Cảm tính!

Góp ý cho Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), Luật sư Trương Thị Hòa (Đoàn Luật sư TP HCM) đề xuất bỏ quy định cấm giáo viên ép học sinh học thêm để thu tiền.

Lý do đưa ra để giải thích cho đề xuất trên là sợ các thày cô bị tổn thương, rằng hiện tượng dạy thêm, học thêm là cá biệt không phổ biến nên không cần đưa vào quy định luật. Dư luận hết sức ngạc nhiên trước đề xuất này, bởi mọi người luôn cho rằng đã là luật sư thì phải nói bằng lý lẽ logic, chứ không phải là sự cảm tính chủ quan của cá nhân hay một nhóm người.

Trước hết, chúng ta cần phải phân biệt rạch ròi giữa quy định pháp luật với cảm nghĩ chủ quan của một vài cá nhân, hay một ngành nào đó. Phàm những hành vi có thể xảy ra trong thực tế thì khi xây dựng luật cần thiết phải đưa vào để điều chỉnh những hành vi đó, dù chỉ là số ít hay khó xảy ra. Nếu lập luận rằng đưa quy định cấm thày cô ép học sinh học thêm để thu tiền vào Luật Giáo dục (sửa đổi) sợ các nhà giáo bị tổn thương thì sau này lấy gì để điều chỉnh hành vi của những người cố tình bắt ép học sinh học thêm để kiếm tiền?

Đơn cử tại Điều 9, Luật Báo chí 2016 có tới 10 khoản mục (khoản 1-10) cấm nhà báo, cơ quan báo chí không được làm rất nhiều điều, trong đó có những hành vi bị cấm như xuyên tạc, phỉ báng, phủ nhận chính quyền nhân dân; tuyên truyền lối sống đồi trụy... Nếu lập luận như trên thì các phóng viên, nhà báo có cảm thấy bị tổn thương khi trong Luật Báo chí có quy định cấm tuyên truyền lối sống đồi trụy? Và nếu không có quy định này khi một số phóng viên, nhà báo biến chất thực hiện việc tuyên truyền lối sống đồi trụy thì lấy đâu căn cứ đâu điều chỉnh hành vi này?

Thử đặt hai quy định cấm của hai luật khác nhau bên cạnh nhau rồi so sánh xem việc cấm “ép học sinh học thêm để thu tiền” với cấm “tuyên truyền lối sống đồi trụy” thì quy định nào khiến đối tượng chịu sự điều chỉnh bị tổn thương nhiều hơn? Hơn nữa, cũng chưa có bất cứ số liệu điều tra nào hay công trình khoa học nào (được công nhận) đưa ra số liệu cụ thể chứng minh rằng hành vi ép học sinh học thêm để thu tiền của các thày cô là số ít, không phổ biến. Trong khi đó, thực tế có khá nhiều phụ huynh hoàn cảnh kinh tế khó khăn đang phải oằn mình nộp các khoản tiền học thêm cho con, nếu không muốn bị thày cô giáo “soi” và trù dập. Vậy nên, đừng đặt cảm tính của một vài cá nhân hay một nhóm người vào việc xây dựng luật.

Hải Phong

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giao-duc/cam-tinh-tintuc418942