Cấm tuyệt đối uống rượu bia khi lái xe: 'Giờ mà còn lăn tăn thì hơi lạ!'

Dù Luật đã được thông qua và sắp có hiệu lực, nhưng ĐBQH Nguyễn Sĩ Cương vẫn còn băn khoăn về việc thực thi điều khoản cấm tuyệt đối uống rượu bia khi lái xe. Ngược lại, Phó Chủ tịch UBATGT Quốc gia nhấn mạnh: 'bây giờ mà còn lăn tăn thì hơi lạ!'

Kể từ ngày 1/1/2020, Luật phòng chống tác hại của rượu bia sẽ có hiệu lực, với một số điều khoản quy định cụ thể về biện pháp giảm tác hại của rượu bia. Đáng chú ý trong đó là quy định “Người điều khiển phương tiện giao thông không uống rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông”.

Theo quy định này thì dù là người điều khiển ô tô, xe máy, xe đạp, xe thô sơ, thậm chí là xe ủi, xe lu, xe công nông… đều không được phép uống bất kỳ một chút rượu bia nào. Đây cũng là một quy định được đại đa số người dân ủng hộ trong suốt quá trình xây dựng Luật.

Tuy nhiên, phát biểu tại Hội nghị triển khai Luật phòng chống tác hại của rượu bia do Bộ Y tế tổ chức sáng nay (16/10), đại biểu Quốc hội Nguyễn Sĩ Cương cho biết, bản thân ông là người đã “chiến đấu” rất nhiều với các điều khoản của luật và nhận thấy, còn rất nhiều ý kiến trái ngược của các chuyên gia, các đại biểu khác nhưng các ý kiến này “đều có lý”.

 ĐBQH Nguyễn Sĩ Cương lo ở nông thôn, uống rượu bia xong thì không có xe buýt, taxi

ĐBQH Nguyễn Sĩ Cương lo ở nông thôn, uống rượu bia xong thì không có xe buýt, taxi

Ông Cương cũng cho rằng, quá trình triển khai luật này thì việc “tiếp tục và đưa ra lý lẽ cho việc triển khai trong thực tế mang lại hiệu quả không phải là việc đơn giản”.

“Sau khi QH thông qua luật, chúng tôi đi tiếp xúc cử tri và cử tri hỏi như thế này mà tôi đành cười trừ, tôi không biết trả lời thế nào. Họ nói rằng ở nông thôn, phương tiện công cộng thì không có mà taxi thì không, mà cứ có đám giỗ hay đám cưới thì thế nào chả có ăn uống. Mà ăn uống thì đương nhiên phải có rượu bia. Nếu theo quy định của Luật mới là cấm tiệt thì làm thế nào để thực hiện được! Không có phương tiện công cộng, không có taxi, chỉ có đi xe ôm. Thế thì làm thế nào để thực hiện quy định của Luật?” - ông Cương nói và cho rằng, mình “chỉ nêu ví dụ như vậy để thấy việc thực thi là khó khăn".

Ông Cương cũng lấy ví dụ về việc thực hiện Luật phòng chống tác hại của thuốc lá. “Tôi đã từng tranh luận ở QH khóa trước, rằng ông thủ trưởng ngồi trong phòng mà hút thuốc thì ai phạt? Bảo vệ hay văn phòng Bộ đi phạt? Không ai dám động đến cả. Tôi nghĩ là động đến một đồng chí Bộ trưởng thì rất là khó, chỉ cần là người hút thuốc lá là người cấp vụ thôi cũng đã không có ai động đến được rồi” - ĐB Nguyễn Sĩ Cương nói và thêm rằng, bên cạnh Luật thì còn phải có sự tự giác nhờ công tác tuyên truyền, “chứ cứ trông chờ vào việc xử phạt quyết liệt thì khó khăn".

Xử phạt chính là hình thức tuyên truyền!

Về vấn đề này, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia (UBATGT Quốc gia) có ý kiến: ”Phải khẳng định là quy định nồng độ cồn bằng 0 đối với ô tô có từ lâu rồi. Còn đối với người đi ô tô xe máy tối đa là 0,25ml, chỉ bằng 1 lon bia. Nhưng hoặc là không uống lon nào, chứ có ai uống 1 lon rồi dừng lại không? Trừ người không biết uống, chứ đã uống thì sẽ 5 lon 10 lon, 5 ly 10 ly… Dư luận đã rất đồng tình với quy định này rồi".

Ông Khuất Việt Hùng cũng nhắc lại: Lần đầu tiên QH phải bỏ phiếu đến 2-3 lần cho điều này, và trước đòi hỏi của dư luận, QH đã có một quyết định rất phù hợp.

“Quá trình thực thi, có những luật liên quan đến cả an ninh quốc phòng mà có khi thực hiện còn không được toàn vẹn, thì cũng không nên đòi hỏi khi thực thi một luật liên quan đến vài chục triệu dân như luật Phòng chống tác hại của rượu bia mà 100% thì quá cầu toàn. Việc có quy định này gửi một thông điệp rất rõ đến toàn thể nhân dân là đã uống rượu bia đừng có lái xe. Người ta sẽ phải quyết định: Vì tôi lái xe nên tôi không uống!” - ông Khuất Việt Hùng nhấn mạnh.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia

Theo Phó Chủ tịch UBATGT Quốc gia, từ nông thôn cho tới thành thị, từ miền núi đến đồng bằng, “vì luật đã quy định nên tôi phải lái xe thì tôi không uống".

“Từ cơ quan xây dựng pháp luật, Chính phủ, các, bộ ngành, địa phương cần nhất quán về sự cần thiết, sự hợp thời, phù hợp với tiến trình phát triển nhận thức của nhân dân, khẳng địn quyết tâm để chỉ đạo các cơ quan chức năng và vận động nhân dân thực hiện cho được quy định rất nhân văn của Luật.” - ông Khuất Việt Hùng cho thấy UBATGT Quốc gia có quan điểm rất rõ ràng về việc này.

Phó Chủ tịch UBATGT Quốc gia nhấn mạnh: “Tuyên truyền mà chỉ tuyên truyền không thì chỉ như nước đổ lá khoai, không ăn thua. Xử phạt chính là hình thức tuyên truyền". “Tôi đề nghị gắn việc xử phạt với tuyên truyền để cho người dân nhận thức được. Đại đa số dư luận ủng hộ điều cấm này trong luật, và thậm chí, khi QH có những phân vân khác nhau, thì dư luận lên tiếng rất mạnh mẽ. Cho nên, lúc này là lúc rất thuận lợi về lòng dân để chúng ta triển khai. Chứ nếu bây giờ mà còn chần chừ, còn lăn tăn thì cũng là một điều hơi lạ!” - Phó Chủ tịch UBATGT Quốc gia nói.

Ông Khuất Việt Hùng cũng cho biết, hiện nay, đã trang bị máy đo nồng độ cồn đến cấp huyện nên việc xử phạt cũng sẽ thuận lợi hơn.

Xuân Hưng

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/dan-sinh/201910/cam-tuyet-doi-uong-ruou-bia-khi-lai-xe-gio-ma-con-lan-tan-thi-hoi-la-641982/