sự với nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Như một tia chớp rực sáng. Như luồng gió mới trong lành, Báo Thanh Niên nhanh chóng thành suối nguồn cách mạng, dẫn dắt báo chí cách mạng Việt Nam phát triển và hội nhập với cộng đồng báo chí quốc tế thời cách mạng 4.0 và thế giới phẳng trong vị thế không phải là khẩu hiệu, đó là:“Báo chí Việt Nam đổi mới, sáng tạo, trách nhiệm vì lợi ích của đất nước và nhân dân”

Cuộc hành trình cùng cả nước chấn hưng xứ sở đã đi qua hơn 3 thập kỷ của sự nghiệp đổi mới cùng 3 năm Quốc gia khởi nghiệp dù còn đây đó những khó khăn, bất cập, những “cửa ải” tự ta và không tự ta, nhưng báo chí và các hoạt động hội đóng góp xứng đáng cho đất nước, dẫu rằng có lúc, có việc chưa thật toại nguyện như mong muốn. Bác Hồ, lãnh tụ của dân tộc, nhà báo lớn, nhà thơ lớn với 79 mùa xuân cuộc đời của mình dành trọn cả cho dân cho nước. Với báo chí, Người chỉ nhận về mình là người có duyên nợ với báo chí. Sự khiêm nhường thật vĩ đại.

Tuy nhiên, vài năm lại đây, có một số người làm báo lợi dụng nghề cao quý, làm những điều tồi tệ, lừa gạt, tống tiền doanh nghiệp, ảnh hưởng đến uy tín của giới báo chí. Tệ nạn này không nhiều, nhưng “con sâu làm rầu nồi canh”. Ai đó nói lối chơi chữ “Không sợ hổ, chỉ sợ báo”. Trước người ta tin, gửi gắm, ngưỡng mộ nhà báo, nay đôi lúc lại khác... làm giật mình, khiến ta không thể không tỉnh táo, nghiêm túc xác định chỗ đứng của mình trong tất cả hoạt động của nghề báo, đừng vì thiếu tiền tiêu (3T) mà dẫn đến sa lầy, sa hố 3 chữ T khác. Điều này không mới, nhưng vào thời điểm này thiết nghĩ nhắc lại cũng không thừa: Tránh chạy theo tên tuổi, danh vọng; tránh chạy theo tiền bạc, lợi lộc của cám dỗ, dẫn đến bẻ cong ngòi bút. Chữ T cuối cùng là tránh tình trai - gái dẫn đến những uẩn khúc thiếu trong sáng bởi đạn bọc đường.

Thay việc tránh xa 3 chữ T (vừa dẫn) để nạp vào bộ nhớ 2 chữ T khác sáng đẹp hơn, đó là chữ Tâm và chữ Tài (trong tâm có cả đức) đòi hỏi người cầm bút, sử dụng vi tính, năng bồi đắp bản lĩnh chính trị, nghiệp vụ làm báo, hoạt động truyền thông theo định hướng sáng tạo vững vàng, phản biện xã hội có trách nhiệm. Không phải ngẫu nhiên mới đây Hội Nhà báo Việt Nam ban hành Quy tắc sử dụng mạng xã hội của nhà báo. Quy tắc này vừa mang tính nhân văn, vừa như để nhắc nhở người cầm bút tránh xa chuyện “bút sa gà chết”.

Để làm điều này, nói dễ nhưng làm khó bởi bị nhiều yếu tố chi phối, nhưng chắc chắn làm được bởi như Bác Hồ nói: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Để làm trọn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng”. Còn Sê-khốp, nhà văn nổi tiếng nước Nga lại nói: “Kiên nhẫn là giá trị của tài năng”. Một giáo sĩ cho rằng: “Người cúi đầu là người cao nhất”, bởi họ thật lòng khiêm tốn, biết người biết ta, giao tiếp có văn hóa.

Mọi người đều hiểu, hễ ai đã dấn thân vào nghề báo y như bắt đầu cuộc sống xê dịch và luân chuyển, nhưng rất thú vị, dù nghề này được ví sự gian khổ, cực nhọc, lao tâm khổ tứ, đi sớm về muộn... chỉ đứng sau nghề thợ mỏ. Nhà báo cũng có 2 người trong một con người. Một con người trí tuệ, kiến thức rộng, hồng và chuyên, năng nổ tìm kiếm, phản biện có trách nhiệm đời sống xã hội đương đại theo hướng tất cả vì người dân. Con người thứ hai là người đa cảm, nhạy bén thời cuộc, sáng suốt, tỉnh táo đưa ra những dữ liệu khả thi, tin cậy ắp tràn vẻ đẹp của Chân, Thiện, Mỹ.

***

Từ Quảng Châu đến chiến khu Việt Bắc, từ bản Roòng Khoa, xã Điềm Mặc nơi Thái Nguyên - thủ đô kháng chiến một thời về phố Lý Thái Tổ trong lòng Hà Nội mến yêu, Hội Nhà báo Việt Nam là “ngôi nhà chung” của làng báo Việt.

Hơn sáu thập kỷ hoạt động sôi động của mình, nhất là những năm đổi mới Hội vì sự nghiệp đổi mới đất nước, những nhà báo gánh vác vai trò Chủ tịch, các Phó Chủ tịch qua các nhiệm kỳ đến Văn phòng hội, các ban chuyên môn, Báo Nhà báo & Công luận, Tạp chí Người Làm Báo, Bảo tàng Báo chí, Cổng Thông tin điện tử... cùng các cấp hội trong cả nước, hết thảy hội viên đã làm tất cả những gì có thể làm được để Hội có được như hôm nay, thật nể trọng, đúng với phần thưởng cao quý của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tặng giới báo chí Việt Nam 25 chữ: “Báo chí cách mạng Việt Nam trung thành, đoàn kết, trí tuệ, đổi mới vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Nguyễn Xuân Lương

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/cam-xuc-thang-6-vai-loi-se-chia-n14290.html