Cảm xúc đặc biệt của những người lần đầu gặp Bác Hồ

Nắm đất miền Nam gửi tặng Bác Hồ, cảm xúc của dũng sĩ miền Nam lần đầu gặp Bác Hồ... là những câu chuyện xúc động được kể tại cầu truyền hình 'Hồ Chí Minh - Sáng ngời ý chí Việt Nam'.

Tối 18-5, Chương trình cầu truyền hình với chủ đề “Hồ Chí Minh - Sáng ngời ý chí Việt Nam” đã diễn ra tại năm điểm cầu, nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 – 19-5-2020).

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết dự tại điểm cầu ở TP.HCM. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết dự tại điểm cầu ở TP.HCM. Ảnh: TTXVN

Chương trình được trực tiếp tại năm điểm cầu, gồm: Hà Nội (Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch), Tuyên Quang (Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào), Nghệ An (Khu di tích Kim Liên), TP.HCM (Bến Nhà Rồng) và Đồng Tháp (Công viên Văn Miếu). Đây là những địa danh đã ghi dấu những câu chuyện về cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cầu truyền hình chia làm năm chương: Người trai chí lớn, Đi tìm mùa xuân độc lập, Một nhà thống nhất, Âm thanh ngày mới, Rạng rỡ Việt Nam. Thông qua những thước phim tư liệu quý giá, những ca khúc viết về Bác và câu chuyện của những nhân chứng, kỷ vật lịch sử... đã khắc họa về cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại trong tình cảm của đồng bào và người dân cả nước.

Ngay từ phút mở màn, những tình cảm thiết tha nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã được hàng trăm thiếu nhi tại các điểm cầu chuyển tải qua các liên khúc: Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ, Nhớ ơn Bác, Mong Bác vô Nam, Từ rừng xanh cháu về thăm lăng Bác…

Hình bóng Bác kính yêu, ngọn lửa ý chí, tinh thần Hồ Chí Minh vẫn hiện diện trong từng khoảng sân, căn phòng, con đường trong Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch cho đến mọi miền đất nước.

Nhưng có lẽ điểm nhấn của cầu truyền hình là những câu chuyện xúc động về tình cảm của các lãnh đạo, chiến sĩ, đồng bào giành cho Bác.

Ông Hoàng Ngọc - nguyên đội viên Đội Nhi đồng Cứu Quốc, kể lại lần đầu được gặp Bác Hồ.

Bác có đôi mắt sáng, lời nói dễ nghe

Sau 18 ngày đi bộ chèo đèo lội suối, vào tháng 5-1945, Bác Hồ đã về đến Tân Trào. Ông Hoàng Ngọc, nguyên đội viên Đội Nhi đồng Cứu Quốc (Tân Trào, Tuyên Quang) năm đó là một cậu bé được gặp Bác Hồ đầu tiên.

“Sau khi Bác nghỉ trưa ở đình Hồng Thái, Bác đi vào trong làng. Lúc đó Bác Hồ gầy lắm nhưng có đôi mắt sáng và lời nói sao mà dễ nghe thế, lời Bác nói đi vào lòng người. Chúng tôi được dặn là phải giữ bí mật cho cả cụ già và cách mạng” - ông Ngọc kể lại.

Sau đó, chính tại mái đình Tân Trào, Bác Hồ và Tổng bộ Việt Minh đã tổ chức Quốc dân đại hội. Từ đây, tổng khởi nghĩa sôi sục diễn ra...

Nắm đất miền Nam gửi tặng Bác Hồ

Bác Hồ đã nói: “Nam bộ là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam”. Nghe theo lời kêu gọi của Bác, năm 1954 có rất nhiều cán bộ và chiến sĩ miền Nam đã hành quân tập kết ra Bắc.

Ông Lê Chí Đức (Cao Lãnh, Đồng Tháp), người đem nắm đất miền Nam tặng Bác Hồ.

Ông Lê Chí Đức (Cao Lãnh, Đồng Tháp) là một trong những chiến sĩ như thế. Ông cho biết trước khi ra Bắc ông và đồng đội đã bàn nhau xây dựng mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh Bác Hồ ở Cao Lãnh.

“Một ngày chúng tôi xây xong nhưng lại nghĩ Bác không có mặt ở đây thì làm sao thấy ngôi mộ được. Vì vậy, chúng tôi bàn nhau chụp hình đem ra cho Bác” - ông Đức nói.

Ông Đức còn cho biết thêm lúc đó có ý kiến đem một nắm đất miền Nam lấy tại mộ của cụ thân sinh Bác Hồ đem tặng Bác. Thế là ông Đức bốc một nắm đất gói vào một tờ báo và mang ra Hà Nội.

Sau khi đến Hà Nội vào tháng 10-1954, ông Đức đi ra bờ Hồ mua hộp sơn mài để nắm đất vào trong đó, bên ngoài viết dòng chữ “Kính dâng Bác Hồ nắm đất miền Nam được lấy tại mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc”. “Lúc đó Bác Hồ cầm, Bác Hồ khóc” - ông Đức kể lại giây phút trao nắm đất cho Bác Hồ.

Ngay sau đó, người dẫn chương trình đã đưa ông xem lại bức ảnh năm xưa chụp mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. “Tôi tưởng nó mất rồi” - ông Đức thốt lên và cho biết năm 1978 ông có ra viếng lăng Bác, vào thăm nhà sàn và thấy lại được cái hộp nhưng không biết tấm hình còn hay không.

Tuy nhiên, ông không biết rằng đó là tấm ảnh vô cùng quý giá đã được gìn giữ cẩn thận suốt nhiều năm liền ở Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.

Tiến sĩ Trần Viết Hoàn, nguyên Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, cho biết tấm hình ấy ghi lại tất cả sự hy sinh anh dũng của đồng bào miền Nam để bảo vệ bằng được ngôi mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc khi địch tìm mọi cách để phá hoại.

Ông Võ Phổ, đoàn dũng sĩ miền Nam, vinh dự được gặp Bác Hồ năm 1967.

“Dũng sĩ miền Nam” lần đầu gặp Bác

Người xem cầu truyền hình còn xúc động bởi câu chuyện của ông Võ Phổ, đoàn dũng sĩ miền Nam được vinh dự gặp Bác Hồ năm 1967. Ông là một trong những người trong bức ảnh “dũng sĩ miền Nam diệt Mỹ”.

“Lúc đó tôi ngồi bên phải cuối cùng, rất xa Bác Hồ. Tâm trạng của những người ngồi xa bao giờ cũng thấy buồn vì ở gần Bác bao nhiêu sẽ thấy hạnh phúc bấy nhiêu. Có lẽ Bác đọc được suy nghĩ ấy nên Bác nói một cô đưa cho Bác cái ghế thấp để trước mặt Bác” - ông Phổ kể lại giây phút được gặp Bác Hồ.

“Khi đưa ghế đến để trước mặt, Bác vẫy tay và nói cháu Phổ lại đây. Tôi đi đến đứng trước ghế thôi chứ không dám ngồi. Bác bảo cái ghế đấy là giành cho cháu, cháu cứ ngồi xuống đi. Khi tôi ngồi xuống ghế, Bác nói: Bác cháu ta không còn xa nữa mà thậm chí cháu còn gần hơn các bạn khác” - ông Phổ kể tiếp và cho biết đó là câu chuyện ông không bao giờ quên được.

Hy sinh khi đã có lễ đính hôn

Một câu chuyện khác vô cùng xúc động xảy ra ở mảnh đất Truông Bồn, xã Mỹ Sơn (Nghệ An), đây là vị trí kết nối các huyết mạch giao thông của hậu phương miền Bắc để chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam.

Năm 1968, Đội Thanh niên xung phong Truông Bồn có 14 chiến sĩ thì có đến 13 chiến sĩ đã hy sinh, chỉ còn một người sống sót khi bảo vệ tuyến giao thông huyết mạch này.

Ông Nguyễn Văn Võ, em trai liệt sĩ Nguyễn Thị Vân (một trong 13 chiến sĩ hy sinh năm đó) cho biết khi đó chị của ông đã xung phong lên đường để chống Mỹ cứu nước.

“Mẹ tôi nói với chị tôi là cứ đi làm nhiệm vụ, còn em trai sẽ ở nhà lo việc đồng áng và nuôi mẹ” - ông Võ kể lại. Nhưng rồi chị gái ông Võ đã không bao giờ trở về nữa. Chị đã nằm xuống như bao thế hệ thanh niên Việt Nam yêu nước vì hòa bình, thống nhất đất nước.

Cũng vào thời điểm ấy, trong số 13 liệt sĩ có cô gái Hoàng Thị Nhung - giấy báo gọi nhập học vào Trường Trung học chuyên nghiệp đang đợi, hay lễ đính hôn của chiến sĩ Cao Ngọc Hòa và nữ thanh niên xung phong Nguyễn Thị Tâm không bao giờ diễn ra được nữa.

Bà Trần Thị Thông, nguyên Tiểu đội trưởng Tiểu đội 2, Đại đội 317, Tổng đội 65 Thanh niên xung phong Truông Bồn.

Là người duy nhất sống sót, bà Trần Thị Thông, nguyên Tiểu đội trưởng Tiểu đội 2, Đại đội 317, Tổng đội 65 Thanh niên xung phong Truông Bồn, cho biết rất xúc động khi xem lại những hình ảnh về đồng đội. “Chị em cùng ăn cùng ở với nhau, sống chết có nhau, chống chọi với bom đạn bất kể giờ nào. Vậy mà...” - bà Thông nói.

Mặc dù chưa được gặp Bác Hồ nhưng tinh thần và trái tim của bà Thông cũng như thế hệ thanh niên xung phong lúc bấy giờ luôn gắn bó với lời Bác dạy.

“Lứa tuổi đôi mươi mình phải đóng góp gì cho đất nước, nghĩ thế nên tôi đã làm đơn tình nguyện vào đội Thanh niên xung phong” - bà Thông nói và cho biết luôn tự hào là con cháu quê hương Bác Hồ, không bao giờ sợ bom đạn để hoàn thành nhiệm vụ.

Ngoài những câu chuyện kể và những thước phim tư liệu, cầu truyền hình còn có rất nhiều cuộc giao lưu, trò chuyện với các khách mời đặc biệt như nhà báo Alberto Salazar Gutíerrez, Phân xã Hãng thông tấn Cuba; Giáo sư Furuta Motoo, giám đốc Đại học Việt Nhật…

Tất cả cùng nêu bật lên ý chí sắt đá, hành trình vượt mọi khó khăn, trở lực, cam go từ những năm tháng ra đi tìm đường cứu nước đến sự nghiệp cách mạng giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước của Bác Hồ kính yêu.

TÁ LÂM

Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/chinh-tri/cam-xuc-dac-biet-cua-nhung-nguoi-lan-dau-gap-bac-ho-913431.html