Cầm tiền lương trong tay, học quản lý chi tiêu ngay để bớt đau lòng với ví tiền cuối tháng

Khó khăn hơn cả việc tìm được công việc với mức lương tốt chính là làm sao để quản lí được đồng lương và mức chi tiêu. Cầm tiền lương trong tay, bạn dễ dàng bị choáng ngợp bởi sự đấu tranh qua lại giữa trách nhiệm và mong muốn tự do chi tiêu. Dưới đây là những lời khuyên giúp bạn bình tĩnh đối mặt với các vấn đề tài chính và những câu hỏi như: Khi nào cần ổn định, khi nào mua nhà mua xe, khi nào kết hôn...

1. Trả tiền cho tương lai nhàn rỗi

Đây không phải là một câu nói sáo rỗng về tài chính cá nhân, nó là bước đầu tiên trên con đường ổn định tài chính. Đừng nghĩ tiết kiệm tiền lúc còn trẻ là để thanh xuân của bạn phải sống trong thiếu thốn (vì bạn không thể mua những thứ mình muốn NGAY LẬP TỨC). Nếu bạn thay đổi suy nghĩ của mình và xem việc tiết kiệm như một khoản đầu tư cho sức khỏe và sự nhàn rỗi trong tương lai, thì điều đó sẽ khiến bạn có động lực hơn và hiểu đúng về tiết kiệm hơn.

Tương lai huy hoàng, thành đạt của bạn phụ thuộc vào khả năng kỷ luật túi tiền của bạn ngay từ bây giờ đấy!

Tương lai huy hoàng, thành đạt của bạn phụ thuộc vào khả năng kỷ luật túi tiền của bạn ngay từ bây giờ đấy!

Nếu bạn dám lập tài khoản cho tương lai, không đụng vào nó trước năm 40 tuổi/ 45 tuổi/ 50 tuổi, trừ khi đó là chuyện thực sự quan trọng thì bạn sẽ càng tăng khả năng giàu có. Cam kết này sẽ giúp bạn giảm khả năng chi tiêu tiền tiết kiệm của mình cho các khoản mua sắm bốc đồng hoặc lấy tiền đầu tư vào những thứ bạn không đủ hiểu biết.

2. Lập quỹ khẩn cấp

Quỹ khẩn cấp quan trọng vì nhiều lý do:

- Những thứ gấp hoặc đột xuất thường rất tốn kém.

- Nếu bạn có một lượng tiền mặt dồi dào cho những trường hợp khẩn cấp, thì nó càng giảm mức độ khẩn cấp của vấn đề.

- Về mặt tâm lý, bạn sẽ bớt căng thẳng hơn vì bạn biết rằng mình có thể giải quyết bất cứ việc gì đột xuất ập đến.

- Bạn sẽ giữ được mối quan hệ bạn bè tốt hơn vì không phải đi vay mượn khi bản thân không có đồng nào.

Quỹ khẩn cấp sẽ phát huy hiệu quả những lúc như phải chi tiêu đột xuất.

3. Những thói quen tài chính tốt sẽ giúp bạn đối đãi bản thân tốt hơn

Chúng ta nên bắt đầu phát triển 2 thói quen căn bản nhất để chi tiêu có kế hoạch hơn:

- Theo dõi chi tiêu của bạn: Ghi chép lại những gì bạn chi tiêu không phải là một việc làm thú vị, nhưng đó cũng là cách duy nhất để biết tiền của mình đi đâu. Chỉ có như vậy bạn mới có thể biết mình nên cắt giảm ở đâu. Cái nào là bốc đồng, cái nào là quan trọng.

- Chờ đợi khoảng 3 ngày khi trước mua một thứ gì đó đắt tiền. Nếu bạn cứ bắt bản thân phải nói “không”, thì nó sẽ tìm mọi lí do để phân tích cho thành “có”. Sự cấm đoán bản thân quá mạnh mẽ chỉ khiến bạn càng bị thôi thúc phải làm một điều gì đó để xoa dịu và làm nguôi ngoai nỗi thất vọng của mình. Thay vào đó, hãy nói với bản thân là "không phải bây giờ", từ từ mua cũng được, để trì hoãn các ham muốn của bạn lại, rồi suy nghĩ kỹ hơn.

Ghi chép theo dõi mình đã chi gì là cách duy nhất giúp bạn kiểm soát túi tiền.

4. Lập kế hoạch cho tương lai

Đặt một số mục tiêu tiền bạc để phục vụ cho kế hoạch tương lại. Đó có thể là một khoản để bạn chi trả cho đám cưới, hoặc đi du học tự túc, mua được ngôi nhà mơ ước hoặc một chiếc ô tô. Đây là một cách tuyệt vời để thúc đẩy bản thân nhiều hơn và duy trì động lực bạn đã xây dựng trong lúc tập thói quen tiết kiệm. Nhưng khi đạt được số tiền để thực hiện kế hoạch của mình, đừng tiếc tiền và tiếc công tiết kiệm mà ngừng kế hoạch lại. Đủ tiền, hãy thực hiện nó!

5. Hãy kiên nhẫn

Ở độ tuổi rất trẻ, hẵng chúng ta có rất nhiều mơ ước và mục tiêu nhưng hầu hết đều có vẻ như nằm ngoài tầm với. Nếu bạn không kiếm được nhiều tiền, thì việc tiết kiệm được một số tiền lớn để thực hiện kế hoạch biến ước mơ thành sự thật sẽ mất một khoảng thời gian. Nhưng đừng đánh giá thấp những đồng tiền tiết kiệm nhỏ lẻ. Từ những đóng góp nhỏ từ từ sẽ tạo nên một điều gì đó đáng kể.

Ái Phương - Ảnh minh họa từ Internet

Nguồn HHT: https://hoahoctro.tienphong.vn/cam-tien-luong-trong-tay-hoc-quan-ly-chi-tieu-ngay-de-bot-dau-long-voi-vi-tien-cuoi-thang-post1344808.tpo