Cảm xúc cầu Trần Thị Lý

Cây cầu hình cánh buồm thể hiện khát khao vươn xa của người Đà Nẵng...

Cây cầu hình cánh buồm thể hiện khát khao vươn xa của người Đà Nẵng...

Đà Nẵng như trầm lại. Đúng vậy, một thành phố sôi động vẫn mãi mang đẳng cấp của nó, chỉ là trầm đi một chút thôi.

Tôi nhớ lại khoảnh khắc không bao giờ quên được, khi nhịp từng bước chân trên cây cầu đặc biệt. Đã nhiều lần quá rồi, tôi không nhớ nỗi đã bao lần mình bước từng bước suy tư cho thành phố này. Đà Nẵng tuyệt vời cùng muôn vàn kỷ niệm. Và đây, trên cầu Trần Thị Lý, cây cầu nhỏ xinh ngày nào cũng đã thay đổi được mấy năm, to lớn và hùng vĩ hơn.

Những ngày Đà Nẵng mới tái xây dựng, tôi thường đi qua cây cầu Trần Thị Lý này. Tại sao lại là nó mà không phải cầu Sông Hàn? Thời đó, Cầu Rồng chưa có, cầu Sông Hàn đã là niềm tự hào của người dân Đà Nẵng rồi. Trời đêm, người dân hướng những ánh mắt xem cú xoay chiều lịch sử. Đó là biểu tượng trong trái tim của người dân nơi dây. Còn cây cầu Trần Thị Lý vẫn nép mình khiêm tốn nơi xa, vẫn nhìn thấy, vẫn có người đi. Sự nổi tiếng có chút đáng ganh tỵ, như những rặng cây ven đường khi kết thúc chiều dài của cây cầu bình dị này.

Cầu Trần Thị Lý, nép mình như người ta từng biết, kể cả khi đã trùng tu. Liệu có bao nhiêu hơi thở của những người đã đi qua cây cầu này? Từ khi là cầu đường sắt, rồi đến nay là Trần Thị Lý? Ngay cả những người sống lâu nhất cũng không có câu trả lời. Chỉ biết rằng, sáng, chiều, rồi tối họ in dấu, họ đi qua sông Hàn để sống, để tồn tại. Đà Nẵng đã đi qua nhiều thăng trầm quá rồi, con người thì vẫn phải sống, phải mưu sinh và mong chờ một tương lai tươi sáng. Như cây cầu nhỏ bé, tưởng chừng khép nép dưới ánh bình minh của thành phố trẻ, thành phố đáng sống.

Nhớ kỳ APEC năm ấy, cả thành phố dậy lên sức sống mới. Cây cầu Trần Thị Lý cũng đón nhiều đoàn xe đi qua. Không ồn ào, không náo nhiệt, chỉ có một niềm tin, một tình yêu thuần khiết. Dường như, trong mỗi tâm hồn Đà Nẵng, họ sẵn sàng dâng hiến không vụ lợi cho thành công chung của quê hương đất nước. Một buổi chiều lộng gió, sông Hàn tỏa ra luồng không khí dễ chịu. Khi đó, triệu tấm lòng hòa vào một. Tổ quốc nâng tầm, cây cầu nhỏ bé năm nào, nay đã vụt cao, hùng vĩ. Xe đi qua, cây cầu mang đúng nghĩa nối những bờ vui. Mỗi nét bút ký kết, mỗi cuộc đón tiếp đều khiến chúng ta nhận ra giá trị của chính mình. Hội nghị trôi qua, Đà Nẵng tưởng như lắng lại, vậy mà bất chợt có thêm luồng sinh khí mới.

Nhớ lại ngày đó, khi cầu Trần Thị Lý được nâng cấp, nhìn những luồng xe cộ đi qua, nghe được một tiếng thở dài nuối tiếc kỷ niệm đã qua trên cây cầu bé nhỏ. Thời hiện đại rồi, kỷ niệm rồi cũng tan dần vào quá khứ, vậy sao không tạo thêm những kỷ niệm ngay từ bây giờ?

Đà Nẵng mùa hạ. Như trong chúng ta tưởng tượng, Đà Nẵng vẫn huyền bí với vẻ đẹp tiềm ẩn dù đã qua bao năm tháng. Không như những gì tôi từng nghĩ, cầu Trần Thị Lý chỉ là điều kiện cần cho sự phát triển, còn điều kiện đủ là sự đồng lòng, là lòng quyết tâm.

Lại nghĩ đến vết hằn thời gian. Những gì thời gian để lại không chỉ là thành công mà còn là kinh nghiệm và suy nghĩ. Mỗi cây cầu qua sông Hàn như một luồng suy nghĩ mới cho tương lai. Một cây cầu không chỉ là cây cầu, nó còn tượng trưng cho những thành quả quan trọng về kinh tế mà Đà Nẵng thu được. Đó là nâng tầm thương hiệu, thu hút đầu tư, là hạ tầng xã hội, là các dự án phát triển bền vững, là đời sống người dân thay đổi theo hướng tích cực... Đà Nẵng thực sự đã được quảng bá, là cú hích lớn nhất từ trước đến nay để vươn mình, để làm sức bật cho tương lai. Đó không chỉ là các nguồn tài chính thu được mà còn là cơ hội mở rộng thương mại, du lịch, dịch vụ, mà tựu trung lại Đà Nẵng đã có thế và lực ở tầm cao mới. Người dân Đà Nẵng đã tự vươn lên từ nội lực của chính mình. Hỏi nhiều người Đà Nẵng, ai cũng xác định rằng mình đang góp phần vào trọng trách lớn lao của thành phố. Đó chính là sự đoàn kết về tư tưởng, về ý thức chứ không đơn thuần là đoàn kết trong tổ chức. Khi tất cả tư tưởng đã hòa chung vào một mục đích thì thành công là điều dễ hiểu.

Cầu chỉ là hữu hình, nhưng lòng người là vô tận. Như cây cầu Trần Thị Lý đơn sơ năm xưa. Xã hội phát triển, kinh tế phát triển thì những cây cầu cũng phải phát triển tương xứng, đó là quy luật tất yếu. Từ chỉnh trang đô thị, nâng cao trình độ đón tiếp cho đến khắc phục hậu quả thiên tai, Đà Nẵng đều vượt qua được thử thách. Người Đà Nẵng biết tiềm lực của mình nên họ đã tập trung vào khai thác mạnh các tiềm năng về du lịch, về công nghệ thông tin và nguồn lực con người, qua đó Đà Nẵng đã phát triển đúng với thực lực và tiềm lực vốn có, đem đến cho bạn bè quốc tế vẻ bình dị, thân thiện và hiếu khách. Quốc tế họ cần những điều đó và chúng ta đã đem đến cho họ. Khi đó thành quả về kinh tế ắt sẽ đến.

Ngày nay, nhìn những con đường, những cây cầu ở Đà Nẵng, chúng ta thấy bộ mặt của thành phố không chỉ thể hiện chủ trương đúng đắn mà còn chứa đựng rất nhiều công sức và tình cảm của người dân, những người rất mong muốn được góp phần làm đổi thay cuộc sống của chính mình. Sự vươn mình của Đà Nẵng ngoài sự gắn kết chặt chẽ của ý Đảng, lòng dân thì còn có một yếu tố quan trọng khác đã tạo nên nhiều thành công, cần được duy trì, giữ vững, đó là đời sống văn hóa tinh thần của người dân, là nếp sống văn hóa, văn minh đô thị đã được hình thành và phát triển.

ĐINH THÀNH TRUNG (Hà Nội)

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_233280_cam-xuc-cau-tran-thi-ly.aspx