Cấm vận 'không hợp thời'

Vấn đề nới lỏng lệnh trừng phạt với Iran những ngày gần đây thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế đã lên tiếng kêu gọi Tổng thống Mỹ Donald Trump dỡ bỏ lệnh trừng phạt Iran với lý do cấm vận trong thời điểm dịch Covid-19 sẽ làm tổn hại nghiêm trọng phúc lợi của người dân nước này.

Trong thông điệp phát đi ngày 31-3, giờ Washington, báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc (LHQ) Hilal Elver cho biết, việc tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với các nước: Syria, Venezuela, Iran, Cuba và Zimbabwe đang làm suy yếu nghiêm trọng quyền cơ bản được hưởng thực phẩm đầy đủ của công dân bình thường. Bà Elver nhấn mạnh, đây là vấn đề nhân đạo khẩn cấp và cần thiết phải dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế đơn phương ngay lập tức. Trước đó, Cao ủy nhân quyền LHQ Michelle Bachelet cũng đề xuất nới lỏng hoặc đình chỉ các biện pháp trừng phạt đối với những quốc gia nói trên. Theo bà Bachelet, những trở ngại đối với việc nhập khẩu vật tư y tế quan trọng, bao gồm cả việc tuân thủ quá mức các lệnh trừng phạt của các ngân hàng, sẽ gây tác hại lâu dài cho những cộng đồng dễ bị tổn thương.

Không phải ngẫu nhiên Iran nằm trong số ít quốc gia nhận được sự quan tâm của LHQ ở thời điểm dịch Covid-19 bao phủ toàn cầu. Theo thống kê, tính đến sáng 4-4, số ca tử vong do Covid-19 ở Iran đã vượt quá 3.300 người, trong khi tổng số ca mắc bệnh lên tới 53.000 người, đưa quốc gia Hồi giáo vào danh sách 10 quốc gia bị ảnh hưởng bởi Covid-19 nặng nề nhất. Một vài nước, trong đó có Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Trung Quốc, Anh, Pháp, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ đã gửi tàu chở các thiết bị hỗ trợ, như: Găng tay y tế, khẩu trang y tế... tới Iran nhằm giúp quốc gia này đối phó với dịch bệnh. Tuy nhiên, những hỗ trợ trên chẳng thấm là bao, nhất là khi các lệnh trừng phạt của Mỹ đang cản trở 80 triệu người dân nước này tiếp cận những thứ vốn cơ bản trong cuộc sống, như: Lương thực, thực phẩm và các dụng cụ vệ sinh, y tế cần thiết để chống dịch.

Trong bức thư ngỏ gửi các quan chức hàng đầu trong chính quyền Tổng thống Donald Trump mới đây, một nhóm gồm hơn 30 nghị sĩ Mỹ cũng kêu gọi Washington tạm ngưng trừng phạt Tehran, tạo điều kiện để nước cộng hòa Hồi giáo này đối phó với dịch Covid-19. Bức thư có đoạn: “Các đại dịch không biết biên giới. Việc để cuộc khủng hoảng này trở nên thảm khốc hơn ở Iran có nguy cơ gây thiệt hại đáng kể cho không chỉ người dân nước này mà còn cả người dân ở Mỹ và khắp thế giới”. Ngày 2-4, ứng cử viên tổng thống hàng đầu của Đảng Dân chủ, cựu Phó tổng thống Joe Biden gợi ý, do dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, Mỹ nên thiết lập một kênh riêng cho các ngân hàng và các công ty khác để hoạt động ở Iran và cấp giấy phép cho bán thiết bị y tế, dược phẩm.

Theo giới phân tích, việc Mỹ duy trì các lệnh trừng phạt đơn phương với Iran trong thời điểm dịch Covid-19 là “không hợp thời”, bởi nó không chỉ gây tổn hại tới người dân Iran mà còn làm suy yếu khả năng chống dịch của chính quyền Tehran. Thậm chí, chiến dịch gây sức ép tối đa bằng các biện pháp mạnh của Tổng thống Donald Trump đối với Iran ở thời điểm này có thể phản tác dụng khi nó có thể khiến Iran có những phản ứng mạnh hơn. Bên cạnh đó, trong bối cảnh tỷ lệ người dân Mỹ ủng hộ cách xử lý dịch Covid-19 của Tổng thống Donald Trump chỉ còn 47%, giảm mạnh so với 55% hồi tuần trước, theo kết quả thăm dò dư luận của ABC News/Ipsos công bố ngày 3-4, thì việc duy trì lệnh trừng phạt với Iran ở thời điểm này không phải là nước cờ hay.

PHƯƠNG LINH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/cam-van-khong-hop-thoi-614324